Xuất phát điểm giáo dục trẻ em của John Locke là sự phát triển hài hòa giữa trí tuệ và thể chất. Nhưng tạo hóa, vốn không công bằng, chưa bao giờ ban phát cho một cá nhân đầy đủ tinh thần minh mẫn và thân thể tráng kiện. Trong trường hợp đó, giáo dục, nhất là hình thức giáo dục sớm từ thời thơ ấu, đóng vai trò tiên quyết tạo ra những điều kì diệu.

Một phần bức chân dung John Locke (1632-1704) do Godfrey Kneller vẽ năm 1697. Ảnh: INT
Một phần bức chân dung John Locke (1632-1704) do Godfrey Kneller vẽ năm 1697. Ảnh: INT

Đặc biệt, với John Locke, nó tạo ra “sự khác biệt giữa các con người”, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống về sau.

Đối diện với kỷ luật

Trong các nguyên tắc giáo dục tinh thần cho trẻ, John Locke dường như nhấn mạnh đến nguyên tắc thiết lập những thói quen tốt dựa trên quá trình rèn giũa, uốn nắn tâm tính trẻ kịp thời, đúng lúc. John Locke nhận thấy đứa trẻ, ngay từ lúc bi bô, đã bắt đầu đòi hỏi rất nhiều thứ mà nếu không tỉnh táo, cha mẹ sẽ vô tình tiếp tay cho các ham muốn xấu được ươm mầm.

Nếu đứa trẻ được tập thói quen muốn gì được nấy “khi còn mặc tã”, Locke nêu vấn đề, thì tại sao ta “lấy làm ngạc nhiên khi nó vẫn muốn được tiếp tục như vậy khi nó đã mặc quần?”. Ở đây, Locke không phủ nhận việc cần thiết phải chiều theo ý trẻ, ban cho trẻ một thứ gì đó, nhưng ông cũng khuyến nghị việc từ chối, ngăn trở các đòi hỏi quá đà. Bởi năng lực “làm chủ lấy mình và từ khước các đam mê” là nền tảng để hình thành đức hạnh bền vững, và vào độ tuổi bắt đầu ý thức được năng lực đó, trẻ cần được đặt trong những ràng buộc chặt chẽ của cha mẹ. Lý trí dẫn dắt thay vì các ham muốn bột phát, với Locke, là con đường đúng đắn để cá nhân biết dừng lại trước các đòi hỏi mà lẽ phải không cho phép.

Khác với xu hướng nuông chiều và khen ngợi trẻ bất kì mọi lúc mọi nơi, Locke đề ra những giới hạn nghiêm ngặt. Chẳng hạn, khi một cô bé được mặc quần áo mới, được cắt tóc theo đúng thời trang, các bà mẹ thường cho trẻ sự tự ngưỡng mộ bản thân bằng cách gọi nó là “hoàng hậu bé nhỏ của mẹ” hay “công chúa nhỏ bé của mẹ”. Như vậy, Locke phân tích, “trẻ con học thói quen hãnh diện về quần áo của mình trước khi chúng có thể tự mặc lấy quần áo”. Những sơ suất trong khen tặng, ban thưởng trẻ vô hình trung đã làm đứa trẻ mất kiên nhẫn, thiếu kiềm chế các ham muốn và nhất là, chúng thường tỏ ra khó chịu khi không được đáp ứng các đòi hỏi. Theo Locke, để cho ý niệm danh dự và hổ thẹn thấm sâu vào đứa trẻ mà nhờ đó, trẻ tự điều chỉnh hành vi của mình, cha mẹ nên tiến hành song song những hình thức dạy dỗ vừa thích thú vừa gây khó chịu. Gây “khó chịu” ở đây chính là các điều răn, kỉ luật.

Nhưng cũng như nhiều nhà giáo dục nhân văn thời Khai Sáng về sau, Locke cảnh cáo những “sự trừng phạt quá nghiêm khắc”. Đứa trẻ sẽ rơi vào trạng thái sợ hãi hoặc giả dối một khi bị roi vọt, đe dọa.

Locke cho rằng, “một kỷ luật mù quáng tạo nên những cá tính nô lệ”, và do vậy, không nên nhồi nhét vào trí óc trẻ em những luật lệ và lời giáo huấn mà bản thân chúng không thể hiểu cũng như dễ quên ngay. Vấn đề quan trọng nằm ở cha mẹ phải lắng nghe, không bao giờ “coi thường các câu hỏi của trẻ con” và không bao giờ cho chúng những “câu trả lời thiếu chính xác và giả dối”.

Nếu cha mẹ giả dối, trẻ con cảm thấy bị lừa gạt dẫn đến việc chúng chọn các mưu mẹo, mánh khóe để đạt được sự hiểu biết thay vì thói quen truy tìm câu trả lời chính xác. Có thể nói, Locke hướng vào trọng tâm của đối thoại thay vì trừng phạt trong mối quan hệ cha mẹ và con cái. Bởi trừng phạt, nếu không đúng cách, sẽ làm các khuynh hướng tự nhiên ở trẻ gia tăng và bùng nổ mãnh liệt hơn.

Kỉ luật và răn dạy trẻ em đúng cách, cho đến hôm nay, vẫn là bài toán khó. Và cho dù có rất nhiều phương pháp cũng như các phương tiện bổ trợ, việc can thiệp vào thiên tư, “thiên tính” của trẻ bằng luật lệ bao giờ cũng gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng “một khi luật lệ đã được đặt ra thì bắt buộc con cái phải tuyệt đối tuân hành”, Locke nhấn mạnh, và tôi nghĩ, đó cũng điều mà cha mẹ, người lớn nên gương mẫu làm theo một khi tham gia vào bất kì khế ước xã hội nào.

Chính Locke, trong các khảo luận về chính quyền, cũng từng nêu quan điểm rằng cần phải chuyển những mệnh lệnh hàm hồ của “luật tự nhiên” thành luật pháp nhân định (positive law) rõ ràng hơn và có thể cưỡng chế thi hành. Thái độ “hòa cả làng” trong ứng xử với các kỉ luật “gia quy” và rộng ra, “quốc pháp”, đều không đem lại một xã hội công bằng cho trẻ em lẫn người lớn.

Đề cao đức hạnh

Trong quan điểm triết học của Locke, “trạng thái tự nhiên” là nội hàm thường xuyên được bàn định. Theo đó, mỗi cá nhân đều có một trạng thái tự nhiên và sống tuân theo “luật tự nhiên” có tính phổ quát vì đó là mệnh lệnh của Thượng đế.

Trong trạng thái tự nhiên nguyên thủy, Thượng đế ban cho mọi người lí trí, thân thể riêng và nhất là những cá tính riêng. “Các cá tính này – Locke phân tích, cũng như các nét của hình dạng có thể được sửa chữa chút ít nhưng khó có thể sửa chữa hoàn toàn và chuyển đổi qua một hình thức trái ngược”. Bởi vậy, nếu muốn thay đổi tính tình tự nhiên của đứa trẻ, tất cả các ông bố bà mẹ đáng kính hay giáo viên mầm non thuần thục nghiệp vụ đều phải chấp nhận sự thật rằng, đứa trẻ sẽ “bị tổn thương”.

Nhiều cha mẹ đã cố gắng gắn cho trẻ một năng lực, thiên tư nào đó, như múa hát, âm nhạc, hội họa hay văn chương trong khi chúng không hề yêu thích hoặc không có khả năng, thì càng làm đứa trẻ tạo ra cái vỏ bề ngoài thô kệch, giả tạo. Locke nhắc nhở các bậc sinh thành rằng trẻ con cũng có lòng kiêu hãnh như người lớn và rằng “chúng có đầu óc tự do”, “những việc làm tốt là do chính chúng làm” nên tốt nhất là không nên tạo gánh nặng học hành cho chúng.

Trong sự học của trẻ, Locke khuyến khích người lớn phải tán thưởng sự say mê hiểu biết. Việc trả lời “tất cả các câu hỏi của đứa trẻ” trở thành nhiệm vụ của cha mẹ, hơn nữa, cần phải trả lời trong thái độ tôn trọng tính cách tò mò, thích thú hiểu biết của trẻ. Dĩ nhiên, những khái niệm hay kiến thức làm rối trí đều không nên giảng dạy.

Locke cũng nhắc nhở những người làm giáo dục “phải xem trẻ thiếu cái gì, xem chúng có thể đạt được các thứ ấy bằng cách chuyên cần luyện tập không; xem có nên tốn công sức luyện tập không”. Thiết nghĩ, đề đạt của Locke tuy đi vào tiểu tiết và gây cảm giác “ai cũng hiểu” nhưng trên thực tế, trẻ con vẫn thường học hành theo chỉ định, mong muốn của cha mẹ hơn là sự hào hứng đón nhận của chúng. Không ít gia đình ở các đô thị Việt Nam hiện nay đã vội vàng thiết kế rất nhiều chương trình học “chuyên tất cả” cầm kì thi họa lẫn kĩ năng sống cho trẻ mà không thấy rằng, chúng trải qua nhiệm vụ đó với thái độ đối phó hoặc thờ ơ.

Trong các loại học hành dành cho trẻ, Locke đề cao sự rèn luyện và hình thành đức hạnh, bởi ông đặt đức hạnh “lên hàng đầu của các đức tính mà một con người, có học hay không, cũng cần có”. Con người đức hạnh sẽ được người khác kính trọng, yêu mến và tự cảm thấy hài lòng với chính bản thân mình. Trong khi các môn học khác nếu bị xao nhãng thì vẫn được bù đắp bằng cách này hay cách khác, riêng đức hạnh thì đòi hỏi phải được thường xuyên chăm chút, trau dồi. Bởi nếu không rèn được đức tính tốt để tránh thói hư tật xấu thì “những môn ngôn ngữ hay khoa học hay bằng cấp nọ kia cũng chẳng ích gì”.

Rèn luyện đức tính chính là kết quả tích cực tự hình thành trong quá trình cá nhân chuyển từ “trạng thái tự nhiên” sang môi trường giáo dục mà ở đó, cha mẹ và giáo viên phải biết cách gây dựng tình yêu thương để thúc đẩy trẻ em làm tròn bổn phận của chúng. Về cơ bản, đức hạnh, tâm tính tốt đều nảy mầm trong môi trường mà các lỗi lầm đều được sửa chữa bằng thái độ dịu dàng, ân cần.

Rõ ràng, quan điểm giáo dục đức hạnh cho trẻ của Locke có nhiều điểm tương đồng với triết thuyết của các học giả đạo đức học phương Đông. Nhưng Locke không triệt để đặt vai trò của cha mẹ, giáo viên vào vị thế quyền uy “thánh nhân”. Tránh biến mình trở thành “ông kẹ” làm trẻ con sợ hãi, theo Locke, là một kĩ năng sư phạm đầy thách thức. Bản thân phần nhiều các cải cách giáo dục hiện nay ở Việt Nam cũng đều tìm phương án xác định lại quyền uy của người thầy. Theo cách diễn đạt hình ảnh của Locke, chúng ta đang phải tìm cách tạo cho trí óc trẻ trạng thái yên tĩnh, bởi ta không thể viết “những chữ đẹp và đều đặn lên một trí óc đang run sợ”.

Những bàn luận trên đây của triết gia John Locke trong Vài suy nghĩ về giáo dục từng được đón nhận nồng nhiệt ở Anh quốc và châu Âu trong suốt thế kỉ XVIII. Với độc giả Việt Nam hiện nay, cuốn sách mỏng mảnh này có thể không còn quá thời thượng giữa thời điểm có hàng trăm đầu sách giáo dục, nhưng hẳn vẫn cần thiết để lắng nghe, thấu nhận thêm một số quan điểm chưa mất tính thời sự về dạy dỗ trẻ em.

John Locke là triết gia gây dựng trường phái chủ nghĩa duy nghiệm ở nước Anh, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tư tưởng triết học của châu Âu từ thời kỳ Khai Sáng. Người đỡ đầu của Locke là bá tước Shaftesbury nổi tiếng, người tin vào sự khoan dung tôn giáo và đả kích mọi hình thức chế độ chuyên chế. Năm 1683, cả hai chạy trốn sang Hà Lan sau khi Shaftesbury mất ảnh hưởng chính trị. Cũng chính ở Hà Lan, ông đã viết những viết những lá thư để khuyên bảo một người bạn trong cách nuôi dạy con. Các lá thư này có hình thức như những đoản ngôn, đoản luận, về sau, được tập hợp và ấn hành thành cuốn “Vài suy nghĩ về giáo dục”.