Các nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc có nhiều cách để giảm thiểu số ca bệnh và số ca tử vong khi nới lỏng chính sách "zero-COVID".

Tiêm vaccine COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: FT.

Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 ở Trung Quốc vào tháng 11 đã dẫn đến kỷ lục mới về số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong ngày, với khoảng 71.000 ca vào ngày 29/11.

Lu Jiahai, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Tôn Trung Sơn, Quảng Châu, cho biết nguyên nhân đợt bùng phát chủ yếu do biến thể phụ BF.7 thuộc dòng Omicron. Các nghiên cứu mô hình hóa cho thấy, nếu Trung Quốc dỡ bỏ các quy định hạn chế hiện nay, virus có thể lây nhiễm cho khoảng 160 triệu đến 280 triệu người và dẫn đến khoảng 1,3–2,1 triệu ca tử vong, phần lớn ở những người lớn tuổi chưa được tiêm phòng.

Ở đỉnh dịch như vậy, nhu cầu giường chăm sóc đặc biệt có thể cao hơn 15 lần so với số giường hiện có, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine vào tháng 5. Ước tính này được đưa ra dựa trên tỷ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc vào tháng 3. Ben Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, cho biết mức độ bao phủ vaccine ở Trung Quốc hiện đã cao hơn so với thời điểm thực hiện nghiên cứu, nhưng hệ thống y tế sẽ vẫn bị quá tải. “Sẽ có rất nhiều ca bệnh nặng và tử vong", Cowling nói.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý có nhiều cách để giảm thiểusố ca bệnh và số ca tử vong khi nới lỏng chính sách "zero-COVID".

Tăng cường tiêm chủng

Hầu hết người Trung Quốc được tiêm vaccine virus bất hoạt do các công ty Sinovac hoặc Sinopharm sản xuất. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những người từ 60 tuổi trở lên tiêm các vaccine này nên tiêm theo phác đồ 3 liều, vì 2 liều không đủ bảo vệ chống lại bệnh nặng. Theo nghiên cứu đăng trên Nature Medicine nói trên, Trung Quốc có thể giảm 61% số ca tử vong nếu tiêm liều thứ ba cho tất cả những người từ 60 tuổi trở lên. Nhưng đến nay, trong nhóm này, tỷ lệ tiêm liều thứ ba mới đạt 69%. Trong nhóm từ 80 tuổi trở lên, tỷ lệ là 40%.

Tuần này, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch tiêm chủng tăng cường cho người lớn tuổi, thậm chí rút ngắn thời gian giữa liều thứ hai và thứ ba từ 6 xuống 3 tháng. Chen cho biết, một cách để khuyến khích người dân tiêm liều thứ ba là nới lỏng các biện pháp phong tỏa và cách ly đối với những người đã tiêm. Chẳng hạn như cho phép người đã tiêm 3 mũi được tiếp cận các không gian công cộng.

Hồi tháng 9, Trung Quốc đã phê duyệt một vaccine dạng hít do CanSino Biologics ở Thiên Tân sản xuất và hiện người dân ở một số thành phố lớn đã có thể tiếp cận phiên bản vaccine này. Các nhà nghiên cứu vẫn đang chờ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối về hiệu quả. Họ hy vọng vaccine dạng hít sẽ giúp ngăn chặn virus lây lan, giảm thiếu số ca nhiễm nói chung chứ không chỉ số ca bệnh nặng.

Các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc cũng đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với các vaccine nhằm vào chủng Omicron và các vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Các nhà nghiên cứu cho biết những loại vaccine này có thể mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn so với các loại vaccine hiện đang được sử dụng ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, theo Lu, một chiến lược quan trọng khác là dự trữ thuốc kháng virus, đào tạo thêm nhân viên y tế và tăng số giường bệnh. Nghiên cứu đăng trên Nature Medicine cho thấy nếu Trung Quốc có thể điều trị cho tất cả những người có triệu chứng COVID-19 bằng thuốc kháng virus Paxlovid, số ca tử vong sẽ giảm tới 89%.

Chính sách zero-COVID không bền vững về lâu dài

Hiện tại ở Trung Quốc, những người nhiễm COVID-19 và những người tiếp xúc gần với họ (F1) phải cách ly tại các cơ sở chuyên dụng. Xi Chen - nhà kinh tế tại Đại học Yale, người nghiên cứu về hệ thống y tế công cộng của Trung Quốc, nói, nới lỏng "zero-COVID" có nghĩa là cho phép F1 và bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng tự chăm sóc tại nhà. "Như vậy sẽ giải phóng các nguồn lực lớn để tập trung vào điều trị những người bệnh nặng và nguy cơ cao."

Chen cũng khuyến nghị chính phủ Trung Quốc thay đổi sắc thái của các thông điệp gửi đến công chúng để giảm bớt sự hoang mang, sợ hãi và kỳ thị xung quanh COVID-19. "Zero-COVID không thể bền vững về lâu dài", theo Chen.

Nguồn: