Để bảo tồn hiệu quả các giống vật nuôi bản địa tại “quê quán” của nó, Nhà nước nên có chính sách về mặt khoa học, đầu tư về mặt tài chính. Có như vậy mới có thể giữ được một cách bền vững các nguồn gene quý.
Nếu cứ kéo dài tình trạng mỗi giống được Nhà nước hỗ trợ vài chục triệu đồng như hiện nay thì khả năng bảo tồn gene sẽ vô cùng hạn chế. Khi bảo tồn trong dân, để đề phòng mất luôn cả giống do dịch bệnh, Nhà nước vừa phải hỗ trợ về nuôi giữ, phát triển vừa có hỗ trợ chọn lọc giống.
Nhà khoa học phải định hướng cụ thể trong bảo tồn, đầu tư nhiều về chất xám để có thể duy trì các giống bản địa, phải tạo ra những dòng thuần để ổn định về mặt năng suất. Có thể tiếp tục có những tác động về khoa học trên những dòng đó, lai với một giống khác để tạo ra con lai có hiệu quả kinh tế cao hơn; điều này sẽ có tác động tích cực trở lại với nguồn gen được bảo tồn. Có sử dụng gene thuần để lai tạo với các gene khác thì mới phát huy, phát triển được nguồn gene đó.
Theo tôi, chúng ta phải bảo tồn tất cả những nguồn gene vật nuôi mà Việt Nam có, không nên bỏ một nguồn gene nào. Ngay cả có năng suất thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế thì đó cũng đều là nguồn gene rất quý. Việc duy trì nó góp phần đảm bảo đa dạng sinh học ở Việt Nam, phục vụ công tác khoa học cũng như công tác lai tạo những giống mới có năng suất và chất lượng cao khi cần.
Theo đánh giá của tôi, trong việc bảo tồn gene tại chỗ, Quảng Ninh là địa phương có chính sách và thực hiện rất tốt. Họ đưa ra ý tưởng mỗi địa phương một sản phẩm đặc trưng như gà Tiên Yên, lợn Móng Cái... Chắc chắn rằng với cách làm này, họ không chỉ bảo vệ được nguồn gene quý mà còn lưu giữ được nét văn hóa địa phương.
Châu Long (Ghi)