Nếu tổ tiên của con người là loài linh trưởng thì tại sao trên Trái đất hiện vẫn còn khỉ, vượn... mà chúng không tiến hóa thành người? Liệu trong tương lai, còn cơ hội nào cho chúng trở thành sinh vật làm chủ Trái đất như chúng ta?

Câu hỏi tương tự từng được những người nghi ngờ thuyết tiến hóa luận của Darwin đặt ra với mục đích phủ định sự đúng đắn của học thuyết này.
a


Loài khỉ hiện nay không phải tổ tiên loài người

Có một thực tế rằng con người không tiến hoá từ vượn, tinh tinh, đười ươi hay khỉ hiện đại. Tất cả chúng là các loài linh trưởng với những con đường tiến hoá khác nhau. “Nếu cho rằng tiến hóa biến đổi từ loài này sang loài khác thì thật sai lầm. Tuy vậy, có thể khẳng định con người và khỉ có chung tổ tiên” - tiến sĩ nhân chủng học Paul Willis (Australia) cho hay. Bằng chứng là một nghiên cứu về DNA của người và khỉ đã chỉ ra, hai loài có tới 93% số DNA giống nhau.

Một hóa thạch của loài linh trưởng được tìm thấy ở Myanmar năm 2009 cũng giúp khẳng định tổ tiên chung của 2 loài. Loài này hình dáng giống vượn, sống từ 25 triệu năm trước, sau chia ra làm 2 nhánh riêng biệt. Một nhánh phát triển thành chủng hominods có hình dạng giống người. Nhánh kia phát triển thành loài vượn hiện nay.

Năm 2007, một nhóm nhà khoa học Nhật Bản tìm thấy xương hàm và răng được cho là của tổ tiên loài người. Nghiên cứu kích thước và hình dáng răng, họ kết luận, tổ tiên xa xưa của chúng ta có kích thước bằng một con khỉ, ăn hạt cứng cùng các loại hạt khác. Loài này sống cách chúng ta khoảng 10 triệu năm.

Năm 2000, các nhà khoa học lại tìm thấy xương của loài hominids sống cách đây khoảng 6 triệu năm ở đồi Tugen, Kenya. Loài này được cho là đã sống cả ở trên cây và dưới đất. Thậm chí, khi ở dưới đất, nó đã di chuyển thẳng đứng.

Nhiều hoá thạch khác đa dạng về niên đại cũng được tìm thấy, điền thêm vào sơ đồ tiến hoá, giúp giới khoa học hình dung ngày một rõ hơn về quá trình tiến hoá của con người từ loài linh trưởng.

Liệu khỉ hiện đại có hoá người?

Khỉ hiện đại có thời gian tồn tại khá ngắn. Hầu hết các chi, ngành của chúng được tách ra trong vòng 20 triệu năm qua. Các bằng chứng khoa học đều chỉ ra rằng vài nhóm loài là sản phẩm của quá trình tiến hoá trong vài triệu năm trở lại đây.

Mặt khác, không phải mọi thành viên trong một chủng, loài đều tiến hoá sang loài khác. Chỉ có một nhóm nhỏ cá thể mang đột biến gene có lợi cho sự sinh tồn mới tiếp tục tiến hoá. Thường những đột biến gene có lợi sẽ được truyền cho các thế hệ tương lai để chúng có thể tiếp tục sinh tồn. Những cá thể còn lại vẫn tiếp tục duy trì hình dạng, đặc tính cũ và có thể tuyệt chủng vì không thích nghi được với các điều kiện sống mới.

Sự xuất hiện các đột biến có lợi phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi các yếu tố môi trường như thức ăn, kẻ thù, thời tiết và các tác nhân xã hội. Có thể khẳng định, trong cơ thể loài khỉ hiện đại vẫn đang diễn ra quá trình đột biến gene cả có lợi lẫn có hại và chúng được truyền cho thế hệ sau để chọn lọc và giữ lại những đột biến có lợi. Tuy nhiên, khả năng chúng tiến hoá thành loài có lý trí như người là rất thấp bởi những yếu tố như thức ăn, môi trường sống cùng các tác nhân khác đã không còn giống như cách đây vài chục triệu năm. Nghĩa là, tổ tiên của loài khỉ hiện đại đã bỏ lỡ cơ hội (có lẽ là duy nhất) và vì thế hậu duệ của chúng phải chấp nhận vị thế thấp hơn “anh em họ” là con người.

Còn nhà khoa học Nga Alexandr Markov cho rằng, mỗi loài sinh vật đều là duy nhất và chỉ xuất hiện một lần nên chuyện khỉ ngày nay tiến hóa thành người là không thể. Mặt khác, hai loài đang tồn tại song song không bao giờ có chung một đích đến. Sự xuất hiện loài người chỉ bổ sung cho các loài linh trưởng chứ không phải thay thế chúng.