TS Bùi Hải Hưng cho biết, công nghệ nhận diện sử dụng khẩu trang vừa được VinAI công bố chỉ là một trong số các công trình nghiên cứu và sản phẩm ứng dụng đẳng cấp quốc tế mà tổ chức này đặt mục tiêu đạt tới.



TS Bùi Hải Hưng đã có gần 100 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ tại Mỹ. Ảnh: Vingroup

Mới đây, TS Bùi Hải Hưng (1973) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo VinAI Research - đã có cuộc trao đổi dành cho báo chí nhằm giải đáp nhiều câu hỏi về công nghệ nhận diện sử dụng khẩu trang cũng như về những tham vọng của VinAI trong thời gian tới.

Chạy đua với những đối thủ lớn

Về công nghệ nhận diện không cần bỏ khẩu trang, TS Hưng khẳng định, công nghệ này có giá trị lâu dài và toàn cầu, phát sinh từ nhu cầu thực tế, chứ không phải chỉ vì Covid-19. “Tại Việt Nam, người dùng có văn hóa đeo khẩu trang, chủ yếu liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, cần nói rằng, dịch Covid 19 sẽ ảnh hưởng lớn đến thói quen người dùng. Các nước Âu Mỹ trước đây gần như không tồn tại việc đeo khẩu trang thì giờ thói quen của người dân có thể sẽ khác”, vị tiến sĩ từng đảm nhiệm vị trí nghiên cứu cao cấp tại Google DeepMind nói. “Thực tế, chúng tôi cũng phải chạy đua với hàng loạt đối thủ lớn nhất trên thế giới để nghiên cứu và đưa vào ứng dụng với thời gian sớm nhất.”

Công nghệ nhận diện không cần bỏ khẩu trang, theo TS Hưng, có thể ứng dụng để nhận diện đơn giản nhanh chóng trên điện thoại di động. Còn tại các công sở, tổ chức, doanh nghiệp, công nghệ này đảm bảo kiểm soát chính xác và tiết kiệm thao tác. “Ưu việt của các giải pháp nhận diện khuôn mặt so với dùng vân tay là một phần của xu hướng contactless (giao tiếp không chạm), xu hướng của tương lai do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thói quen người sử dụng.”

TS Hưng nhận định, công nghệ nhận diện đã được phát triển khắp thế giới nhưng công nghệ nhận diện mặt sử dụng khẩu trang thì chưa, ngay cả các hãng lớn như Google, Apple đều chưa tiến hành thương mại hóa thành công. “Điểm ưu việt của chúng tôi là thuật toán và cách sử dụng công nghệ nhận diện cho hiệu quả ổn định, độ chính xác cao hơn hẳn các công nghệ hiện tại,” ông nói.

Trước mắt, VinAI đang phối hợp với Vsmart triển khai công nghệ nhận diện khi dùng khẩu trang trên các dòng điện thoại thông minh mới. Với các đối tác khác, VinAI cũng đã có lộ trình thương mại hóa nhưng TS Hưng cho biết tạm thời chưa thể chia sẻ thông tin chi tiết.

Trong khi có một số ý kiến cho rằng, công nghệ nhận diện mặt sẽ trở thành công cụ kiểm soát tự do cá nhân, thì TS Hưng vẫn bày tỏ tin tưởng, công nghệ được tạo ra là để phục vụ con người ngày càng tốt hơn, như trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, VinAI sẵn sàng cung cấp công nghệ nhận diện này cho các đối tác vì mục đích phục vụ y tế cộng đồng.

Những thước đo quan trọng khẳng định đẳng cấp của VinAI

Nói về VinAI sau một năm đi vào hoạt động, TS Hưng khẳng định, VinAI ra đời nhằm góp phần để Việt Nam không còn là vùng trắng về trí tuệ nhân tạo. Ông cho biết thêm, tổ chức này đang phát triển tốt 3 mảng chính: nghiên cứu cơ bản; ứng dụng, chuyển giao công nghệ; và đào tạo tài năng trẻ.

“Ở mảng nghiên cứu cơ bản về AI, mục tiêu của tôi là có công trình ở đẳng cấp hàng đầu thế giới thì hiện đã có những kết quả đầu tiên. Hàng loạt các bài báo do VinAI hoặc trực tiếp nghiên cứu, hoặc phối hợp cùng các cơ sở hàng đầu thế giới ở 3 mảng chính - máy học, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên - đã được công bố và chấp nhận tại các hội nghị đỉnh cao. Mảng máy học, ngoài 2 công trình đã công bố ở NeurIPS cuối năm ngoái, đội ngũ của Viện cũng đã có những thành công đầu khi giải quyết vấn đề tự động điều khiển robot trực tiếp từ các cảm biến camera, một công trình VinAI đóng góp với vai trò dẫn dắt và hợp tác với Đại học Stanford, Google và Facebook. Mảng thị giác máy tính tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu để cải tiến các phương pháp nhận diện khuôn mặt và hành vi. Mảng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, VinAI đã công bố PhởBERT, một mô hình ngôn ngữ tiếng Việt có ngữ cảnh đầu tiên. Đây là một đóng góp quan trọng và mang tính chất nền tảng cho cộng đồng nghiên cứu xử lý ngôn ngữ tiếng Việt,” TS Hưng nêu cụ thể.

Trong khi đó, ở mảng ứng dụng, chuyển giao công nghệ, VinAI đã tạo ra những sản phẩm đầu tiên đến tay người dùng như công nghệ mở khóa bằng khuôn mặt trên điện thoại Vsmart, công nghệ nhận diện khuôn mặt áp dụng cho thành phố thông minh.

Còn ở mảng đào tạo, hiện VinAI quy tụ 70 nghiên cứu, kỹ sư phần mềm, thực tập sinh, trong đó nhiều người đã có kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở tốt nhất về AI trên thế giới. “Cá nhân tôi đánh giá đội ngũ nhân sự của VinAI hiện tại ngang bằng mặt bằng chung của các Lab hàng đầu trên thế giới,” ông nói. “Khi có hạt nhân phía trên là những người có uy tín, việc thu hút các nhân tố tài năng khác sẽ dễ dàng hơn. Hiện tại, chúng tôi đã bước sang giai đoạn sàng lọc, đánh giá tài năng để lựa chọn.”

Nói về kỳ vọng của mình đối với VinAI trong 5-10 năm tới, ông Hưng cho biết, giai đoạn tiếp theo, VinAI hướng đến các sản phẩm, ứng dụng thương mại hóa không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn ở quốc tế. “Đây là thước đo quan trọng để khẳng định đẳng cấp của VinAI trong tương lai. Tại VinAI, không ai được hài lòng với kết quả ban đầu.”

Nguồn tham khảo: Vingroup