50 năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc cuộc chiến chống phong tỏa bằng thủy lôi do người Mỹ thả ở cảng Hải Phòng và ven biển nước ta hòng chặn con đường tiếp nhận sự viện trợ từ bạn bè quốc tế cũng như ngăn chặn hậu phương miền Bắc tiếp vận cho tiền tuyến miền Nam.

Cuộc phong tỏa đã trực tiếp đánh vào luồng lạch đường biển, các đội tàu, bến cảng của miền Bắc vừa được xây dựng sau ngày hòa bình lập lại năm 1954. Dù là một một tổ hợp kinh tế chuyên ngành vận tải, Đường biển đã tham gia cuộc chiến chống phong tỏa, dưới sự dẫn dắt của Hải quân Nhân dân Việt Nam, họ đã bất ngờ trở thành các chiến sĩ rà phá thủy lôi thuần thục, mở luồng cho các con tàu. Vì phạm vi cuộc chiến khá rộng, các chiến dịch vận tải, các đội tàu, mối quan hệ chỉ đạo, hợp đồng với nhiều đơn vị như Công binh Hải quân, Công an Biên phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu Ba... Bài viết này chỉ tập trung giới thiệu được phần nào những kỳ tích mà các lực lượng KHKT của Đường biển, tức là Cục Đường biển Bộ GTVT (mà kế thừa phần quản lý nhà nước hiện nay là Cục Hàng hải) lập nên trong cuộc chiến chống phong tỏa.

Kéo thủy lôi MK52 ngày 28/6/1972 ở luồng Nam Triệu. Trong ảnh: Ông Phong, ông Hùng, ông Vũ Văn Giang (thợ lặn Đường biển).
Xử ký ngòi nổ thủy lôi MK52 tại luồng Nam Triệu, gần đền Nơm, ngày 28/6/1972. Trong ảnh: Ông Phong (đội khăn), ông Trương Thế Hùng (cởi trần), ông Đào Ngọc Tấn (áo trắng). Ông Hùng và ông Tấn ở Hải quân.


Đầu năm 1967, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai trên chiến trường miền Nam, đưa cuộc chiến tranh cục bộ lên đỉnh cao, đồng thời Tổng thống Mỹ Giôn-xơn cũng bí mật cho rải thủy lôi ở các cửa sông, bến cảng phía Bắc. Ngày 26/02/1967, những quả thủy lôi đầu tiên được Mỹ thả xuống Hải Phòng, mở đầu cho chiến dịch phong tỏa các cảng sông miền Bắc. Vào lúc 8 giờ đêm, chiếc A-6 của Mỹ từ tàu sân bay Kitty Hawk ngoài vịnh Bắc Bộ tiến hành thả 3 quả thủy lôi xuống sông Gianh, hai ngày sau thả xuống sông Lam. Đêm ngày 05/03/1967 tiếp tục thả xuống Lạch Trào, sông Nhật Lệ…Tính đến ngày 20/05/1967, Mỹ đã thả 106 thủy lôi các loại thuộc “kẻ hủy diệt” và MK-52 ở bốn cửa sông khu 4.

Kẻ hủy diệt! Người Mỹ đã đặt tên cho nó với hy vọng ngăn chặn con đường tiếp viện từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, Kẻ hủy diệt đã tập trung những tinh hoa khoa học quân sự nước Mỹ và như họ khoe khoang đây là lần đầu tiên có một thứ bom đạn dùng được cả trên đất liền và sông biển, hoàn toàn thích hợp cho chiến trường Việt Nam. Đó là vào đầu những năm 60, người Mỹ phải kiểm kê lại kho vũ khí của mình. Các loại bom công ước, tức là các loại bom cổ điển vẫn còn nhiều trong kho nhưng các thứ vũ khí cần thiết cho một chiến trường đất hẹp, sông biển nhiều lại chưa có.Thiết kế một loại vũ khí khác thích hợp thật không đơn giản. Lầu Năm Góc đã bắt đầu áp dụng.quan điểm mô đun cho chương trình Kẻ hủy diệt, tiếng Anh là Destructor, viết tắt là DST. Với quan điểm mô đun giống như lắp các tổng đoạn con tàu hay ghép các phần của bộ đồ chơi Lego hiện nay, Lầu Năm Góc hy vọng việc chế tạo bom và thủy lôi sẽ dễ dàng và biến hóa tùy theo từng nhu cầu. Hình 1 là các thành phần của Kẻ hủy diệt thuộc dòng Mk420. Như vậy DST vừa có thể là bom khi rơi xuống đất rồi vùi xuống sâu dưới hút bom mà cũng có thể là thủy lôi khi rơi xuống nước. Qua hình vẽ, ta thấy DST nhìn chung có bốn bộ phận như sau: đầu bom, thân bom, bộ phận kích nổ ở đuôi và cánh đuôi bom. Thân bom tức phần chứa thuốc nổ là những quả bom thông thường, ta chỉ cần lắp thêm bộ “đồ nghề” tức bộ kích nổ khác nhau hay còn gọi bằng một từ đã phổ biến trong tiếng Việt hiện nay là bộ kit là ta sẽ có đủ loại cấu hình bom/thủy lôi khác nhau như Mk40 Mod 1,2,3,4,5; Mk41 Mod1-âm thanh; Mod2-áp suất /từ tính; Mk42, Mk50 …

Gần 40 năm sau, tại Hội thảo “Hoạt động của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc Việt Nam 1967-1968 và 1972-1973” được tổ chức tại Hải Phòng ngày 22/2/20051, Đội 8 Công binh Hải Quân - nơi có trách nhiệm cao nhất, hiểu biết sâu nhất về các loại thủy lội - đã bộc bạch qua báo cáo như sau “…tài liệu huấn luyện để biên soạn cho Đội chủ yếu dựa vào tài liệu thủy lôi được học ở Trung Quốc mang về. Học cụ huấn luyện là mấy quả thủy lôi huấn luyện do Liên Xô viện trợ (thủy lôi КБ, АМД-1, АМД-2 ). Trong khi đang tiến hành huấn luyện, theo yêu cầu của ta, Liên Xô cử một tổ chuyên gia sang giúp đỡ, truyền đạt một số kiến thức cơ bản và kinh nghiệm của Liên Xô về chống phong tỏa thủy lôi trong Thế Chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Còn đối với thủy lôi hiện có của địch thì bạn và ta chưa biết gì".

Dù chưa biết gì, nhưng chúng ta không bị động, không nao núng. Trước đó một năm, ngày 20/04/1966 Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát đã chủ trì một cuộc họp bàn về chống phong tỏa và hai tháng sau Bộ Tổng Tham mưu đã phê duyệt kế hoạch chống phong tỏa của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Người thầy khai tâm

Tại thành phố cảng Hải Phòng, trụ sở của Cục Đường biển tại số nhà 13 Võ Thị Sáu không xa Bộ Tư lệnh Hải quân, tất cả chỉ có 800 mét, đi bộ khoảng 12 phút. Mối thân tình giữa hai đơn vị không phải chỉ vì khoảng cách địa lý mà trong nhiều năm đã có sự hợp tác thân tình trên tình đồng chí vì công việc chung và cả tình bạn. Vô vàn các sự kiện hợp tác trong sản xuất và chiến đầu, nhưng chỉ kể một sự kiện trước đó bốn năm: sau trận đánh tàu Maddox ngày 05/08/1964, tàu kéo Bạch Đằng 2000 mã lực của Đường biển đã vào Lạch Trường kéo ba tàu hải quân về Lạch Ngần (vịnh Hạ Long) để bước vào chiến đấu, chính chiếc tàu kéo VTB-2 với đại đội phó Nguyễn Mạnh Hà đã đưa 3 tàu phóng lôi này từ Hải Phòng vào Hòn Mê. Tình bạn giữa Cục trưởng Đường biển Lê Văn Kỳ và Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát càng siết chặt mối thâm giao khi bà Điềm – vợ của Tư lệnh - là cán bộ phòng hành chính của Đường biển, trưởng phòng tự vệ Cục là một sĩ quan Hải quân chuyển ngành. Bởi vậy, bước vào cuộc chiến chống phong tỏa, Hải quân đã biệt phái hẳn một trung úy trẻ tuổi sang công tác Đường biển và ngày 18/4/1967 tức là hai tháng sau khi quả thủy lôi đầu tiên ném xuống khu 4, tổ nghiên cứu hỗn hợp Hải quân – Đường biển đã được thành lập và bốn ngày sau, ngày 22/4/1967 thiết kế của thiết bị phá lôi đầu tiên mang tên PĐ-67-1 đã ra đời.

Khác với các chuyên viên vũ khí dưới nước trong Công binh Hải quân được đào tạo chuyên ngành tại các trường quân sự Trung Quốc từ cuối những năm 60, Hoàng Sơn (1935-07/2021) tốt nghiệp kỹ sư cơ điện tàu thủy tại Cao đẳng Hàng hải (овиму) tại cảng Odessa Liên Xô vào năm 1966, một ngôi trường mà nhiều kỹ sư Đường biển cũng từng theo học. Mặc dù học tại trường dân sự nhưng với đam mê cháy bỏng về các vũ khí dưới nước, Hoàng Sơn đã tiếp xúc các giáo sư, chép, chụp các tài liệu để có một hiểu biết sâu về thủy lôi từ trường mới nhất của Liên Xô. Và giờ đây, trên cương vị biệt phái sang Đường biển, anh trở thành người thầy khai tâm cho các đồng nghiệp của mình. Tiếp đến là các thầy từ Công binh Hải quân, những người được học bài bản từ Trung Quốc những năm 50. Nhìn hình 3, tấm hình lịch sử ghi lại bài giảng về từ trường con tàu và cách khử từ, tiêu từ để vượt qua bom đạn đề ngày 28/02/1967, được ông thầy Hoàng Sơn soạn trên cuốn sổ công tác cũ của sĩ quan Hải quân - vào thời gian khó, giấy viết cũng là một vấn đề, ta thấy hết nhiệt tình và tầm vóc của người truyền thụ. Mặc dù chỉ gắn với Đường biển một năm đầu tiên, sau đó chuyển sang làm cố vấn cho Bộ trưởng Bộ GTVT về chống phong tỏa, ít khi làm việc trực tiếp nhưng mối quan hệ gắn bó giữa Đường biển và Hoàng Sơn, sau chiến tranh mang quân hàm đại tá, thực sự khăng khít, tất cả anh em phá lôi từ các chiến sĩ đảm bảo hàng hải tới các kỹ sư trên Văn phòng Cục đều nhắc tới đại tá với lòng kính mến.


Chiếc thùng sắt đặc biệt

Tới Bảo tàng thành phố Hải Phòng ngày hôm nay, trong các thiết bị của thời chiến tranh được trưng bày, có một chiếc thùng sắt rất đặc biệt (hình 4). Bên góc trái của thùng có ghi các ký hiệu PĐ-67-1. Các nhà khoa học Đường Biển đặt tên cho sản phẩm của mình với ký hiệu P- phao và Đ-đèn, phao và đèn chiếu sáng là các thiết bị quan trọng, biểu tượng của ngành đảm bảo hàng hải, tức là luôn có phao để tàu có thể dựa vào, buộc vào và ngọn đèn của các hải đăng như Long Châu, Hòn Dáu luôn chiếu sáng để con tàu biết đường đi trong đêm tối. Phao đèn tốt, luồng lạch khai thông là nhiệm vụ sống còn của công tác đảm bảo hàng hải. Ký hiệu 67 chỉ năm ra đời còn số 1 chỉ phương án đầu tiên, để tiếp tới sẽ có các phiên bản mới. Như đã nói ở trên, thiết bị này hoàn thành thiết kế ngày 22/04 và sau một tháng, ngày 23/5/1967, thiết bị chế tạo xong và được đưa đi thử nghiệm. Báo cáo thử nghiệm vào ngày 25/05/1967 tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng, như hình 3 và 4 chụp hai trang có bút tích của Hoàng Sơn và người phụ trách thử nghiệm Vũ Tấn Khiêm. Đó là một phao vỏ sắt, đầu phao có gắn một cái anten, phía sau đặt một cuộn phát từ hình chữ U, trong phao có một búa đập tạo âm thanh. Dùng đầu nổ của thủy lôi Mk - 52 để thử, kết quả cho tín hiệu nổ ở cự ly 17 mét (hình 4), nhưng đưa thử thực tế ở khu 4 không có kết quả. Theo Cục trưởng Lê Văn Kỳ, “ thiết bị đầu tiên anh em chúng tôi làm “hơi tham”, cũng là trên cơ sở đánh giá là nó thả cả bom âm thanh nên làm một cái thiết bị có cả búa gõ và làm theo sách vở. Nó nặng nề, cồng kềnh. Về phóng từ, cái đầu tiên này chúng tôi dùng kiểu xung từ được phóng từ hai cái râu như hai cái râu anten tivi, sau chuyển sang phóng từ theo trục2”. Dù không đưa được vào thực tế chiến đấu, PĐ 67-01 là một bước thử nghiệm quan trọng, mở đầu, sau khi Đường biển đã được khai tâm về bom mìn, nó cũng giúp ta hình dung bất kỳ một sáng chế kỹ thuật nào cũng trải qua thử nghiệm khó khăn, chứ không thể khơi khơi mà thành công được. Dù không đưa được vào thực tế chiến đấu, việc thực hiện thiết bị này cho thấy công tác tổ chức nghiên cứu khoa học khá bài bản. Tổ nghiên cứu gồm đủ cả các kỹ sư vỏ tàu, máy tàu, điện tàu thủy, người từ Ba Lan, người từ Liên Xô, người học trong nước cùng hợp tác với các kỹ sư Hải quân. Vũ Tấn Khiêm (1940-2021) là một gương mặt nổi bật trong các kỹ sư cơ khí. Tốt nghiệp Bách khoa năm 1963, anh về ngay Đường biển và giải quyết hàng loạt các bài toán cơ học tại cảng, tại Công ty Trục vớt với các dự án cần cẩu trục nồi sức nâng lớn. Cục trưởng Kỳ thường tự hào là mình có trong tay một đội ngũ các kỹ sư giỏi, trong đó có Khiêm, một người có tính độc lập, thường “cãi” lại thủ trưởng. Việc thiết kế PĐ 67-1 cũng cho thấy, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, các đề tài đều được làm khá bài bản : có thuyết minh tính toán, có ghi chép số liệu thực nghiệm và đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo. Trong quá trình thiết kế và thử nghiệm, anh em đã trực tiếp nếm mùi bom đạn. Buổi thử nghiệm tại Đình Vũ, đúng vào lúc một máy bay Mỹ lướt qua phóng tên lửa. Viên sĩ quan biên phòng đứng cách Vũ Tấn Khiêm không xa đã bay mất một cánh tay trái! (Còn tiếp)

Kẻ hủy diệt

Dùng khối thuốc nổ tạo thành mìn dưới nước dùng để răn đe hay đánh phá tàu thuyền đối phương đã có lịch sử lâu đời. Cuốn Hỏa Long Kinh (火龙经) thời nhà Minh Trung Hoa thế kỷ 14 còn có những ghi chép về loại mìn dưới nước mà họ gọi là Thủy Long vương Pháo và tới thế kỷ 16 đã dùng để đánh bọn cướp biển Nhật Bản. Tới Thế chiến I, thủy lôi đã phát triển mạnh mẽ tại các cường quốc hàng hải. Các loại thủy lôi “sừng” tức thủy lôi chạm nổ là vũ khí rẻ tiền được sử dụng rộng rãi và còn dùng tới tận ngày hôm nay mà ta có thể thấy được sản xuất tại Xưởng X28 Hải quân Hải Phòng. Vì dù đã ra đời từ rất lâu nhưng đến tận ngày nay, thủy lôi vẫn là cơn ác mộng với cả những tàu chiến và tàu ngầm hiện đại nhất.


(1) Tài liệu [1] trang 164
(2) Bản ghi âm, lưu trữ cá nhân