Thêu thùa là một hình thức nghệ thuật đã có từ hơn 20.000 năm trước. Kim khâu đầu tiên được làm từ xương hay sừng động vật, và sợi chỉ đầu tiên làm ra từ gân động vật. Tuy có lịch sử lâu đời là vậy, nhưng việc áp dụng máy móc cho loại hình lao động này có tuổi đời khá ngắn.

Tới thế kỷ 14 kim sắt được phát minh ra. Chiếc kim có lỗ nhỏ đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 15. Và mãi tới những năm 1850 mới xuất hiện chiếc máy may thương mại đầu tiên. Tuy có những bước tiến vô cùng âm thầm và chậm chạp, nhưng dần dà máy may đã trở thành một món đồ quan trọng, không chỉ giải phóng lao động cho hàng ngàn phụ nữ mà còn đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, đưa ngành may mặc trở thành một tác nhân trong nền kinh tế.


Kim máy may ra đời

Chiếc kim máy may đầu tiên do nhà sáng chế người Anh Charles Weisenthal phát minh ra vào năm 1755. Ông được cấp bằng sáng chế cho một chiếc kim có hai đầu nhọn và chỉ một đầu có lỗ kim. Song, sáng chế này không mô tả phần còn lại của cỗ máy. Chúng ta không rõ là liệu cỗ máy này có tồn tại hay không.

Máy may của Thimonnier.
Máy may đạp chân của Isaac Merrit Singer.

Một số nhà phát minh nỗ lực cải thiện việc may

Vào năm 1790, nhà phát minh và thợ mộc người Anh Thomas Saint được cấp bằng sáng chế đầu tiên cho bản sơ đồ một máy may hoàn chỉnh, gồm kim khía hình chữ V và dùi. Chiếc máy này được thiết kế đặc biệt để đục lỗ trên da. Ta không rõ liệu ông Saint có dựng một mẫu thử nghiệm cho phát minh này hay không. Sau này, người ta mô phỏng lại phát minh của Saint dựa trên bản vẽ sáng chế nhưng chiếc máy không hoạt động.

Năm 1804, Thomas Stone và James Henderson được Pháp cấp bằng sáng chế cho cỗ máy mô phỏng lại hoạt động thêu tay. Cùng năm đó, một bằng sáng chế được cấp cho Scott John Duncan cho một cỗ máy thêu có nhiều kim. Cả hai phát minh này đều thất bại và chẳng mấy chốc đã bị công chúng lãng quên.

Vào năm 1810 tại Đức, Balthasar Krems phát minh ra một cỗ máy tự động khâu mũ. Krems không xin sáng chế cho phát minh của mình, và nó không hề hoạt động tốt.

Thợ may người Áo Josef Madersperger đã cố gắng phát minh ra một cỗ máy may và được cấp bằng sáng chế vào năm 1814. Đáng tiếc, mọi nỗ lực của ông đều không thành công.

Vào năm 1818, cỗ máy may đầu tiên của Mỹ được John Adams Doge và John Knowles phát minh ra. Cỗ máy của họ không làm ra được thành phẩm hữu ích nào trước khi hỏng.

Máy may của Walter Hunt.
Máy may của Elias Howe.

Cỗ máy hữu dụng đầu tiên đã gây ra một cuộc bạo loạn

Chiếc máy may hữu dụng đầu tiên do một thợ may người Pháp tên Barthelemy Thimonnier phát minh ra vào năm 1830. Chiếc máy này chỉ sử dụng một sợi chỉ và một chiếc kim móc để tạo ra đường thêu móc xích. Ông làm ra 80 chiếc máy như vậy và đặt chúng trong xưởng may để sản xuất áo khoác quân đội. Thế nhưng, điều này đã khiến một nhóm thợ may phẫn nộ vì sợ rằng phát minh này sẽ khiến họ thất nghiệp. Họ phóng hỏa thiêu rụi xưởng may và trận hỏa hoạn này đã khiến Thimonnier phá sản.

Walter Hunt và Elias Howe

Năm 1834, Walter Hunt đã thành công làm ra chiếc máy may đầu tiên ở Mỹ. Tuy chiếc máy này chỉ có thể may đường thẳng, nó đã tạo ra một mũi may hoàn toàn mới gọi là mũi may thắt nút. Cho rằng phát minh này sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp, ông đã từ bỏ và không xin cấp bằng sáng chế cho chiếc máy hay mũi may. Sau này, Elias Howe ở Spencer, Massachusetts đã cải tiến chiếc máy của Hunt và xin cấp bằng sáng chế đầu tiên của Mỹ vào năm 1846.

Cỗ máy của Elias Howe gồm một cây kim có lỗ ở đầu nhọn, giống như kim máy mà chúng ta thấy ngày nay, cùng chỉ từ hai suốt để tạo thành mũi may thắt nút. Ông được công nhận là người tạo ra chiếc kim và máy may hiện đại đầu tiên.

Tuy nhiên, chín năm tiếp theo, ông gặp rất nhiều trắc trở, đầu tiên là thu hút được sự chú ý đối với cỗ máy này, tiếp theo là bảo vệ sáng chế khỏi những kẻ sao chép.

Cuộc chiến máy may

Mãi cho tới những năm 1850, máy may mới được đi vào sản xuất hàng loạt, khi Isaac Singer tạo được cỗ máy thành công về mặt thương mại đầu tiên. Đây là chiếc máy may đầu tiên mà kim di chuyển lên xuống thay vì sang bên, có bàn đạp chân cung cấp năng lượng cho kim. Các cỗ máy trước đều phải quay bằng tay.

Năm 1851, Singer đã xin cấp bằng sách chế cho mẫu máy này và thành lập Công ty I.M. Singer & Co. Thế nhưng, cỗ máy của Isaac Singer sử dụng cùng mũi may thắt nút mà Howe đã sáng chế ra và ông không phải người duy nhất làm vậy. Dựa trên khái niệm ban đầu mà Howe đưa ra, nhiều nhà phát minh khác đã thực hiện những cải tiến được cấp bằng sáng chế của riêng họ, bao gồm bổ sung thêm kim có ngạnh và cơ chế liên tục đẩy vải tiến lùi, cùng các cải tiến khác. Tất cả những đổi mới này cùng tạo ra tình trạng “chồng chất sáng chế” (patent thicket), trong đó một số bên có thể tuyên bố quyền sở hữu đối với những bộ phận quan trọng của một phát minh. Và điều này đã châm ngòi cho Cuộc chiến máy may.

Vào thời điểm đó, các nhà phát minh đều đưa nhau ra tòa, tiêu tốn rất nhiều chi phí kiện tụng cũng như chi phí cấp phép cao mà công ty sản xuất buộc phải trả.

Đơn cử, Elias Howe đã kiện Isaac Singer vì xâm phạm sáng chế và thắng kiện vào năm 1854. Máy may của Walter Hunt cũng sử dụng mũi may thắt nút với hai suốt chỉ và một kim lỗ; thế nhưng, quan tòa lại ủng hộ sáng chế của Howe vì Hunt đã từ bỏ sáng chế của mình.

Lúc này, Orlando Brunson Potter, luật sư kiêm chủ tịch của công ty đối thủ là Công ty Máy may Grover và Baker đã đề xướng một ý tưởng chưa từng có: các bên có thể hợp nhất lợi ích kinh doanh với nhau. Vì cỗ máy hái ra tiền này cần có các bộ phận được nhiều bằng sáng chế khác nhau bảo hộ, nên ông đưa ra một thỏa thuận sẽ tính khoản phí cấp phép duy nhất và giảm dần qua các năm, và nó sẽ được theo tỷ lệ giữa những người nắm bằng sáng chế.

Howe, Singer, Grover và Baker cùng công ty sản xuất Wheeler và Wilson cuối cùng đều thấy ý tưởng này thật thuyết phục và họ cùng nhau tạo ra thỏa thuận cùng chuyển giao bằng sáng chế (patent pool) đầu tiên. Nó hợp nhất chín bằng sáng chế thành Tổ hợp máy may, mỗi bên trong số bốn bên liên quan được chia phần trăm thu nhập trên từng chiếc máy được làm ra, tùy vào đóng góp của họ cho thiết kế cuối cùng.

Tuy là kết hợp chín bằng sáng chế để tạo ra cỗ máy, nhưng trong số chúng có ba sáng chế đặc biệt quan trọng. Đó là bằng sáng chế của Elias Howe cho mũi may thắt nút, bằng sáng chế của Wheeler và Wilsons về cơ chế chuyển động tiến lùi, và bằng sáng chế của Singer về sự kết hợp giữa kim dọc với bề mặt may nằm ngang.

Sau này, máy may Singer đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc may vá quần áo, nó không chỉ biến đổi ngành dệt may mà còn cả hoạt động kinh doanh toàn cầu. Công ty Singer đã trở thành một trong những tập đoàn đa quốc gia đầu tiên của Mỹ và đạt được thành công đáng kinh ngạc vào thời ấy. Vào thời điểm mà thu nhập trung bình của người Mỹ là 500 USD, máy may Singer được bán với giá 125 USD - và chúng vẫn bán chạy.

Những khoảnh khắc lịch sử của máy may

Vào 2/7/1857, James Gibbs xin cấp bằng sáng chế cho máy may một chỉ thêu đường móc xích đầu tiên.

Năm 1864, công ty Singer tạo ra chiếc máy may để bàn đầu tiên. Chúng vẫn được sử dụng ngày nay và chạy bằng pin, với trọng lượng nhẹ người dùng có thể dễ dàng di chuyển nó.

Helen Augusta Blanchard ở Portland, Maine (1840-1922) xin cấp bằng sáng chế cho máy may đường zigzag đầu tiên vào năm 1873. Mũi may zigzag khâu chặt hai mép vải hơn, giúp cho quần áo chắc chắn hơn. Helen Blanchard cũng xin cấp bằng sáng chế cho 28 phát minh khác gồm máy may mũ, kim phẫu thuật và các cải tiến khác cho máy may.

Vào năm 1877, Joseph M. Merrow phát minh ra mũi móc và làm ra máy đan móc.

Các máy may cơ khí đầu tiên được sử dụng trong dây chuyền sản xuất của nhà máy may mặc. Mãi cho tới năm 1889, người ta mới thiết kế và bán máy may dùng trong nhà.

Tới năm 1905, chiếc máy may dùng điện mà Singer sản xuất vào năm 1898 trở nên phổ biến.

Năm 1987, công ty Orisol làm ra một chiếc máy may giày, chúng vẫn được sử dụng ngày nay để sản xuất ra một số mẫu giày.

Nguồn: thoughtco.com; smithsonianmag.com