Các nhà khoa học tại Viện Jenner, Đại học Oxford, chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng trên 6.000 người. Trước đó, các thử nghiệm trên khỉ bước đầu cho thấy vắc-xin của họ có hiệu quả.

Trong cuộc đua vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới, phòng thí nghiệm tại Đại học Oxford có vẻ như đang dẫn đầu.

Hầu hết các nhóm nghiên cứu vắc-xin phải bắt đầu với các thử nghiệm lâm sàng nhỏ có vài trăm người tham gia để trước tiên chứng minh được độ an toàn của vắc-xin, rồi sau đó mới thử nghiệm để chứng minh độ hiệu quả. Nhưng các nhà khoa học tại Viện Jenner có bước khởi đầu thuận lợi hơn với vắc-xin Covid-19 của mình: họ đã chứng minh trong các thử nghiệm từ trước rằng các chế phẩm tương tự, bao gồm một vắc-xin chống lại một virus corona khác, là vô hại đối với con người.

Nhờ thế nhóm tại Viện Jenner vượt trước các nhóm khác và đã lên lịch thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên hơn 6.000 người vào cuối tháng tới.

Đường phố vắng vẻ tại Oxford, các nhà nghiên cứu phải tranh thủ thử nghiệm vắc-xin vì nếu các biện pháp giãn cách có hiệu quả nhanh sẽ rất khó để chứng minh được hiệu quả của vắc-xin Covid-19.

Đồng thời chứng minh độ an toàn và tính hiệu quả

Thông thường, vắc-xin cổ điển sử dụng một phiên bản yếu hơn của virus để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể người. Nhưng trong công nghệ mà Viện Jenner đang sử dụng, thay vì dùng chính SARS-CoV-2 gây Covid-19, họ sử dụng một loại virus khác đã bị vô hiệu hóa và qua chỉnh sửa để làm cho nó bắt chước virus gây ra Covid-19. Khi được tiêm vào cơ thể, virus "mạo danh" có thể chuẩn bị cho hệ thống miễn dịch chiến đấu và tiêu diệt virus mục tiêu SARS-CoV-2, tạo ra miễn dịch.

Có một nguyên tắc đạo đức chung là cấm chủ động lây nhiễm một bệnh nghiêm trọng cho những người tham gia thử nghiệm. Có nghĩa là cách duy nhất để chứng minh rằng vắc-xin có hiệu quả là tiêm cho những người đang sống ở các khu vực có virus lây lan tự nhiên xung quanh họ. "Chúng tôi là những người duy nhất trong cả nước muốn tiếp tục có các ca nhiễm mới trong vài tuần nữa, để có thể thử nghiệm vắc-xin," GS Adrian Hill, giám đốc của Viện Jenner và một trong năm người liên quan đến nghiên cứu vắc-xin tại Oxford, cho biết.

Nếu các biện pháp giãn cách xã hội hoặc các yếu tố khác tiếp tục làm giảm số ca nhiễm mới ở Anh, GS Hill nói, có thể thử nghiệm sẽ không chứng minh được rằng vắc-xin tạo ra sự khác biệt: nhóm được cho giả dược có khả năng không bị nhiễm virus với tỷ lệ cao hơn so với nhóm đã được tiêm vắc-xin. Nếu thế, các nhà khoa học sẽ phải thử nghiệm vắc-xin lại ở nơi khác.

Tuần trước, Viện Jenner đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I với 1.100 người. Quang trọng hơn, tháng tới họ sẽ bắt đầu thử nghiệm kết hợp Giai đoạn II và Giai đoạn III trên 5.000 người khác. Không giống như bất kỳ dự án vắc-xin nào hiện đang được tiến hành, các thử nghiệm sắp tới được thiết kế để chứng minh cả độ an toàn và tính hiệu quả.

Các nhà khoa học sẽ tuyên bố vắc-xin hiệu quả nếu có khoảng 12 người tham gia được cho dùng giả dược nhiễm Covid-19 so với chỉ 1 hoặc 2 ca nhiễm trong số những người được tiêm vắc-xin.

Nhóm nghiên cứu cho biết, nếu được các nhà quản lý chấp thuận khẩn cấp, họ có thể sản xuất xong vài triệu liều vắc-xin đầu tiên vào tháng 9 - sớm hơn ít nhất vài tháng so với bất kỳ nỗ lực sản xuất vắc-xin Covid-19 nào được công bố trước đây.

GS Adrian Hill, giám đốcViện Jenner, Oxford. Nhóm của ông đang làm việc để sản xuất vắc-xin Covid-19.

Hiệu quả bước đầu

Các thử nghiệm trên động vật đã cho thấy vắc-xin của Viện Jenner có hiệu quả.

Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ ở Montana hồi tháng trước đã tiêm vắc-xin của Đại học Oxford cho sáu con khỉ rhesus macaque (động vật có vú trong họ Cercopithecidae, bộ Linh trưởng). Số khỉ này sau đó được cho tiếp xúc với một lượng lớn virus corona gây Covid-19. Việc phơi nhiễm đã làm cho những con khỉ không tiêm vắc-xin liên tục bị nhiễm bệnh trong phòng thí nghiệm, nhưng hơn 28 ngày sau, cả sáu con khỉ tiêm vắc-xin đều khỏe mạnh, Vincent Munster, nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm cho biết.

"Rhesus macaque gần như là loài gần gũi nhất với con người," Munster nói, nhưng ông lưu ý rằng các nhà khoa học vẫn đang phân tích kết quả. Dự kiến kết quả thử nghiệm sẽ được chia sẻ với các nhà khoa học khác vào tuần tới và sau đó gửi cho một tạp chí có bình duyệt.

Miễn dịch ở khỉ cũng không đảm bảo rằng vắc-xin sẽ cung cấp mức độ bảo vệ tương tự cho con người. Gần đây, công ty SinoVac của Trung Quốc đã bắt đầu một thử nghiệm lâm sàng với 144 người tham gia và cho biết vắc-xin của họ có hiệu quả trên khỉ rhesus macaques.

Nhưng kế hoạch của Oxford "là một chương trình lâm sàng rất, rất nhanh," ông Emilio Emini, Giám đốc Chương trình vắc-xin tại Quỹ Bill và Melinda Gates, nơi đang hỗ trợ tài chính cho nhiều nỗ lực sản xuất vắc-xin Covid-19 khác. Phải chờ có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng thì mới biết được loại vắc-xin tiềm năng nào chiến thắng trong cuộc đua. Nhưng dù có thế nào, cũng sẽ cần nhiều hơn một loại vắc-xin, Emini lập luận. Một số vắc-xin có thể hiệu quả hơn trên các nhóm như trẻ em hoặc người già, hoặc có chi phí và liều lượng khác nhau. Có nhiều loại vắc-xin sẽ giúp tránh tắc nghẽn trong sản xuất, ông nói.

Nguồn:

https://www.nytimes.com/2020/04/27/world/europe/coronavirus-vaccine-update-oxford.html?fbclid=IwAR1ySBlszvGmqwBRrRYD8W4isYiV_dtPDlY7N5Ho_XBYPVhTRq1QbGYqIms