Hình ảnh bà Marguerite Vogt xuất hiện tại Viện Salk trong những năm cuối đời. Nguồn ảnh: Martin Haas
Marguerite Vogt sinh năm 1913 tại Đức và được tiếp xúc với khoa học trong suốt quá trình trưởng thành. Là con gái của hai nhà khoa học tiên phong nghiên cứu não bộ, Oskar và Cécile Vogt, Marguerite và chị gái Marthe là những nhà khoa học tiềm năng ngay từ khi còn trẻ. Bài báo đầu tiên của Marguerite Vogt, xuất bản năm 1927 trình bày về sự di truyền trong vòng đời phát triển của ruồi giấm.
Một năm sau khi nhận bằng Thạc sĩ tại Đại học Friedrich Wilhelm vào năm 1936, Vogt và gia đình bị Đức Quốc xã trục xuất khỏi Berlin. Cha mẹ bà mất chức tại Viện Nghiên cứu Não bộ Kaiser Wilhelm (nay là Viện Max Planck), và Oskar bị buộc tội ủng hộ những người cộng sản, nhưng gia đình may mắn không bị bắt giữ hoặc sát hại nhờ gia đình bệnh nhân cũ của cha bà – gia đình Krupp. Với sự tài trợ của Krupps, Oskar và Cécile đã thành lập một viện nghiên cứu não bộ tư nhân ở một vùng hẻo lánh của Rừng Đen nước Đức. Ở đó, họ tiếp tục nghiên cứu và cung cấp nơi ở và việc làm cho những người khác đang chạy trốn sự đàn áp của Đức Quốc xã.
Từ viện nghiên cứu của cha mẹ tại Rừng Đen, Vogt đã xuất bản 39 bài báo chuyên ngành về cách các hormone và di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của ruồi giấm, công trình sau này được đánh giá là đi trước thời đại. Năm 1950, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học người Mỹ gốc Đức Hermann Muller và Max Delbrück, Vogt di cư từ Đức sang Hoa Kỳ.
Sau một thời gian ngắn làm việc với Delbrück về di truyền vi khuẩn, Vogt đến làm việc cho Dulbecco về thử nghiệm virus bại liệt vào năm 1952. Sau thành công đó, cả hai đã nghiên cứu vai trò của virus trong bệnh ung thư. Một lần nữa, Vogt đã phát triển kỹ thuật nuôi cấy virus - lần này là virus chứa DNA nhỏ có tên là polyomavirus - và bộ đôi nghiên cứu đã có thể đếm được bao nhiêu tế bào đã bị virus này biến đổi thành tế bào ung thư. Trong các bài báo tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng một số loại virus đưa vật liệu di truyền của chúng vào DNA của tế bào chủ, gây ra sự phát triển không kiểm soát của tế bào. Khám phá này đã thay đổi cách nghĩ các nhà khoa học và bác sĩ về bệnh ung thư, cho thấy ung thư là do sự thay đổi gen trong tế bào.
Năm 1963, Vogt theo Dulbecco đến Viện Salk ở La Jolla, California. Tại đây, bà đã dành nhiều thập kỷ để nghiên cứu các loại virus có thể gây ra khối u, cũng như các lĩnh vực khác khiến bà quan tâm, chẳng hạn như đồng hồ sinh học của tế bào (cellular clock).
Trong nhiều năm liên tiếp kể từ những ngày đầu nghiên cứu về virus bại liệt, Vogt làm việc không ngừng nghỉ, sáu ngày 1 tuần, 10 giờ mỗi ngày.
Bà cũng chưa bao giờ kết hôn hoặc có con. “Khoa học là "nguồn sống" của tôi” (Science is my milk), Vogt nói với New York Times vào năm 2001.
Nhưng Vogt không hề cô đơn: Bà là bạn và là người cố vấn cho nhiều nhà khoa học trẻ trong phòng thí nghiệm, bốn người trong số họ đã giành được giải Nobel. Với tư cách là một nghệ sĩ piano và cello tài năng, Vogt đã tổ chức một nhóm nhạc thính phòng gặp gỡ tại nhà riêng của bà vào mỗi sáng Chủ nhật trong hơn 40 năm, Haas nói.
Năm 1975, Dulbecco được trao giải Nobel về sinh lý học/y học cho công trình nghiên cứu cách virus khối u biến đổi tế bào, giải thưởng được chia sẻ với Baltimore và nhà virus học Howard Temin. Vogt không được công nhận, và Dulbecco cũng không nhắc đến bà trong bài phát biểu Nobel của mình.
Trong suốt cuộc đời của mình, Vogt không nhận được một giải thưởng lớn hay sự công nhận nào. Mặc dù có bằng cấp cao và hồ sơ đầy các bài báo khoa học uy tín, Vogt không trở thành giáo sư hay có được phòng thí nghiệm riêng tại Salk cho đến khi Dulbecco rời viện vào năm 1972. Lúc đó bà 59 tuổi và vô cùng thất vọng. Haas, người đã chăm sóc Vogt sau này và coi bà như mẹ cho biết: “Bà điều hành phòng thí nghiệm của ông ấy (Dulbecco) trong khi anh ấy chạy vòng quanh thế giới để thuyết giảng”.
Ở tuổi 80, Vogt vẫn thường xuyên chạy bộ tới phòng thí nghiệm vào sáng sớm. Marguerite Vogt đã xuất bản bài báo cuối cùng của mình ở tuổi 85, nói về cách các tế bào của con người chậm lại và mất khả năng tái tạo theo thời gian. |