Nghiên cứu đầu tiên xem xét trực tiếp hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn sự lây truyền biến thể Delta cho thấy cả kết quả tích cực và tiêu cực.

Theo đó, những người đã tiêm vaccine COVID-19 và bị nhiễm Delta có khả năng truyền virus cho những người tiếp xúc gần thấp hơn so với những người chưa tiêm vaccine; nhưng hiệu quả bảo vệ đó tương đối nhỏ và giảm mạnh sau ba tháng kể từ sau mũi tiêm thứ hai.

Một nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 ở Hà Nội.

Các nghiên cứu trước đây phát hiện, bất kể đã tiêm vaccine hay chưa, những người nhiễm biến thể Delta có cùng mức độ vật liệu di truyền virus trong mũi - nghĩa là nguy cơ lây truyền Delta cho những người xung quanh họ như nhau. Nhưng sau đó, một nghiên cứu khác cho thấy những người đã tiêm phòng có mức độ virus trong mũi giảm nhanh hơn so với những người chưa tiêm phòng; và lượng virus có thể lây nhiễm trong mũi của người đã tiêm phòng cũng ít hơn.

Nghiên cứu mới đã xem xét ảnh hưởng của vaccine đối với sự lây truyền biến thể Delta một cách trực tiếp hơn: phân tích dữ liệu xét nghiệm từ 139.164 người tiếp xúc gần với 95.716 người bị nhiễm SARS-CoV-2 từ tháng 1 đến tháng 8/2021 ở Vương quốc Anh (thời điểm biến thể Alpha và Delta thống trị).

Kết quả, một người được tiêm phòng đủ hai mũi và sau đó nhiễm biến thể Delta có nguy cơ truyền virus gần gấp đôi so với người tiêm phòng đủ hai mũi và nhiễm biến thể Alpha. Đó là chưa tính đến nguy cơ bị nhiễm COVID "vượt vaccine" do biến thể Delta gây ra cao hơn so với biến thể Alpha.

Và tác dụng hạn chế lây truyền biến thể Delta, vốn đã thấp, sẽ tiếp tục giảm xuống mức gần như không đáng kể theo thời gian. Ở những người nhiễm biến thể Delta, sau khi tiêm hai mũi AstraZeneca, khả năng lây truyền cho người chưa tiêm vaccine tiếp xúc gần với họ là 57%, nhưng 3 tháng sau khả năng đó tăng lên 67% (không khác biệt với khả năng lây truyền của một người chưa tiêm vaccine).

Khả năng lây truyền biến thể Delta ở những người tiêm hai mũi Pfizer hoặc BioNTech cũng tương tự. Khả năng lây truyền biến thể Delta ngay sau khi tiêm hai vaccine này là 42%, nhưng tăng lên 58% theo thời gian.

Đồng tác giả nghiên cứu David Eyre, nhà dịch tễ học tại Đại học Oxford, nói, "Các kết quả này có thể giải thích tại sao biến thể Delta lây truyền quá nhanh mặc dù đã tiêm chủng rộng rãi." Và do đó, kết quả cũng cho thấy việc tiêm mũi thứ ba tăng cường có thể có tác dụng làm giảm sự lây truyền.

Nhưng Stephen Riley, nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, cho rằng, các phát hiện này đặt ra một câu hỏi mới: liệu tác dụng chống lây truyền có suy yếu sau một thời gian tiêm mũi thứ ba hay không.

Nguồn: