Trong phỏng vấn nhân dịp cuốn sách "Trí tuệ nhân tạo: Những ảnh hưởng được lập trình" vừa ra mắt bản tiếng Việt, tác giả Jean-Gabriel Ganascia giải đáp những câu hỏi cơ bản như vì sao AI đôi khi khiến người ta sợ hãi, nghĩ đến các kịch bản thảm họa; và một AI như thế nào sẽ có khả năng thành công.
Hiện nay trí tuệ nhân tạo đã trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, tuy vậy vẫn còn nhiều băn khoăn về những tác động của nó ở khía cạnh xã hội, đặc biệt là xã hội nhân văn. Xin ông chia sẻ ý kiến của mình.
Trí tuệ nhân tạo, giống như công nghệ kỹ thuật số, đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của xã hội đương đại bởi các luồng thông tin chính là yếu tố trung gian của mọi sự trao đổi, tương tác giữa chúng ta. Chẳng hạn, một tổ chức hỗ trợ tìm việc có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo trước tiên nhằm mục đích xử lý email khi xuất hiện tình trạng quá tải email tìm kiếm sự hướng dẫn. Tiếp theo, AI được sử dụng để tiến hành so khớp các vị trí tuyển dụng và đơn xin việc, để người tìm việc nhận được những lời đề nghị phù hợp nhất với họ, đồng thời các nhà tuyển dụng chọn được các ứng viên tốt nhất.
GS Jean-Gabriel Ganascia (1955) có nhiều năm nghiên cứu vật lý và triết học đồng thời là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo. Ảnh: INT
Như vậy, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo với mọi thứ sẽ trở nên vô cùng hữu ích. Tuy nhiên, nếu bạn sơ suất, nó hoàn toàn có thể dẫn tới kết quả tiêu cực, như trường hợp một số ứng viên bị nhà tuyển dụng từ chối chỉ vì lý do lãng xẹt nào đó, đơn giản bởi nó không có sẵn trong lập trình. Tương tự như vậy, chính những nhân viên của tổ chức hỗ trợ tìm việc cũng lo ngại rằng các thiết bị trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế họ và chiếm mất công việc của họ trong mười năm tới.
Có một nhà văn người Mỹ nổi tiếng, chuyên sáng tác thể loại khoa học viễn tưởng, Ray Bradbury, khi được hỏi rằng: "Ông sợ nhất điều gì ở robot?", ông ấy đã trả lời: "Không, tôi không sợ robot, điều tôi sợ chính là những người đứng sau con robot ấy". Và tôi tin rằng, điều này cũng đúng với trí tuệ nhân tạo. Thứ đáng sợ không phải là trí thông minh nhân tạo, mà chính là những người sử dụng trí thông minh nhân tạo đó.
Tôi nghĩ điều quan trọng là phải hiểu rằng, luôn có con người đứng đằng sau máy móc, và rằng bây giờ chúng ta phải suy nghĩ về trí tuệ nhân tạo theo các mục tiêu mà không bao giờ trí tuệ nhân tạo phải chịu trách nhiệm. Không bao giờ là máy móc, cũng chẳng bao giờ là máy tính, mà luôn luôn là những người đã sử dụng chúng theo cách này hay cách khác. Vấn đề nằm ở chỗ bản chất tìm tòi, khám phá của con người luôn mang lại một sức mạnh hành động đáng kể, nó khiến tiềm năng của chúng ta được tăng lên gấp nhiều lần và nó thậm chí còn khiến chúng ta càng phải có trách nhiệm hơn nữa.
Với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, ông dự đoán viễn cảnh nào cho công nghệ này trong tương lai của nhân loại?
Tôi biết là có một số kịch bản thảm họa nhưng chúng không diễn ra. Nhất là nhiều người sợ rằng máy móc sẽ làm mất quyền tự chủ của họ, điều này đối với tôi dường như giống với khoa học viễn tưởng hơn là thực tế. Hiện nay có một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng các cảm biến khiến chúng ngày càng nhỏ hơn. Một khía cạnh không thể bỏ qua là trí tuệ nhân tạo hoạt động nhờ các máy tính, vì vậy chúng tiêu thụ năng lượng và tạo ra hiệu ứng nhà kính góp phần gây nóng lên toàn cầu. Ở đây, ta có thể thấy rõ rằng công nghệ kỹ thuật số nói chung mang tính nước đôi - một mặt, nó góp phần vào sự nóng lên toàn cầu; nhưng mặt khác, nó có thể tiết kiệm cho ta một lượng phương tiện giao thông nhất định, chẳng hạn như ngay lúc này, chúng ta có thể phỏng vấn từ xa. Tương tự như vậy, trong một số trường hợp, trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta làm việc từ xa dễ dàng hơn.
Pháp và các nước châu Âu khác đã trải qua thời kỳ phát triển đầu tiên của trí tuệ nhân tạo. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu AI của mình?
Tôi nghĩ điều ta cần hiểu là trí tuệ nhân tạo không chỉ đơn giản là tự động hóa các nhiệm vụ. Theo quan điểm của các học giả, các thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo là thiết bị kỹ thuật-xã hội, nghĩa là máy không thể bị biệt lập, nó phải được thiết kế trong môi trường xã hội, trong mối quan hệ với tổ chức mà nó sẽ được sử dụng. Vào đầu những năm 1980, tôi còn trẻ, làm luận án của mình và sau đó tham gia tư vấn cho một công ty về phát triển trí tuệ nhân tạo. Ở đó, chúng tôi có một số ứng dụng hoạt động rất tốt, nhưng chúng không hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của con người. Chẳng hạn như, tôi nhớ đến một ngân hàng lớn của Pháp đề xuất tạo ra một hệ thống tư vấn đầu tư cho khách hàng, nghĩa là cho phép phân loại các phân khúc thu nhập, hoặc có thể dùng sản phẩm nào của ngân hàng để sử dụng tiền tiết kiệm của mình tốt nhất? Và hệ thống này đã không hấp dẫn các nhà quản lý tài khoản trong các ngân hàng vì họ sợ máy móc sẽ đánh cắp công việc của họ. Thật kỳ lạ là khách hàng cũng không muốn sử dụng vì họ cho rằng hệ thống này là do ngân hàng áp đặt, chính vì vậy họ càng tin tưởng vào người phụ trách tài khoản là nhân viên của ngân hàng hơn là vào máy móc! Thực tế, họ nghĩ rằng chúng được tạo ra bởi ngân hàng, bảo vệ lợi ích của ngân hàng.
Tôi tin rằng điều đó rất thường xảy ra đối với trí tuệ nhân tạo, ta phải có khả năng tin tưởng vào nó, để hiểu rõ những thứ này sẽ được sử dụng để làm gì, chúng sẽ phù hợp với nội bộ tổ chức xã hội như thế nào, vai trò chúng muốn thực hiện, nếu không chúng thực sự gây ra sợ hãi. Đó là những điều kiện để trí tuệ nhân tạo có thể thành công, đó thực sự phải là những thiết bị công nghệ bên trong tổ chức, của hệ thống xã hội mà chúng được sử dụng. Đừng xem chúng là những thiết bị công nghệ biệt lập, và đặc biệt, không thể cho rằng đó là các cỗ máy tự chủ. Hơn hết, chúng không được ra quyết định, không được tách rời con người mà ngược lại, phải được tư duy trong mối quan hệ với những người sắp sử dụng chúng, chúng phải được coi là trung gian giữa những con người với nhau, vì nếu không, những người này sẽ không sử dụng chúng vì họ sợ hãi và mặt khác, nếu họ sử dụng, chúng có thể gây ra những hậu quả nguy hại cho xã hội. Và đó là lý do tại sao chúng ta quan tâm đến các vấn đề đạo đức liên quan đến sự phát triển của công nghệ bởi vì nếu ta không suy nghĩ ngay từ khi bắt đầu tích hợp các công nghệ này vào xã hội, ta có thể gây ra những ảnh hưởng vô cùng nguy hiểm đến kết cấu xã hội.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!