Đây là mục tiêu của chương trình "Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh" giai đoạn 2022-2025 do Sở GD&ĐT đưa ra và được Sở Tài nguyên và Môi trường ủng hộ.
Chương trình này được Sở GD&ĐT Hà Nội ra quyết định vào cuối tháng 10/2022 tại kế hoạch số 3520/KH-SGDĐT và dựa trên kết quả thí điểm mô hình "Trường học xanh" tại hơn 100 trường học thuộc 4 quận, huyện Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đông Anh và Thạch Thất trong năm học 2021-2022.
“Đã có hơn 43.000 học sinh tham gia chương trình này, với gần 40.000 hành động xanh thuộc các chủ đề: không khí sạch, rác thải, năng lượng, nước sạch và không gian xanh", Live& Learn, đơn vị triển khai chương trình thí điểm, cho biết.
Các hoạt động "Trường học xanh" được lồng ghép với các hoạt động giáo dục môi trường trong chương trình học; đồng thời các thầy cô, học sinh và phụ huynh được hướng dẫn triển khai những giải pháp cải thiện môi trường sống.
Nhiều hoạt động đã thu được kết quả đáng khích lệ. Chẳng hạn, các trường học tại huyện Đông Anh đã cùng cộng đồng địa phương phân loại rác và xử lý rác hữu cơ, góp phần giúp địa phương giảm gần 75% lượng rác hằng ngày trong thời gian chưa đầy một tháng.
Việc thực hành tiết kiệm điện, nước tại nhà của học sinh lớp 4 trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) đã giúp giảm khoảng 16% lượng điện tiêu thụ và giảm khoảng 7,5% lượng nước tiêu thụ tại 47 hộ gia đình sau 1 tháng.
"Chúng tôi giới thiệu cho học sinh về các chủ đề môi trường khác nhau và giúp các em khám phá những cách thực hành tiết kiệm mà mọi người có thể làm được hàng ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng dẫn các em dùng những công cụ đơn giản như bảng biểu, sổ ghi chép, máy đo... để 'kiểm toán' lượng tài nguyên sử dụng, nhờ đó gia đình các em có thể nhìn thấy rất rõ tác động khi thay đổi hành vi", đại diện của Live&Learn chia sẻ với Khoa học & Phát triển hồi tháng 6.
Live&Learn đã xây dựng
sổ tay hướng dẫn xây dựng trường học xanh. Tổ chức này cho biết, theo báo cáo đánh giá ở Mỹ, chi phí để xây dựng một trường học xanh có thể cao hơn 2% so với xây dựng một trường học thông thường, nhưng lại có thể đem đến lợi ích về tài chính cao gấp 20 lần.
Báo cáo này chỉ ra, trung bình một trường học xanh điển hình tiết kiệm hơn 33% năng lượng và 32% nước so với các trường học thông thường.
Với các kết quả tích cực và rõ ràng từ giai đoạn thí điểm năm 2021-2022 và đặc biệt sự ủng hộ của giáo viên và học sinh, các nhà quản lý giáo dục tại Hà Nội đã quyết định nhân rộng mô hình này ra cho tất cả 30 quận, huyện trên toàn thành phố.
Ở cấp độ quản lý, thành phố sẽ đặt mục tiêu sử dụng bộ tiêu chí trường học xanh nhằm đánh giá chất lượng trường
học, từ đó xây dựng được cơ chế đánh giá, thi đua khen
thưởng dành cho công tác bảo vệ môi trường tại trường học.
Ở cấp độ trường học, các trường sẽ tăng cường chương trình giáo dục bảo vệ môi trường; xây dựng các nội quy - chính sách về thực hành xanh trong
nhà trường; và áp dụng các giải pháp kĩ thuật nhằm cải thiện chất lượng không
khí, sử dụng tài nguyên (điện, nước...) hiệu quả và giảm thiểu rác trong trường học.
Với học sinh, các em sẽ được nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và thay đổi hành vi nhằm hướng tới lối sống xanh, giảm thiểu phát thải ô nhiễm trong các hoạt động học tập và sinh hoạt tại trường học. Học sinh sẽ được tham gia vào các cuộc thi "Đại sứ xanh" để lan tỏa hành vi và thông điệp môi trường của mình.
Lộ trình cụ thể của chương trình là đến năm 2025 chương trình phấn đấu thu hút sự tham gia của 70-100% trường học mỗi cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một số hình ảnh về chương trình Trường học xanh ở Hà Nội: