Nguồn gene gốc của giống lợn ỷ đen Việt Nam đã bị mất hoàn toàn, không cách nào khôi phục. Để các giống quý khác không lâm vào tình trạng đó thì việc bảo tồn, phục tráng phải được thực hiện kịp thời và đây là một thách thức với các nhà khoa học.

a

TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Viện Công nghệ sinh học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cho biết, khoa học có thể can thiệp để bảo tồn gene của bất kỳ cây, con, loài đặc hữu nào, nhưng khi đã mất gene gốc thì phục hồi đó là điều không tưởng.

Sự biến mất của lợn ỷ đen, gà chín cựa, ổi bo...

Nói về câu chuyện bảo tồn các gene quý ở Việt Nam, TS Nguyễn Thị Diệu Thúy nhắc đến gà chín cựa - một giống gà quý và thông minh tới mức khi chủ đi vắng có thể trông giữ nhà, giống gà huyền thoại trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Gà chín cựa đang đứng trước nguy cơ bị mất giống chuẩn. Liên quan đến giống gà này, một nhiệm vụ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang giao do Vườn quốc gia Xuân Sơn chủ trì thực hiện đó là bảo tồn giống gà chín cựa. Hiện có vài trăm cá thể gà này được bảo tồn.

“Tuy nhiên qua quá trình lai tạo, số lượng gà mang kiểu hình gốc (9 cựa) ngày càng ít, chủ yếu là các cá thể gà có số cựa ít hơn 9. Điều này cho thấy, nguồn gene gốc đã bị thu hẹp” - TS Thúy cho biết.

Một loài đặc hữu khác của Việt Nam là lợn ỷ đen - thịt thơm ngon, hình dáng rất đặc biệt: Mõm ngắn, bụng sệ và lưng võng. Qua thời gian dài lai tạp, nguồn gene gốc của loài này bị thoái hóa, năng suất thấp và người dân bỏ dần không nuôi. Tiến sĩ Thúy cho biết, đến thời điểm này nguồn gene gốc của lợn ỷ đen đã bị mất hoàn toàn.

Còn giống ổi Bo chính gốc Thái Bình tuy chưa mất hẳn nhưng cũng đang trong tình trạng báo động đỏ, hiện chỉ còn rất ít. Do quá trình đô thị hóa, diện tích ao vườn của người dân trong vùng đều giảm. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của cây ổi này không cao nên người trồng ổi Bo ngày càng ít đi.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các Ngành sinh học Việt Nam, Việt Nam là một nước có tính đa dạng sinh học rất cao, được xếp vào vị trí thứ sáu trên thế giới với khoảng 2.400 loài thực vật bậc thấp, 11.400 loài thực vật bậc cao, 335 loài thú, 840 loài chim, 317 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, 1.000 loài cá nước ngọt và 2.500 loài cá biển. Về vi sinh vật, với sự đầu tư của Chính phủ, trong những năm gần đây Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học đã liên tiếp công bố được nhiều loài mới đặc hữu của nước ta.

“Tuy nhiên, tác động của con người và biến đổi khí hậu đã khiến 300 loài động vật và 350 loài thực vật bị đe dọa tuyệt chủng. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ tính đa dạng sinh học ở nước ta là hết sức cấp bách, cần có sự tham gia của các ngành, các cấp” - GS Nguyễn Lân Dũng cảnh báo.

a

Chưa có cách nào khôi phục nguồn gene đã mất

Là người từng tham gia phục tráng và bảo tồn hàng trăm giống cây có múi tại nhiều địa phương trên cả nước như bưởi thanh trà, quýt Cao Bằng, cam Cao Phong (Hòa Bình)…, ThS Phạm Thị Dung - bộ môn cây, Viện Bảo vệ thực vật - cho biết, không thể phó thác hoàn toàn cho khoa học trong việc phục tráng nguồn gene. Với những cây, con quý cần bảo tồn, nếu cây vật liệu bị bệnh hay thoái hóa, năng suất thấp… thì có thể nhờ khoa học - công nghệ can thiệp bằng cách làm sạch bệnh và “chữa” khuyết điểm của giống để phục tráng. Tuy nhiên, điều kiện không thể thiếu là giống đó phải còn cá thể đang tồn tại.

“Chúng ta không thể bảo tồn nếu không có vật liệu. Bất cứ cây, con nào cần lưu giữ nguồn giống đều phải có vật liệu hiện tại. Có nghĩa là khoa học chỉ bảo tồn được nguyên trạng chứ không thể phục hồi gene đã mất gốc hoàn toàn” - bà Dung nói.

Cũng nhấn mạnh điều này, TS Thúy cho biết trong việc bảo tồn và phục tráng nguồn gene quý, vai trò của khoa học là đánh giá hiện trạng thông qua phân tích các đặc điểm hình thái điển hình của giống, lai và chọn lọc các cá thể mang đặc trưng giống, phân tích đặc điểm di truyền dựa trên các chỉ thị phân tử, thu và lưu giữ nguồn gene các tế bào.

“Việc làm này càng chậm trễ thì nguy cơ mất nguồn gene gốc và thậm chí mất giống quý càng cao. Giống lợn ỷ đen của Việt Nam là một bài học” - bà Thúy nói.

Theo TS Thúy, can thiệp của khoa học càng sớm thì việc bảo tồn nguồn gene càng hiệu quả. Bởi muốn bảo tồn, ít nhất cần lưu giữ giống ở các mức độ khác nhau: Con giống, vật chất di truyền của nguồn gene đó (với các mức độ như tế bào, trứng, tinh trùng, DNA).

Nhiều nước, đặc biệt - là các nước có nguồn gene cây trồng, vật nuôi phong phú, thiết lập chương trình giống rất tốn kém để lưu giữ giống gốc và phát triển đàn. Họ còn xây dựng các ngân hàng tế bào, DNA, thông tin giống.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân từng nhấn mạnh vai trò của việc bảo tồn, phát triển các nguồn gene, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết, nhất là trong việc thu hút đầu tư của xã hội trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về nguồn gene.

Thực tế, việc đầu tư nghiên cứu bảo tồn gene quý được thực hiện từ trước đó, song chưa đủ. Năm 2013, chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt.

Để triển khai, Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công chủ trì xây dựng chương trình bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene.

Theo “Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030”. mới được phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam phải khai thác và phát triển ít nhất 100 nguồn gene có giá trị ứng dụng để phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, y - dược...
Theo giới chuyên môn, ngoài việc bảo tồn, lưu giữ nguồn gene chuẩn, cần áp dụng giải pháp nhân rộng giống vật nuôi, cây bản địa thay vì chỉ nuôi trồng ở đúng “quê hương” của nó. Với cách làm này có thể giúp phát triển mở rộng các giống cây, con quý, đồng thời mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân.

Bà Dung nhấn mạnh thêm: Để không mất thêm giống quý nào như trường hợp lợn ỷ đen, luôn phải xác định rõ ở thời điểm nào, vật liệu di truyền có được đến đâu thì khoa học mới có thể tác động để lai tạo, chọn lọc và bảo tồn.

Vì vậy, khoa học - công nghệ cần đi trước chứ không thể chờ mất gene quý rồi mới đi tìm kiếm, khôi phục.

“Hiện nay, sau khi bảo tồn chúng tôi lưu giữ các mẫu vật, cây sống trong nhà lưới. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần Nhà nước đầu tư hơn nữa để các nhà khoa học có đủ cơ sở vật chất đảm bảo việc nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ mẫu vật một cách hiệu quả” - ThS Dung đề xuất.

Khoa học và công nghệ vào cuộc bảo tồn nguồn gene

Chương trình Bảo tồn gene quốc gia xác định các mục tiêu đến năm 2020: Đánh giá, xác định giá trị nguồn gene, trong đó đánh giá ban đầu ít nhất 20.000 (khoảng 30%) nguồn gene sinh vật đã thu thập, tập trung vào nguồn gene có giá trị kinh tế, khoa học, môi trường và y - dược; đánh giá chi tiết ít nhất 10% trong tổng số nguồn gene sinh vật đã đánh giá ban đầu. Chương trình cũng đặt mục tiêu đánh giá tiềm năng di truyền ít nhất 300 nguồn gene sinh vật có giá trị khoa học và kinh tế; giải mã, xây dựng bản đồ gene của ít nhất 5 nguồn gene đặc hữu, có giá trị kinh tế cao hoặc là các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Việt Nam.
Để bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030, chương trình Bảo tồn gene quốc gia sẽ xác định các nguồn gene ưu tiên thu thập, bảo tồn; đặc biệt chú trọng các nguồn gene có khả năng tạo ra sản phẩm chủ lực giá trị cao, các nguồn gene đặc sản, đặc hữu, các nguồn gene có nguy cơ thất thoát và tuyệt chủng.