Tiangong sẽ là "nhà" cho hơn 1.000 thí nghiệm trong hơn một thập kỷ tới, bao gồm các thí nghiệm tái tạo kết quả nghiên cứu trước đây từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Trạm vũ trụ Tiangong (Thiên Cung) của Trung Quốc đã hoàn thành. Mô-đun thứ ba và là mô-đun cuối cùng đã ​​được phóng vào quỹ đạo thấp của Trái đất vào ngày 31/10. Tiangong là phòng thí nghiệm thứ hai của loài người trên quỹ đạo, dự kiến ​​sẽ tổ chức hơn 1.000 thí nghiệm khoa học trong thời gian tồn tại ít nhất 10 năm. Các thí nghiệm bao gồm nghiên cứu tác động của vi trọng lực lên các mô sống và hành vi của đám cháy trong môi trường không gian.

Ngay cả với công nghệ ngày nay, xây dựng một trạm vũ trụ là một thành tựu to lớn, Paulo de Souza, nhà nghiên cứu công nghệ vũ trụ tại Đại học Griffith, Gold Coast Australia, nói. Tiangong đã mở ra một sân chơi khoa học mới cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Brad Tucker, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Quốc gia Australia, Canberra, cho biết các nhà nghiên cứu từ các quốc gia khác cũng sẽ có quyền sử dụng phòng thí nghiệm trên quỹ đạo. Trung Quốc đã chọn 9 thí nghiệm quốc tế để đưa lên Tiangong thông qua một dự án hợp tác với Liên Hợp Quốc. Những thí nghiệm này đến từ các nhà khoa học Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Mexico, và một số nước khác.

3 thành viên phi hành đoàn đang sống trên Tiangong.

Hoàn thiện trạm vũ trụ

Mô-đun mới Mengtian được phóng vào ngày 31/10 là một trong hai mô-đun được thiết kế để chứa và tổ chức các thí nghiệm khoa học, Mentian. Mô-đun kia là Wentian, đã được phóng từ tháng Bảy. Đến nay, cả Mengtian và Wentian đều đã gắn vào mô-đun lõi Tianhe, giống như hai cánh tay ở hai bên. Tianhe đã quay quanh Trái đất từ ​​tháng 4/2021.

Mengtian có vai trò quan trọng làkhôi phục tính đối xứng cho trạm vũ trụ. Trước đây trạm "bay lệch" do chỉ có Wentian gắn vào một bên, Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard – Smithsonian ở Cambridge, Massachusetts, giải thích.

Đã có một số nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và phi hành gia đến Tiangong. Hiện một phi hành đoàn 3 người đang sống trrên trạm vũ trụ này.

Tổng cộng trạm có hơn 20 phòng thí nghiệm nhỏ được trang bị máy ly tâm, buồng lạnh đạt nhiệt độ thấp tới âm 80°C, lò nung nhiệt độ cao, nhiều tia laser và đồng hồ nguyên tử quang học. Chúng sẽ được sử dụng để tiến hành các thí nghiệm tương tự như thực hiện trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Sẽ không có các hợp tác giữa Tiangong và ISS. Trung Quốc không phải là đối tác tham gia ISS và phi hành gia nước này không thể lui tớiISS. Các quy định của Mỹ cũng cấm NASA, một cơ quan tham gia ISS, thiết lậpcác quan hệ đối tác song phương với Trung Quốc.

Nhưng với Tiangong, các nhà nghiên cứu có thể lặp lại các thí nghiệm đã tiến hành trên ISS để kiểm chứng kết quả. "Tôi đang rất háo hức chờ kết quả”, Souza nói, cho biết thêm là hy vọng các kết quả sẽ được công khai.

Nhiều thí nghiệm

Sẽ có các thí nghiệm về việc sinh sống trong một thời gian dài trong quỹ đạo Trái đất thấp ảnh hưởng đến sức khỏe của các phi hành gia như thế nào, tác động của vi trọng lực lên mô sống, cách ngăn chặn hỏa hoạn trên các vật liệu khác nhau và các đặc tính lượng tử của các chất khí trong không gian.

Có 3 khoang thí nghiệm đặt bên ngoài Tiangong, giúp nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ vũ trụ đối với thực vật và vi sinh vật.

Ngay lúc này có 25 thí nghiệm đang được tiến hành trên Tiangong, theo Zhang Wei, giám đốc tại Trung tâm Công nghệ và Kỹ thuật Sử dụng Không gian, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Bắc Kinh. Trong số đó có thí nghiệm tác động của vi trọng lực lên thực vật, xương và cơ bắp.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin rằng phi hành đoàn đã mang khoảng 12.000 hạt giống - gồm cỏ linh lăng, yến mạch và hạt nấm - lên trạm vũ trụ, cho chúng tiếp xúc với bức xạ vũ trụ và vi trọng lực trong 6 tháng rồi mang về gieo trồng trên Trái đất để kiểm tra tác động của môi trường không gian.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết rằng cải xoong và cây lúa được trồng ở Wentian vào cuối tháng 7 năm nay đã bắt đầu nảy mầm.

Nguồn: