Những nghiên cứu giáo dục không thể bỏ qua trong năm 2021 bao trùm nhiều vấn đề, từ tái định nghĩa khái niệm về một “trường học tốt” đến việc khai thác nội công thâm hậu của giáo viên.

2021 là một năm vất vả chưa từng có đối với các thầy cô giáo và lãnh đạo nhà trường. Chúng tôi đã đọc hàng trăm nghiên cứu để lần theo dấu vết những gì đã xảy ra trong cái năm không thể quên này. Các nghiên cứu tiết lộ bức tranh phức tạp về một năm mệt mỏi, trong đó các vấn đề sức khỏe thể chất cùng tinh thần vẫn ảnh hưởng dai dẳng đến hàng triệu thầy cô. Trong khi đó, nhiều cuộc tranh luận cũ vẫn tiếp tục: Liệu tài liệu giấy có đánh bại tài liệu kỹ thuật số? Học tập dựa trên dự án có hiệu quả như học tập trực tiếp không? Và thế nào là một “trường học tốt”?

Giáo dục cảm xúc và xã hội giúp cải thiện thành tích học tập rõ rệt và góp phần bảo đảm thành công cho mỗi cá nhân trong tương lai. Nguồn: INT

1. Phụ huynh nghĩ gì về giáo dục cảm xúc và xã hội

Mặc dù các trường dạy các kỹ năng liên quan đến giáo dục cảm xúc và xã hội (social and emotional learning - SEL) nhận được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng khi các nhà nghiên cứu tại Viện Fordham yêu cầu phụ huynh xếp thứ tự các chương trình học đường liên quan xa gần đến giáo dục cảm xúc và xã hội theo mức độ ủng hộ của họ thì bản thân chương trình giáo dục cảm xúc và xã hội không được ưa thích, chỉ xếp thứ hai từ dưới lên. Đáng nói là, khi được biến hóa thành cụm từ “giáo dục cảm xúc - xã hội và học đường” - ngay lập tức, chương trình đó trở thành á quân trong bảng xếp hạng.

Điều gì khiến phụ huynh học sinh suy nghĩ như vậy?

Các nhà nghiên cứu cho rằng, phụ huynh cảm thấy khó chịu hoặc lo lắng với những dấu hiệu mơ hồ trong loạt thuật ngữ liên quan đến “giáo dục cảm xúc và xã hội”. Họ coi các cụm từ như “kỹ năng mềm”, “tư duy cầu tiến” là “viển vông” và hoàn toàn thiếu vắng kiến thức học đường.

Nghiên cứu đề xuất, các bậc cha mẹ có thể cần những lời trấn an đơn giản nhất. Loại bỏ các từ ngữ chuyên biệt, tập trung vào các cụm từ hiệu quả hơn như “kỹ năng sống” và liên tục gắn “giáo dục cảm xúc và xã hội” với tiến bộ học tập sẽ khiến phụ huynh cảm thấy thoải mái, bảo đảm cho sự tiến triển của chương trình này.

Những giáo viên giàu kinh nghiệm kiên trì điều chỉnh hành vi không đúng mực của học sinh từ nhiều phía, chẳng hạn như làm sao khiến cho giờ học trở nên lôi cuốn hơn hay làm sao truyền đạt những mong muốn của mình một cách rõ ràng. Nguồn: INT

2. Bí mật của giáo viên giàu kinh nghiệm

Dưới bàn tay của những nhà giáo giàu kinh nghiệm, việc quản lý lớp học có vẻ nhẹ nhàng như không: Các kỹ thuật nhuần nhuyễn được thi triển một cách thầm lặng ở hậu trường, học sinh hình thành nề nếp kỷ luật và nhiệt tình tham gia vào các nhiệm vụ học tập đầy thách thức hệt như có ma thuật vậy.

Theo nghiên cứu [2], đó chẳng phải là kết quả của sự tình cờ. Trong khi không thể hoàn toàn loại bỏ các hành vi phá bĩnh trong môi trường học đường, các giáo viên lão luyện vẫn có thể dẫn dắt lớp học với các chiến lược xây dựng mối quan hệ chủ động, giúp ngăn chặn hành vi sai trái trước khi nó bùng phát. Họ cũng tiếp cận vấn đề kỷ luật một cách toàn diện hơn so với những đồng nghiệp ít kinh nghiệm, kiên trì điều chỉnh hành vi không đúng mực của học sinh từ nhiều phía, chẳng hạn như làm sao khiến cho giờ học trở nên lôi cuốn hơn hay làm sao truyền đạt những mong muốn của mình một cách rõ ràng.

Tập trung vào các động cơ ngầm ẩn bên dưới hành vi thay vì những biểu hiện khó chịu trên bề mặt - có nghĩa là vào những thời điểm quyết định, các giáo viên nội công thâm hậu thường nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Thay vì sa vào tiểu tiết bề ngoài, một sai lầm mà giáo viên mới vào nghề dễ mắc phải, họ đặt câu hỏi về nguyên nhân sâu xa của hành vi sai trái, khéo léo cân bằng giữa kỷ luật và quyền tự chủ của học sinh và chọn cách giải quyết hành vi đó một cách kín đáo khi có thể.

3. Sức mạnh đáng ngạc nhiên của việc kiểm tra trước khi học

Yêu cầu học sinh làm bài kiểm tra trước khi nội dung đó được dạy nghe có vẻ rất lãng phí thời gian. Suy cho cùng, bài kiểm tra đó cũng chỉ có thể làm dựa trên phỏng đoán của các em mà thôi.

Nhưng nghiên cứu mới [3] lại kết luận rằng, “kiểm tra trước” (pretesting) thực sự đem lại hiệu quả nhiều hơn so với các chiến lược học tập điển hình khác. Đáng ngạc nhiên, nó thậm chí còn vượt qua cả phương pháp kiểm tra sau khi học - vốn được công nhận bởi các nhà khoa học nhận thức và giáo dục. Trong nghiên cứu này, những học sinh học theo phương pháp kiểm tra trước có điểm tổng cao hơn 27% so với những học sinh học theo phương pháp kiểm tra sau trong bài kiểm tra kiến thức.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, “việc tạo ra lỗi” là chìa khóa thành công của phương pháp “kiểm tra trước”. Nó thúc đẩy sự tò mò và khiến học sinh phải “tìm kiếm câu trả lời chính xác” khi được tiếp cận nội dung học. Thêm vào đó, một nghiên cứu năm 2018 [4] cho thấy, việc đưa ra các phỏng đoán có thể giúp học sinh kết nối kiến thức nền tảng với kiến thức mới.

Kết quả học tập sẽ sâu bền hơn khi học sinh nỗ lực điều chỉnh những quan niệm sai lầm. Nghiên cứu một lần nữa nhắc chúng ta nhớ rằng, mắc sai lầm là một mốc quan trọng trong quá trình đi đến cái đúng.

4. Những ngộ nhận về học sinh nhập cư

Học sinh nhập cư đôi khi được mô tả như một gánh nặng chi tiêu đối với hệ thống giáo dục, nhưng nghiên cứu mới [5] đang phá tan định kiến đó.

Trong nghiên cứu tiến hành vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 1,3 triệu hồ sơ học tập và lý lịch của học sinh tại các cộng đồng ở Florida và kết luận rằng sự hiện diện của học sinh nhập cư trên thực tế tạo ra “tác động tích cực đến thành tích học tập của học sinh sinh ra ở Mỹ”, cụ thể là làm tăng điểm kiểm tra ở môn Toán và môn Đọc hiểu. Những lợi ích này đặc biệt rõ rệt đối với con em của những gia đình có thu nhập thấp.

Ban đầu, các trường học có thể phải dành một phần nguồn lực để hỗ trợ học sinh nhập cư hòa nhập, nghiên cứu cho biết, nhưng tính chăm chỉ và khả năng thích ứng cao đã giúp các em trở nên xuất sắc, và do đó, “tác động tích cực đến thái độ và hành vi của những học sinh sinh ra ở Mỹ”. Nhưng theo giáo viên Larry Ferlazzo, những tác động tích cực này có thể xuất phát từ thực tế khi trong lớp có học sinh nhập cư thì giáo viên sẽ phải cải thiện khả năng sư phạm, cân nhắc hơn các vấn đề như kiến thức trước khi vào bài, cấu trúc bài giảng, và làm sao để bài giảng trở nên dễ tiếp thu nhất.

5. Bức tranh toàn diện hơn về một “ngôi trường tốt”

Các nhà nghiên cứu khẳng định trong một nghiên cứu được công bố vào cuối năm 2020 [6] rằng, đã đến lúc xem lại định nghĩa của chúng ta về một “ngôi trường tốt” bởi những tiêu chí đánh giá thông thường như điểm kiểm tra cung cấp một bức tranh không hoàn chỉnh và dễ gây hiểu lầm.

Nghiên cứu đã xem xét hơn 150.000 học sinh lớp 9 theo học tại các trường công lập ở Chicago và kết luận, việc đề cao giáo dục cảm xúc và xã hội (ví dụ như chuẩn bị cho học sinh kỹ năng tạo lập mối liên kết với người khác, bồi đắp tình cảm gắn bó, khả năng thích ứng…) giúp cải thiện tỷ lệ tốt nghiệp trung học và trúng tuyển đại học đối với học sinh xuất thân cả từ gia đình có thu nhập cao và thấp, vượt xa các trường tập trung hàng đầu vào việc cải thiện điểm số.

Trưởng nhóm nghiên cứu C. Kirabo Jackson nói trong một cuộc phỏng vấn với Edutopia: “Các trường học quan tâm thúc đẩy giáo dục cảm xúc và xã hội thực sự có tác động tích cực đến trẻ em. Và những tác động này đặc biệt lớn đối với nhóm học sinh dễ bị tổn thương, vốn thường không có kết quả tốt trong hệ thống giáo dục.”

Các phát hiện này củng cố tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận toàn diện để đo lường sự tiến bộ của học sinh, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng: trường học - và giáo viên - có thể tác động đến học sinh theo những cách khó mà đo lường được.

(Còn nữa)

Nguồn:



[4]https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/09658211.2018.1464189?journalCode=pmem20