Từ cuối năm nay, các nhà nghiên cứu ở Anh muốn tiến hành thử nghiệm thực địa đối với các loài thực vật đã được chỉnh sửa gen sẽ không cần phải nộp đánh giá rủi ro.

Quyết định - do Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra) ban hành ngày 29/9 -sẽ giúp mỗi nghiên cứu chỉnh sửa gen tiết kiệm hàng nghìn bảng Anh và nhiều ngày làm việc cần thiết để đáp ứng các yêu cầu trước đây về thủ tục, nếu muốn thực hiện dù là một thử nghiệm thực địa nhỏ, Wendy Harwood, nhà sinh vật học thực vật tại Trung tâm John Innes, Norwich, cho biết. “Giờ đây, chúng tôi có thể nhanh chóng thử nghiệm các cây trồng đã được chỉnh sửa gen trên thực địa và đánh giá xem cây nào có triển vọng trong điều kiện môi trường thực tế,” Harwood nói. "Điều này là cần thiết, vì điều kiện nhà kính không bao giờ có thể bao gồm đầy đủ các điều kiện môi trường."

Theo các quy định mới ở Anh, các nhà nghiên cứu muốn tiến hành các thử nghiệm thực địa đối với cây trồng đã được chỉnh sửa gen sẽ không cần phải nộp các bản đánh giá rủi ro nữa.

Vương quốc Anh trước đây đã tuân theo chính sách của Liên minh châu Âu, quản lý các sản phẩm nông nghiệp chỉnh sửa gen tương tự như các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra bằng các kỹ thuật di truyền cũ hơn, kém chính xác hơn. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu lập luận rằng nên nới lỏng các quy định với sản phẩm nông nghiệp chỉnh sửa gen, vì kỹ thuật này tạo ra những thay đổi di truyền nhỏ, có thể xảy ra trong tự nhiên, không giống như các kỹ thuật biến đổi gen cũ, chèn gen hoặc chuỗi DNA từ các loài khác vào bộ gen động thực vật. Những kỹ thuật biến đổi gen cũ hơn không kiểm soát được vị trí nào trong bộ gen sẽ bị thay thế. Ngược lại, chỉnh sửa gen cho phép các nhà nghiên cứu thực hiện những thay đổi một cách chính xác.

Sau khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, Defra đã thông báo vào tháng 3 rằng họ đang xem xét nới lỏng quy định với sản phẩm nông nghiệp chỉnh sửa gen và tiến hành một cuộc tham vấn cộng đồng.

Quyết định ngày 29/9 chỉ đề cập thử nghiệm thực địa, không đề cập đến con đường tiếp cận thị trường của cây trồng chỉnh sửa gen, một khó khăn lớn khác của ngành này. Defra cho biết họ đang có kế hoạch thay đổi định nghĩa về sinh vật biến đổi gen trong luật, loại trừ cây trồng chỉnh sửa gen, và do đó sẽ giảm bớt các quy trình thủ tục liên quan đến thương mại hóa, nhưng chưa xác định thời hạn cụ thể cho thay đổi này.

Và quy định mới chỉ đề cập thực vật chỉnh sửa gen, các nghiên cứu liên quan đến động vật chỉnh sửa gen của Vương quốc Anh vẫn phải tuân theo các thủ tục như cũ, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn phúc lợi động vật.

Các quốc gia chưa xây dựng chính sách liên quan đến chỉnh sửa gen sẽ theo dõi sát các thay đổi chính sách của Vương quốc Anh. “Rất nhiều quốc gia xem xét những gì Anh và Mỹ làm trong việc điều tiết các công nghệ sinh học tổng hợp, và cuối cùng định hình các chính sách pháp lý của họ sao cho phù hợp hoặc tương đồng với những gì Anh và Mỹ đang làm," Jon Oatley, nhà sinh vật học sinh sản tại Đại học Bang Washington, cho biết.

Một số quốc gia, bao gồm Argentina, Australia, Nhật Bản và Brazil, đã xác định các chính sách pháp lý liên quan đến cây trồng và vật nuôi chỉnh sửa gen, cho phép nghiên cứu và bán ra thị trường các sản phẩm chỉnh sửa gen một cách nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, nhìn chung công nghệ chỉnh sửa gen còn non trẻ và rất ít loại cây trồng chỉnh sửa gen đã đưa ra thị trường. Sản phẩm thực phẩm chỉnh sửa gen đầu tiên được thương mại hóa là loại đậu nành tạo ra nhiều axit oleic hơn, giúp tạo ra dầu đậu nành có thời hạn sử dụng lâu hơn, được công ty Calyxt of Roseville, Minnesota, Mỹ, tung ra thị trường vào năm 2019. Đầu năm nay, một loại cà chua được chỉnh sửa gen để tạo ra lượng axit γ-aminobutyric (GABA) cao hơn, được cho là có lợi ích sức khỏe, đã được tung ra thị trường ở Nhật Bản.

Chỉnh sửa gen có thể cắt giảm chi phí phát triển cây trồng 100 lần so với phát triển cây trồng bằng kỹ thuật biến đổi gen cũ, vì nó chính xác hơn, nhanh hơn và giảm các chi phí liên quan đến quy trình quản lý, Lucas Lieber, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Bioheuris, cho biết. Bioheuris là một công ty công nghệ sinh học thực vật có trụ sở tại Rosario, Argentina, ra đời cách đây 5 năm với mục tiêu phát triển đậu nành và lúa kháng thuốc diệt cỏ bằng cách sử dụng chỉnh sửa gen.Theo Lieber, các chính sách pháp lý rõ ràng về sản phẩm chỉnh sửa gen của Argentina đã giúp các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn khi đầu tư vào ngành này.

Bioheuris trước đây đã xem xét việc chỉnh sửa gen lúa mì và lúa mạch, những loại cây trồng quan trọng ở châu Âu, nhưng cuối cùng không triển khai. “Châu Âu không thân thiện lắm với việc chỉnh sửa gen, vì vậy chúng tôi quyết định tập trung vào các loại cây trồng khác," Lieber cho biết. Tuy nhiên lộ trình phê duyệt và con đường ra thị trường nhanh hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gen ở Vương quốc Anh có thể khiến nhóm của Lieber suy nghĩ lại về quyết định này.

Liên minh châu Âu EU cũng đang xem lại cách tiếp cận của mình về chỉnh sửa gen. Một báo cáo vào tháng 4 của Ủy ban châu Âu cho thấy với kỹ thuật mới, nông nghiệp có thể trở nên bền vững hơn và có những "dấu hiệu mạnh mẽ" chỉ ra luật của EU trong lĩnh vực này hiện không còn phù hợp. Dirk Inzé, nhà sinh học phân tử tại Viện Công nghệ Sinh học Flanders, Bỉ, rất vui mừng về kết quả của báo cáo. Nhưng ông dự đoán, bất kỳ cải cách nào ở châu Âu cũng sẽ vấp phải vấn đề với Nghị viện châu Âu, nơi xu hướng chống chỉnh sửa gen vẫn còn mạnh mẽ.

Nguồn: