Các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Queensland khám phá ra rằng nhiều đứa trẻ không muốn đeo khẩu trang khi ra đường vì lo ngại bị người xung quanh và bạn bè cho là yếu ớt.

Đeo khẩu trang là một biện pháp bảo vệ khỏi ô nhiễm không khí khi ra đường. Ảnh: GettyImage
Đeo khẩu trang là một biện pháp bảo vệ khỏi ô nhiễm không khí khi ra đường. Ảnh: GettyImage

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 15.000 học sinh từ 12-14 tuổi ở tất cả 24 quận, huyện tại TPHCM và phụ huynh để xem xét nhận thức của người dân về việc đeo khẩu trang nhằm tránh tiếp xúc với những tác nhân ô nhiễm không khí từ giao thông. Khảo sát được diễn ra ngay trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam.

Lý giải về mục đích của nghiên cứu, nhóm tác giả nói rằng mọi người đều biết những nguy cơ của việc tiếp xúc hằng ngày với ô nhiễm không khí, nhưng vì chất độc trong không khí luôn “vô hình” (ngoại trừ vào những ngày rất xấu) và sự quen thuộc của nó (xảy ra hằng ngày) có thể dẫn đến cảm giác an toàn giả tạo đối với những người bị phơi nhiễm.

“Một khi ô nhiễm không khí đã trở nên cụ thể đến mức "nhìn rõ" hoặc "cảm thấy" được thì chúng đã trở nên quá nguy hiểm”, Th.S Lê Huỳnh Thị Cẩm Hồng, nghiên cứu sinh Khoa học Sức khỏe tại Đại học Queensland và là một trong những tác giả chính của bài báo đăng trên tạp chí Public Health, nói.

“Đeo khẩu trang là một biện pháp tự bảo vệ mình hết sức đơn giản và rẻ tiền. Chúng tôi muốn xem xét điều gì đã ảnh hưởng đến niềm tin và hành vi đeo khẩu trang của phụ huynh và trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí từ giao thông”, chị cho biết thêm.

Từ khảo sát bảng hỏi và phỏng vấn sâu trẻ em tại TPHCM, các nhà khoa học khám phá ra một số điều.

Cụ thể, trẻ em có nhận thức sai lầm về bầu không khí xung quanh và tin rằng mình an toàn trong các chuyến đi hằng ngày thông thường, trong khi có thể gặp rủi ro cao hơn trong các chuyến đi xa hơn hoặc đến những địa điểm mới.

Nhiều trẻ em không đeo khẩu trang thường xuyên, chủ yếu là do chúng cảm thấy khó chịu hoặc khó thở khi đeo khẩu trang. Trẻ em sẽ có xu hướng chọn khẩu trang dựa trên sự tiện lợi hoặc độ dễ chịu hơn là tính hiệu quả.

Việc sử dụng khẩu trang của trẻ em bị ảnh hưởng bởi cha mẹ hoặc người lớn tuổi xung quanh. Nghĩa là trẻ em sẽ có thói quen đeo khẩu trang nhiều hơn nếu người lớn thường xuyên đeo khẩu trang làm gương.

Một điều quan trọng mà nghiên cứu chỉ ra là trẻ em có nhiều khả năng đeo khẩu trang hơn nếu các em có các triệu chứng hô hấp cá nhân. Điều này ngụ ý một vấn đề, là cha mẹ thường sẽ có ý thức đưa khẩu trang cho đứa trẻ hơn khi các em có các triệu chứng bệnh tật.

Nhóm tác giả cũng rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng, khác với người lớn, trẻ em thường bị ảnh hưởng bởi sự nhìn nhận của bạn bè và người xung quanh. Nhiều trẻ em, đặc biệt là các bé trai, vẫn lo lắng về việc nhìn yếu ớt, bệnh tật hoặc khác biệt với bạn bè nếu dùng khẩu trang. Tuy nhiên, nếu nhìn thấy hầu hết bạn bè đều đeo khẩu trang khi ra ngoài trời thì trẻ em có nhiều khả năng sẽ thực hiện hành động bảo vệ sức khỏe tương tự.

Trong khi đó, người lớn thường đeo khẩu trang vì họ nhận thức được các mối nguy về sức khỏe và gần như không bị ảnh hưởng bởi đánh giá ngoại hình.

Các nhà khoa học nhấn mạnh cần có thêm các can thiệp y tế cộng đồng phù hợp với quan điểm của trẻ nhỏ để khuyến khích các em có ý thức bảo vệ bản thân hơn, đặc biệt là tại những khu vực đang phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa cao và phơi nhiễm với ô nhiễm không khí từ giao thông. Chẳng hạn, có thể tăng tỷ lệ chấp nhận đeo khẩu trang của trẻ em bằng cách tăng cường sự tham gia của bạn bè đồng trang lứa cùng phụ huynh hoặc giáo viên trong các thực hành sức khỏe tốt, giúp việc đeo khẩu trang trở thành một phần bình thường hoặc phổ biến trong cộng đồng của đứa trẻ.

Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ dự án LASER PULSE "Giảm ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông: Phối hợp đa ngành giữa y tế, giáo dục và môi trường nhằm giảm tác động của ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông trên trẻ em tại TPHCM, Việt Nam, 2021-2022” do USAID tài trợ.

Các loại khẩu trang N95 được coi là tốt nhất để bảo vệ khỏi các loại bụi PM và khói bụi (ngăn 95% các hạt), nhưng các loại khẩu trang ít tiền hơn như khẩu trang y tế và khẩu trang vải cũng có tác dụng ngăn chặn phơi nhiễm không kém (ngăn 70-80% các hạt). Thí nghiệm phòng lab của Đại học Bang Colorando (Mỹ) cho thấy hầu hết các vật liệu làm khẩu trang đều có thể lọc hơn 50% các hạt bụi lớn hơn 1 micron, tốt hơn nhiều so với việc không đeo khẩu trang, theo nghiên cứu