Ứng dụng truy dấu Covid-19 đang là chìa khóa giúp kiểm soát dịch bệnh ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên trong bài xã luận mới đây, BBT tạp chí Nature lo ngại về những rủi ro "an toàn thông tin" có thể xảy tới và khuyến nghị rằng, chính phủ các nước phải hợp tác để thống nhất một tiêu chuẩn quốc tế về tính an toàn và hiệu quả của những ứng dụng này.

Khi những chiếc điện thoại đã được cài ứng dụng truy dấu ở gần nhau, chúng sẽ trao đổi thông tin – trong một số trường hợp chúng sẽ ghi lại danh sách những người mà người dùng đã tiếp xúc gần. Ảnh:How Hwee Young/EPA-EFE/Shutterstock

Trong số những chiến lược nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, nhiều quốc gia đang áp dụng triển khai các ứng dụng điện thoại thông minh. Khi những chiếc điện thoại đã được cài ứng dụng truy dấu ở gần nhau, chúng sẽ trao đổi thông tin – trong một số trường hợp chúng sẽ ghi lại danh sách những người mà người dùng đã tiếp xúc gần. Người dùng sẽ được cảnh báo nếu họ ở gần người mắc bệnh. Những ứng dụng này có thể hỗ trợ cho các chiến lược kiểm soát dịch Covid-19 của một quốc gia – bao gồm xét nghiệm, tiền sử dịch tễ, cách ly và giãn cách xã hội, nhưng cũng không thể xem chúng như một công cụ thay thế cho các chiến lược kiểm soát kể trên hay những đội chuyên phụ trách theo dõi lịch sử di chuyển của người bệnh.

Giống như bất kỳ một phương tiện y tế nào, các ứng dụng truy dấu coronavirus phải đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất về độ an toàn và tính hiệu quả. Tuy nhiên, bất chấp việc bệnh dịch này là một vấn đề toàn cầu, các quốc gia vẫn đang phát triển ứng dụng một cách độc lập mà không đề ra bất cứ một tiêu chuẩn chung nào – và điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về tính an toàn và hiệu quả.

Một số quốc gia đã bắt đầu sử dụng điện thoại để thu dữ liệu, bao gồm tên, địa chỉ, giới tính, tuổi tác, vị trí sơ bộ, triệu chứng bệnh và kết quả xét nghiệm Covid-19. Chẳng hạn, ở Úc, thông qua thông tin mà người dùng cung cấp trên ứng dụng COVIDSafe– vừa ra mắt vào cuối tuần trước, nhân viên y tế sẽ liên hệ nếu nhận thấy người đó có mối liên hệ với ca dương tính Covid-19. Trong khi đó, Đức vẫn đang phát triển ứng dụng truy dấu của mình, họ cũng sẽ sử dụng các kết quả xét nghiệm thực tế. Tuy nhiên, khác với Úc – đang lưu trữ dữ liệu tập trung (dữ liệu do ứng dụng thu thập sẽ được tải lên một máy chủ trung tâm), chính phủ Đức quyết định sẽ lưu trữ dữ liệu trên các điện thoại cá nhân để tránh những rủi ro về đánh cắp dữ liệu. Chính phủ Ai Cập sẽ ra mắt ứng dụng vào đầu tháng 5, ứng dụng này sử dụng tính năng định vị trên điện thoại để thông báo cho người dùng nếu họ ở gần bất kỳ ai mắc Covid-19.

Chính phủ Anh sẽ sớm ra mắt ứng dụng truy dấu của mình, người dùng sẽ phải mô tả các triệu chứng mà họ đang mắc phải – bất kể là triệu chứng đó có liên quan đến Covid-19 hay không. Dữ liệu này sau đó sẽ được lưu trữ tập trung. Trong trường hợp người dùng dương tính với Covid-19, các quan chức y tế được quyền cảnh báo đến những ai đã từng tiếp xúc gần với ca này.

Thông thường, chính phủ sẽ làm việc với các công ty công nghệ và nhà nghiên cứu để phát triển ứng dụng, người dân sử dụng các ứng dụng truy dấu trên tinh thần tự nguyện. Thế nhưng, mặc cho những e ngại của người dân về việc cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho ứng dụng, chính phủ chỉ tiến hành rất ít tham vấn cộng đồng xoay quanh vấn đề này.

Ngoài ra, có rất ít bằng chứng cho thấy mức độ hiệu quả của các ứng dụng này trong việc xác định những người mắc bệnh nhưng chưa được xét nghiệm, cũng như – trong trường hợp ứng dụng được sử dụng rộng rãi – ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chính phủ dường như chỉ mải nói về lợi ích nó mang lại mà quên đi những rủi ro có thể xảy đến.

Bài toán cần lời giải

Một yếu tố quan trọng được đặt ra ở đây đó là độ chính xác. Khi liên kết những ứng dụng này với các kết quả xét nghiệm chính thức, khả năng cao nó cũng sẽ cho ra kết quả chính xác. Trong trường hợp ứng dụng đưa ra cảnh báo dựa trên kết quả tự xét nghiệm mà hóa ra là không đúng – có thể là dương tính giả – thì dĩ nhiên, có thể đính chính lại. Nhưng nếu kết quả sai đã được gửi đến hàng loạt những người tiếp xúc gần, chắc chắn sẽ xảy ra hỗn loạn, và có thể khiến nhiều người bị cách ly không cần thiết trong vài tuần.

Ngoài ra, cần phải chú ý đến vấn đề bảo mật. Bởi vì rất dễ để xác định một cá nhân dựa trên các bộ dữ liệu ẩn danh. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoàn toàn có thể nhận dạng một cá nhân ngay cả khi bộ dữ liệu ẩn danh chưa hoàn thiện.

Các nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại về việc một số quốc gia đang lưu trữ dữ liệu tập trung. Đầu tháng này, gần 300 nhà nghiên cứu đã ký vào một bức thư công khai, đề cập đến việc chính phủ các nước nên lưu trữ dữ liệu ở nhiều nơi khác nhau – chẳng hạn như điện thoại cá nhân – để đảm bảo độ an toàn, thay vì lưu trữ tập trung ở một nơi.

Các ứng dụng điện thoại thông minh nhằm truy dấu Covid-19 cũng là một biện pháp can thiệp y tế và có khả năng ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Nhưng chúng đang được triển khai mà không hề có một nghiên cứu thí điểm hoặc đánh giá rủi ro nào được tiến hành trước đó.

Ngoài ra, hầu hết các ứng dụng truy dấu đều chia sẻ thông tin qua Bluetooth – công nghệ cho phép các thiết bị trao đổi thông tin ở cự ly gần. Điều này khá thuận tiện, bởi hầu hết điện thoại thông minh hiện nay đều cài đặt Bluetooth. Thế nhưng, trước đây đã có nhiều báo cáo và nghiên cứu được công bố liên quan đến vấn đề vi phạm an ninh của công nghệ này. Người dùng điện thoại thông minh thường được khuyến cáo nên tắt Bluetooth khi không cần thiết, nhất là khi đang ở gần người dùng điện thoại khác. Nhưng ứng dụng truy dấu Covid-19 cần người dùng bật Bluetooth để hoạt động – đặc biệt là khi người dùng đang ở nơi công cộng.

Thực tế là chỉ một phần nhỏ trong số người dân sẽ cài đặt ứng dụng này, và những nỗ lực của chính phủ sẽ để sót bất cứ ai, bất kể lý do gì, không có điện thoại thông minh.Ảnh: fortmcmurraytoday

Ở một khía cạnh nào đó, những gì đã diễn ra tại Hàn Quốc và Singapore – nơi các phương pháp giám sát điện tử là yếu tố giúp kiểm soát dịch bệnh – chính là nguồn cảm hứng để chính phủ các nước phát triển ứng dụng truy dấu Covid-19. Đặc biệt, Hàn Quốc được xem hình mẫu lý tưởng, bởi đất nước này đã ban hành biện pháp phong tỏa gắt gao. Chỉ sau 3 tháng kể từ khi dịch bệnh lan sang nước này, mỗi ngày Hàn Quốc ghi nhận thêm rất ít ca dương tính và duy trì số người tử vong do đại dịch ở mức 244 người. Nhưng nhìn toàn cảnh, phản ứng của Hàn Quốc trước Covid-19 là nhờ vào chiến lược xét nghiệm diện rộng, dựa trên một mạng lưới truy dấu trên toàn quốc, bao gồm việc yêu cầu người mắc cung cấp thông tin cần thiết và liên hệ những ai từng tiếp xúc với họ. Chiến lược này sử dụng cảnh báo trên điện thoại, nhưng không phải là dựa trên Bluetooth như các nước khác đang triển khai. Ngoài ra, chiến lược này triển khai hiệu quả nhờ vào sự giám sát của chính quyền - ở một mức độ mà người dân ở nhiều quốc gia khác sẽ khó chấp nhận. Cụ thể, khi một người được xét nghiệm dương tính với Covid-19, người dân sống gần đó sẽ nhận được một cảnh bảo bằng văn bản. Tin nhắn này thường bao gồm một đường link mô tả chi tiết lịch sử di chuyển của ca mắc – đôi khi là cho đến tận phút cuối trước khi nhập viện. Lịch sử di chuyển này được xây dựng từ dữ liệu công cộng, chẳng hạn như camera giám sát. Nhưng chính phủ Hàn Quốc còn có thể truy cập vào hồ sơ riêng tư, chẳng hạn như giao dịch thẻ tín dụng. Dữ liệu này sau đó được các cơ quan chính phủ lưu trữ tập trung. Ngoài ra, người dân cũng đóng góp rất nhiều trong việc cung cấp thông tin của ca mắc.

Ứng dụng TraceTogether của Singapore cũng nhận được nhiều sự chú ý, với hơn một triệu người dùng hiện tại. Mặc dù số lượng người dùng này chiếm gần 1/5 dân số Singapore, nhưng điều đó nghĩa là trong một cuộc trò chuyện bất kỳ giữa hai người, chỉ có 4% khả năng cả hai đều cùng sử dụng ứng dụng này. Điều này chỉ ra một lỗ hổng quan trọng trong việc triển khai ứng dụng truy dấu ở bất cứ đâu: thực tế là chỉ một phần nhỏ trong số người dân sẽ cài đặt ứng dụng này. Và những nỗ lực này sẽ để sót bất cứ ai, bất kể lý do gì, không có điện thoại thông minh. Các nhà phát triển TraceTogether đã cảnh báo trong Sách trắng rằng ứng dụng này nhằm hỗ trợ chúng ta truy dấu ca mắc – chứ không thể thay thế những người phụ trách công việc truy dấu.

Các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ để đảm bảo rằng thuốc, vắc-xin và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả đã được thống nhất – thường là những tiêu chuẩn mang tính toàn cầu. Các ứng dụng điện thoại thông minh nhằm truy dấu Covid-19 cũng là một biện pháp can thiệp y tế và có khả năng ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Nhưng chúng đang được triển khai mà không hề có một nghiên cứu thí điểm hoặc đánh giá rủi ro nào được tiến hành trước đó.

Điều này không có nghĩa là không nên triển khai các ứng dụng truy dấu, nhưng không thể dùng nó như một phương tiện thay thế cho các đội phụ trách truy dấu; cũng không nên coi nó là công cụ thay thế cho việc xét nghiệm Covid-19.

Tốc độ, tất nhiên, là quan trọng – nhưng sự cẩn trọng và việc tuân theo quy trình cũng vậy. Nói cách khác, cần phải đối thoại công khai; cũng như cần thêm nhiều nhà nghiên cứu tham gia vào quá trình phát triển ứng dụng, bao gồm cả những người chiên nghiên cứu về đạo đức học, luật pháp và sự tham gia của công chúng; và một cam kết chắc chắn từ các chính phủ rằng sẽ bảo mật những thông tin đã thu thập và sẽ chỉ sử dụng chúng trong trường hợp cần thiết.

Nguồn: