Nghiên cứu trên trẻ em Việt Nam cho thấy chiến lược tiêm vaccine liên hợp phế cầu khuẩn (PCV) với số liều ít hơn vẫn có tác dụng giúp trẻ chống lại các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra như viêm màng não và viêm phổi.

Đưa trẻ đi tiêm vaccine phế cầu phòng bệnh
Đưa trẻ đi tiêm vaccine phế cầu phòng bệnh. Ảnh: Báo Tây Ninh

Bệnh phế cầu do loại vi khuẩn Streptococcus pneumoniae khu trú ở vùng mũi - họng gây ra. Nhiễm phế cầu khuẩn là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhỏ mắc các bệnh lý nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi,… nặng hơn là viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây tử vong cao.

Thông thường, vaccine liên hợp phế cầu khuẩn (PVC) sẽ được tiêm theo lộ trình khác nhau, tùy vào độ tuổi của trẻ, chẳng hạn như lịch tiêm gồm 3 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại (lịch tiêm 3+1), lịch tiêm gồm 2 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại (lịch tiêm 2+1), lịch tiêm gồm 1 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại (lịch tiêm 1+1), lịch tiêm gồm 1 mũi (lịch tiêm 0+1).

Nhiều người lo ngại rằng việc tiêm ít mũi sẽ không giúp cải thiện khả năng chống lại vi khuẩn của trẻ. Để kiểm chứng hiệu quả của vaccine PVC với lịch tiêm 1+1 và 0+1, các nhà khoa học ở Viện Pasteur TPHCM đã phối hợp với các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch, Trường Nghiên cứu Sức khỏe Menzies (Úc) tiến hành dự án thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng mang tên Thử nghiệm phế cầu khuẩn Việt Nam II.

Các nhà khoa học đã theo dõi 2.501 trẻ tại 3 quận ở TPHCM để phân tích hiệu quả của hai nhóm lịch tiêm là 1+1 và 0+1. Để chắc chắn, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hai loại vaccine PCV phổ biến từ hai hãng khác nhau, áp dụng với cả hai lịch tiêm.

Kết quả cho thấy việc tiêm liều PCV cho trẻ sơ sinh Việt Nam vào hai thời điểm - lúc 2 tháng tuổi và 12 tháng tuổi (còn được gọi là lịch tiêm 1+1) - đã làm giảm tới 2/3 sự hiện diện của vi khuẩn phế cầu khuẩn trong mũi của trẻ em khỏe mạnh, giúp giảm mức độ lây truyền ra cộng đồng. Thử nghiệm cũng ghi nhận rằng khả năng miễn dịch của trẻ đã tăng lên, giúp bảo vệ các em trong những năm đầu đời.

Thử nghiệm này tại Việt Nam đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy lịch tiêm vaccine 1+1 có thể phù hợp ở các quốc gia nơi việc tiêm phòng phế cầu khuẩn đã được triển khai.

Phát hiện quan trọng khác từ nghiên cứu là một liều PCV được cung cấp lúc 12 tháng tuổi (được gọi là lịch tiêm vaccine 0+1) cũng có thể mang lại một số hiệu quả bảo vệ nhất định.

Nhóm nghiên cứu cho rằng đây có thể là một phương án tiêm hiệu quả tại các cơ sở y tế nơi việc tiếp cận vaccine PCV còn nhiều khó khăn.

Theo Beth Temple, nhà dịch tễ học của Trường Nghiên cứu Sức khỏe Menzies, Giám đốc Thử nghiệm phế cầu khuẩn tại Việt Nam II, tác giả chính của nghiên cứu, "Giảm số liều trong lịch tiêm vaccine có thể xem là chiến lược tiêm chủng giúp tăng khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của người dân”. Việc tiêm ít liều hơn sẽ giúp giảm chi phí, hậu cần và nguồn lực, cũng như tiết kiệm số vaccine cần dùng để tiêm chủng tại những khu vực khó khăn.

60% trẻ em trên toàn cầu chưa được tiêm phòng

Vaccine phế cầu khuẩn đã có từ năm 2000, nhưng ước tính có 60% trẻ em trên toàn cầu chưa được tiêm phòng. "Viêm phổi nặng, thường do Streptococcus pneumoniae hay còn gọi là phế cầu khuẩn gây ra, vẫn là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em ở các khu vực nghèo trên thế giới”, Giáo sư Kim Mulholland, Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch, Điều tra viên chính Thử nghiệm phế cầu khuẩn tại Việt Nam II, cho biết. Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là những trẻ sống trong những khu nhà tồi tàn, đông đúc, đặc biệt là những trẻ bị suy dinh dưỡng.

“Đáng buồn thay, sau 23 năm kể từ lần đầu vaccine PCV được đưa vào sử dụng trong thực tế, những đứa trẻ này vẫn là đối tượng có nhiều khả năng không được tiêm vaccine nhất”, trong khi đó, đây mới là những đứa trẻ cần được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên. “Các nghiên cứu của chúng tôi trong lĩnh vực này được thiết kế để giúp các nhà chức trách bảo vệ tất cả trẻ em, không chỉ những đứa trẻ từ các gia đình giàu có”, ông nhấn mạnh.

Thử nghiệm này được tiến hành nhờ nguồn hỗ trợ tài chính từ Quỹ Bill & Melinda Gates. Các nhà khoa học đã công bố những kết quả này trên tờ The Lancet Infectious Diseases.