Rùa Pinta khổng lồ tại quần đảo Galapagos từng là biểu tượng của sự tuyệt chủng, nay hoàn toàn có thể được hồi sinh nhờ một kế hoạch tham vọng bậc nhất trong lịch sử.
“Sinh vật ngoài hành tinh” tuyệt chủng vì cướp biển
Quần đảo Galapagos được hình thành bởi nham thạch của núi lửa phun lên từ dưới lòng Thái Bình Dương khoảng 5 triệu năm trước.
Môi trường nơi đây không thích hợp với nhiều loại sinh vật. Tuy nhiên, rùa khổng lồ là một ngoại lệ. Chúng đã sớm thích nghi với quần đảo này từ 1 triệu năm trước và phân bố ở hầu khắp các đảo lớn nhỏ tại Galapagos.
Khi nhà di truyền học Charles Darwin đến Galapagos vào năm 1835, nơi đây có hàng ngàn con rùa khổng lồ đang leo quanh các bụi gai, xương rồng giữa những núi lửa đang hoạt động. Có thể chúng là một trong những nguồn cảm hứng để Darwin xây dựng “Thuyết tiến hóa” nổi tiếng.
Vẻ bề ngoài của rùa khổng lồ gây sốc cho những người lần đầu tiên được thấy chúng. “Những con rùa ở đây như thể sinh vật đến từ sao Hỏa vậy” - nhà di truyền học Adalgisa Gisella Caccone - người đứng đầu phòng thí nghiệm bảo tồn gene thuộc Đại học Yale (Mỹ) cho biết.
Tuy nhiên, số cá thể rùa kỳ lạ và quý hiếm này ngày càng ít đi do bị cướp biển và các thủy thủ tàu săn cá voi thế kỷ thứ 19 giết thịt. Đó là chưa kể môi trường sống của chúng bị nhiều loài sinh vật mới được đưa đến Galapagos như dê, chuột... chiếm mất.
Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu như trong thời kỳ cực thịnh, số cá thể rùa khổng lồ lên đến 200.000 con thì nay chỉ còn 10% con số này.
Trong các loài rùa khổng lồ tại Galapagos, rùa khổng lồ đảo Pinta có số phận nghiệt ngã nhất. Chúng là loài có trọng lượng lớn, thịt ngon, lại sống ở khu vực thấp nên rất thuận tiện để cướp biển và thủy thủ tàu săn cá voi bắt làm lương thực dự trữ cho các chuyến đi dài ngày trên biển. Số cá thể loài này đã suy giảm một cách nhanh chóng.
Năm 1971, các nhà khoa học tìm thấy George - chú rùa duy nhất thuộc phân loại này. Từ đó, nó nổi tiếng với biệt danh “George cô đơn”, là biểu tượng cho sự tuyệt chủng của các loài động vật trên thế giới. Dù các nhà khoa học đã tìm đủ mọi cách để phối giống, bảo tồn gene của loài rùa này nhưng tất cả đều thất bại.
Đến năm 2012, George qua đời, loài rùa Pinta chính thức bị xóa sổ. Đây là phân loại rùa khổng lồ thứ tư tuyệt chủng trong số 15 giống rùa khổng lồ từng tồn tại ở Galapagos.
Tham vọng hồi sinh rùa Pinta
Năm 1994, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Yale (Mỹ) đã khởi động một dự án khảo sát có tính hệ thống về loài rùa tại quần đảo Galapagos.
“Là sinh viên chuyên ngành tiến hóa, chúng tôi đều cảm thấy rất thú vị khi được nghiên cứu sự tiến hóa tại nơi là khởi nguồn thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin. Chúng tôi không ngờ mình sẽ được tham gia một dự án đầy tham vọng là bảo tồn loài rùa khổng lồ này” - nhà di truyền học Caccone cho biết.
Các nhà khoa học tiến hành tìm kiếm rùa, lấy mẫu máu và xét nghiệm trên quy mô lớn ở quần đảo Galapagos. Năm 2008, họ phát hiện ít nhất 1.200 con rùa Chelonoidis donfaustoi ở đảo Isabela có nguồn gene tương đồng với giống rùa đảo Pinta. Bằng cách phân tích di truyền, họ tìm thấy 17 con rùa có nguồn gene gần như đồng nhất với DNA của rùa Pinta và cả Floreana - một loài rùa khổng lồ khác đã tuyệt chủng từ năm 1850.
Tại sao gene tương đồng ở mức độ cao như vậy với giống rùa vốn chỉ tồn tại ở đảo Pinta lại được tìm thấy ở loài rùa sống tại một hòn đảo khác cách đó khá xa? Theo các nhà khoa học, nguyên nhân là các tàu cướp biển và săn cá voi khi trở về gần đến đảo Isabela thì không cần giữ rùa Pinta làm thức ăn nữa, nên ném chúng xuống biển cho nhẹ.
Rùa Pinta bơi vào đảo Isabela, giao phối với rùa ở đây và sinh con đẻ cháu.
Để hồi sinh rùa Pinta, trong bước tiếp theo các nhà khoa học sẽ phân tích DNA của rùa đảo Isabela để tìm ra con rùa mang nguồn gene giống với rùa đảo Pinta nhất. Sau đó, họ sẽ tìm cách cho chúng phối giống với nhau, đem trứng xử lý ở nhiệt độ nóng - lạnh khác nhau để tạo ra rùa đực và cái (trứng rùa được ủ ấm sẽ nở ra rùa đực và để lạnh sẽ nở ra rùa cái). Tất cả nhằm đạt sự đa dạng di truyền cao nhất cho thế hệ rùa tiếp theo.
Các nhà khoa học tin rằng họ có thể tạo ra con rùa mang 95% số gene của rùa đảo Pinta. Theo ông Washington Tapia - Giám đốc một tổ chức phục hồi rùa tại đảo Galapagos - có thể phải mất khoảng 200-300 năm để làm được điều này, nhưng họ sẽ không nản lòng.
“Đây là một trong những kế hoạch hồi sinh một loài động vật tham vọng nhất từ trước tới nay. Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng tôi có đủ loại rùa nuôi nhốt và rùa trong tự nhiên để làm được điều này” - ông Tapia cho biết.
Nhà di truyền Caccone thậm chí còn cho rằng, có khả năng hồi thế kỷ 19 những con rùa đảo Pinta sau khi giao phối trực tiếp với nhau đã cho ra đời một con rùa thuần chủng, và vì tuổi thọ của loài này lên đến hàng trăm năm nên chúng có thể vẫn còn sống trong bầy rùa 8.000 con tại khu vực Wolf Volcano thuộc đảo Isabela.
“Chúng tôi biết có rất nhiều con rùa mang gene của giống rùa đảo Pinta ở ngoài kia. Cũng rất có khả năng một người anh em hoàn toàn thuần chủng của Geoge vẫn đang tồn tại. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để tìm kiếm và mang giống rùa này trở lại cho dù phải mất 200 năm nữa” - Caccone nói.