Từ những bài thuốc bản địa và gia truyền của gia đình, Đinh Phương Anh và Đỗ Duy Khánh đã chung tay xây dựng nên thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên Skinlosophy. Sự kết hợp của Tây y hiện đại với những công nghệ hiện đại giúp tối ưu hóa quyền năng của thảo dược Việt sau khi được ủ, lên men, cô đặc...

Đỗ Duy Khánh và Đinh Phương Anh - 2 founder của startup Skinlosophy.
Đỗ Duy Khánh và Đinh Phương Anh - 2 founder của startup Skinlosophy.

Những công thức độc quyền từ phòng điều chế gia đình

Đỗ Duy Khánh và Đinh Phương Anh gặp nhau ngẫu nhiên trong lớp học ngoại ngữ từ năm 2011. Khi ấy, Khánh đang là chuyên viên đào tạo của một công ty mỹ phẩm còn Phương Anh là sinh viên ĐH Dược Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh về mỹ phẩm, Duy Khánh luôn đam mê lĩnh vực này và vô cùng yêu thích việc làm đẹp cho người khác. Trong khi đó, Phương Anh được lựa chọn là truyền nhân của những bài thuốc Đông y gia truyền, với nhiều công thức làm đẹp da.

“Việc chứng kiến nhu cầu rất lớn của các khách hàng có thu nhập cao ở Hà Nội trong việc sử dụng các sản phẩm làm đẹp thuần thiên nhiên khiến tôi luôn trăn trở về ý tưởng kết hợp giữa sự chuyên nghiệp của ngành mỹ phẩm phương Tây với sự lâu đời và bí ẩn của những bài thuốc cổ truyền phương Đông. Giây phút tôi nhìn thấy Phương Anh đưa cho bạn học cùng lớp ngoại ngữ những sản phẩm của gia đình cô ấy, tôi đã cảm thấy rất may mắn vì cô ấy chính là người có thể tạo ra những sản phẩm tôi mong muốn. Tuyệt vời hơn là Phương Anh còn theo học Đại học Dược với ước mơ được hiện đại hóa những sản phẩm tinh túy của gia đình” - Duy Khánh cho biết.

Từ đây, ngay tại phòng điều chế của gia đình Phương Anh với những công cụ gia truyền thô sơ, 100 sản phẩm đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng của Khánh và Phương Anh đã ra đời. Sau 2 tháng, cả hai nhận thấy tiềm năng phát triển và cả những khát khao được làm đẹp từ những sản phẩm thuần tự nhiên và lành tính của khách hàng. Vì vậy, họ mạnh dạn thử nghiệm công thức mới và cho ra mắt những sản phẩm đúng với tinh thần Đông y cổ truyền kết hợp Tây y hiện đại để tối ưu hóa quyền năng của thảo dược, khắc phục những hạn chế của mỹ phẩm thiên nhiên thô sơ.

Hình ảnh các sản phẩm của Skinlosophy.
Hình ảnh các sản phẩm của Skinlosophy.

Kể từ đây, một trong những hành trình dài và quan trọng của Khánh và Phương Anh là khám phá và phát triển nguồn dược liệu đặc trưng của từng vùng bản địa.

Năm 2015, khi mức tiêu thụ ngày càng tăng cao, hai founder của dòng mỹ phẩm này nhận thấy, cần phải có một cơ sở sản xuất chuyên nghiệp, đáp ứng mọi yêu cầu của Bộ Y tế về quy trình sản xuất và chất lượng. Cả hai không ngần ngại đem hết số tiền tích cóp được và vay thêm từ gia đình bạn bè, thậm chí là vay từ chính nhân viên để thành lập công ty và xưởng sản xuất.

Từ quy mô 2 người, giờ đây, Skinlosophy có khoảng 20 người bao gồm cả nhân viên part-time, từ 2 người chỉ bán hàng online, giờ đây họ có 1 cơ sở chính tại Hà Nội và 4 đại lý trên cả nước.

Sản phẩm skincare “made in Vietnam” đi tới nước Mỹ, Pháp

Ngoài tên định danh về công dụng, Skinlosophy còn đặt những cái tên rất Việt Nam cho sản phẩm của mình như Trong trẻo, Đáng yêu, Mướt, Tinh khôi. Phần lớn các sản phẩm được thiết kế riêng cho những làn da ở khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, chúng đều nhẹ, ráo, không dày nặng.

Quy trình sản xuất của Skinlosophy.
Quy trình sản xuất của Skinlosophy.

Mô tả về sữa rửa mặt và kem dưỡng của Skinlosophy, Nguyễn Bảo Ngọc - một khách hàng trung thành cho biết: “Da mặt mình bị kích ứng với serum của Hàn Quốc, nổi mụn trắng và đỏ ửng, mình không dám dùng loại nào vì sợ mặt tệ hơn, nhưng không dùng kem dưỡng thì mặt căng rát khó chịu. Khi được giới thiệu, mình đã dùng sữa rửa mặt tràm trà và kem dưỡng Hydra-lock gel của Skinlosophy vì đọc thành phần có chiết xuất lô hội giúp làm dịu da. Đến ngày thứ ba, da mình đã ổn hơn rất nhiều, không bị sưng, bớt khô, mụn trắng cũng không nổi lên. Kem dưỡng mình đã dùng đến hũ thứ hai rồi và chắc chắn sẽ phải dùng thêm nhiều nữa”.

Duy Khánh cho biết thêm, đối tượng khách hàng của anh phần lớn là phụ nữ đang đi làm trong độ tuổi từ 22 đến 30. Điểm tuyệt vời nhất của các bài thuốc và dược liệu phương Đông là hướng tới sự cân bằng và bình thường hóa hoạt động của làn da, nghĩa là, thay vì tập trung giải quyết các vấn đề đang tồn tại, thì Skinlosophy cung cấp dưỡng chất để làn da trở nên khỏe mạnh hơn.

Để tìm ra những dược liệu đặc biệt cho sản phẩm, Khánh và Phương Anh đã phải đi khắp Việt Nam tìm kiếm dược liệu đặc trưng của từng vùng. Đỗ Duy Khánh kể lại: “Nhiều nguyên liệu quen thuộc được các nước lớn nhập về làm mỹ phẩm nhưng người Việt không hề hay biết, mà tơ tằm là ví dụ điển hình”.

Nếu người Việt chỉ biết dùng tơ tằm trong ngành may mặc thì Hàn Quốc lại sử dụng cho những sản phẩm dưỡng da cao cấp. Thực tế, công nghệ đã giúp Khánh và Phương Anh phát hiện ra, protein trong tơ tằm có khả năng sửa chữa và tái tạo các đứt gãy collagen cũng như giúp da giữ ẩm rất tốt. Vì thế, tơ tằm đã trở thành nguồn nguyên liệu đặc trưng của Skinlosophy trong việc tạo ra dòng sản phẩm làm trắng và chống lão hóa dành cho phụ nữ ngoài 30 có nhu cầu cải thiện độ ẩm, nếp nhăn và các đốm nám. Gần gũi hơn, chuyến đi tới nhiều vùng trên cả nước giúp họ biết rằng, nấm linh chi tại Phú Quốc có hàm lượng saponin không thua kém, thậm chí còn cao hơn nấm Hàn Quốc. Đây cũng là dưỡng chất tuyệt vời chống lại các gốc tự do làm lão hóa bề mặt da.

Quy trình sản xuất của Skinlosophy.
Quy trình sản xuất của Skinlosophy.

“Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ có sức ảnh hưởng văn hóa lớn với truyền thống lâu đời khiến nhiều người Việt quên mất các bài thuốc dân gian dựa trên dược liệu bản địa phong phú và lâu đời. Và chúng tôi đã sử dụng các phương pháp như ủ, lên men, chưng cất, chiết xuất, cô đặc… để thu lấy những gì tinh túy nhất rồi dùng công nghệ sản xuất tiên tiến với máy móc để điều chế các sản phẩm mỹ phẩm hoàn chỉnh để đưa đến tay người dùng” - Khánh nói thêm về cách làm của Skinlosophy.

Khánh tin rằng, chính những công nghệ hiện đại đã giúp khắc phục những nhược điểm của mỹ phẩm cổ truyền phương Đông như mùi hương không đủ sang trọng, gia tăng tối đa công dụng của hoạt chất… để đáp ứng nhu cầu về mỹ phẩm luxury của người dùng Việt.

Nói về cái khó của những sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên như Skinlosophy, Duy Khánh cho biết, sản phẩm của anh và những sản phẩm “made in Vietnam” nói chung trong ngành mỹ phẩm đang gặp phải đối mặt với các thương hiệu lớn có chiến lược kinh doanh vô cùng bài bản và có thương hiệu lâu đời trong cuộc chiến giành thị phần tại Việt Nam.

Tuy nhiên anh cũng tin rằng, Skinlosophy sẽ không lép vế bởi nền móng của sản phẩm bắt nguồn từ những bài thuốc dân gian đã được thừa nhận từ nhiều đời nay. Thêm vào đó, tư duy của những người trẻ như Khánh và Phương Anh giúp hình ảnh sản phẩm chuyên nghiệp và đáng tin cậy hơn trong mắt người tiêu dùng.

“Chúng tôi đã có nhiều đơn hàng đặt từ Mỹ, Pháp khi Skinlosophy được giới thiệu trên CNN. Rất nhiều khách hàng người nước ngoài đã bị thuyết phục bởi những triết lý và công thức độc quyền và công dụng của Skinlosophy trên làn da của họ. Sau hơn 7 năm nghiên cứu và phát triển, với 1000 đơn hàng mỗi tháng, thời gian tới sẽ là lúc Skinlosophy được biết đến nhiều hơn. Chúng tôi tự tin rằng, thế giới cần nhiều những brand như chúng tôi hơn là những sản phẩm thiếu tính sáng tạo và không có câu chuyện gì để kể” - Đỗ Duy Khánh quả quyết.