Một nhóm thiên văn học quốc tế bao gồm Đại học Harvard (Mỹ) và Đại học Birmingham (Anh), Đại học Copenhagen (Đan Mạch) phát hiện siêu tân tinh SN2016aps sáng nhất từ trước đến nay cách Trái đất khoảng 3,6 tỷ năm ánh sáng.

Ảnh: Pixabay.
Ảnh: Pixabay.

Khi các ngôi sao chết đi, chúng tự sụp đổ và phát nổ, giải phóng năng lượng khổng lồ. Trong dải Ngân hà, các vụ nổ siêu tân tinh như vậy chỉ xảy ra khoảng một lần mỗi thế kỷ.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Astronomy vào tháng 4/2020, vụ nổ sao SN2016aps tạo ra quang phổ và mức năng lượng chưa từng được quan sát trước đây. Lượng bức xạ phát ra từ SN2016aps cao gấp 5 lần năng lượng vụ nổ của một siêu tân tinh thông thường.

“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một siêu tân tinh tỏa sáng rực rỡ như vậy. Hơn nữa, nó phát sáng trong 600 ngày, trong khi một siêu tân tinh bình thường tỏa sáng từ 10 đến 100 ngày, trước khi ánh sáng của nó vụt tắt”, Alejandro Vigna- Goméz, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Copenhagen, cho biết.

Nhóm nghiên cứu tin rằng SN2016aps hình thành do sự sụp đổ của một hệ thống sao nhị phân. Trước đây, hiện tượng này chỉ tồn tại trong giả thuyết và chưa từng được xác nhận thông qua các quan sát thiên văn học.