Thử nghiệm trên động vật cho thấy vaccine được tùy chỉnh nhằm vào biến thể Omicron không mang lại lợi ích so với vaccine hiện có.

Kể từ lần đầu tiên được xác định vào tháng 11, Omicron nhanh chóng trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu. Đặc tính sinh học của nó khác biệt đáng kể so với chủng SARS-CoV-2 "tổ tiên", khiến cho các vaccine hiện có chống lại Omicron kém hiệu quả hơn.

Vì thế các nhà sản xuất vaccine đang dồn nguồn lực vào các mũi vaccine COVID-19 tùy chỉnh nhằm chống lại Omicron. Cuối tháng trước, cả Pfizer và Moderna đều thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng các mũi tiêm tùy chỉnh này.

Hai công ty dự kiến sẽ công bố dữ liệu thử nghiệm đầy đủ trong vài tháng tới, nhưng các nghiên cứu bước đầu trên động vật mới đây cung cấp một số manh mối về tiềm năng của các vaccine tùy chỉnh.

Hầu hết các nghiên cứu ban đầu chỉ bao gồm một số lượng nhỏ động vật, và chưa có nghiên cứu nào được bình duyệt, nhưng các kết quả đều cho thấy một cách nhất quán rằng mũi tiêm nhằm vào cho Omicron không mang lại lợi ích gì hơn so với việc tiêm mũi thứ ba bằng các vaccine hiện có.

Xe cấp cứu xếp hàng tại một bệnh viện ở London trong đợt bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron.

Một nghiên cứu đã kiểm tra phản ứng miễn dịch của tám con khỉ rhesus (Macaca mulatta) được tiêm ba mũi vaccine: hai mũi vaccine hiện có của Moderna và một mũi tăng cường. Tám con khỉ này được chia thành hai nhóm tiêm hai loại mũi tăng cường khác nhau, một loại là vaccine Moderna hiện có, một loại dựa trên protein gai nhiều đột biến của Omicron.

Kết quả, cả tám con khỉ đều tạo ra phản ứng kháng thể chống lại tất cả các biến thể đáng lo ngại, bao gồm cả Omicron, và mũi thứ ba có tác động tích cực đến các tế bào B bộ nhớ - tế bào chịu trách nhiệm tạo ra các kháng thể để chống lại virus. Cụ thể, cả hai loại mũi thứ ba đều làm tăng mức độ tế bào B bộ nhớ phản ứng chéo - những tế bào nhắm mục tiêu đến nhiều biến thể, chứ không chỉ biến thể sử dụng trong vaccine. “Kết quả rất tích cực, chúng ta vẫn có thể chống lại tất cả các biến thể đã biết bằng cách tiêm mũi thứ ba của các vaccine hiện có,” Robert Seder, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà miễn dịch học tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết.

Sau đó, nhóm Seder cho cả tám con khỉ tiếp xúc với Omicron. Trong cả thí nghiệm tiếp xúc này và thí nghiệm phân tích phản ứng của tế bào B, vaccine tùy chỉnh nhằm vào Omicron không cho thấy lợi thế so với loại vaccine hiện có.

Một nghiên cứu khác trên chuột cũng cho thấy tiêm mũi tăng cường tùy chỉnh dành cho Omicron sau hai hai mũi vaccine mRNA hiện có không mang lại nhiều lợi ích hơn so với mũi tăng cường thông thường. Nghiên cứu này cũng thử nghiệm tác dụng của vaccine tùy chỉnh nhằm vào Omicron trên những con chuột chưa từng chủng ngừa mũi nào trước đó. Kết quả, chuột tạo ra nhiều kháng thể mạnh chống lại Omicron, nhưng những kháng thể này ít có khả năng ức chế các biến thể quan trọng khác. Một nghiên cứu nữa, cũng tiêm vaccine tùy chỉnh trên chuột chưa từng chủng ngừa, báo cáo kết quả tương tự.

Tiêm một mũi tăng cường tùy chỉnh có lẽ không phải là giải pháp, theo David Montefiori, giám đốc Phòng thí nghiệm phát triển vaccine phòng bệnh AIDS tại Trung tâm Y tế Đại học Duke, người đã nghiên cứu vaccine COVID-19.

Nguồn: