Tuần qua, Trái đất vừa lập kỷ lục về những ngày nóng nhất từng được ghi nhận.

Kỷ lục đầu tiên được ghi nhận vào thứ Hai (3/7), trên nền tảng Climate Reanalyzer của Đại học Maine, Mỹ. Nó tính toán nhiệt độ trung bình hằng ngày dựa trên các quan sát vệ tinh, tàu thủy và phao thủy văn từ Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ.

Vào ngày 3/7, mô hình cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01°C, vượt qua kỷ lục trước đó là 16,92°C vào tháng 8/2016 trong đợt El Niño trước.

Trong hai ngày tiếp theo, nhiệt độ lên tới 17,18°C.

Tuy bộ dữ liệu này mới chỉ bắt đầu từ năm 1979, nhưng nó nhất quán với các số liệu khác được ghi nhận từ trước đó.

Cục Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết nhiệt độ tuần này cũng đạt kỷ lục theo số liệu của họ (bắt đầu từ năm 1940). Theo các nhà khoa học, đây có thể là nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận từ khi có các đo lường bằng máy móc vào những năm 1850.

Thực vậy, nhiệt độ trung bình toàn cầu tuần này có thể cao nhất trong thiên niên kỷ, theo số liệu về vòng tuổi của cây và lõi băng từ quá khứ trước đó. Chúng cho thấy nhiệt độ đã không cao như thế từ ít nhất 125.000 năm trước.

Ngày 4/7/2023 là ngày nóng nhất trên Trái đất từ trước đến nay, phá vỡ kỷ lục được lập ra hôm trước đó. Thời tiết nóng tiếp tục kéo dài đến thứ Tư, ngày 5/7. Ảnh: usatoday.com
Ngày 4/7/2023 là ngày nóng nhất trên Trái đất từ trước đến nay, phá vỡ kỷ lục được ghi nhận ngay hôm trước. Thời tiết nóng kỷ lục tiếp tục kéo dài đến thứ Tư, ngày 5/7. Ảnh: usatoday.com

Năm nay đã phá nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao, với những hậu quả tàn khốc. Ở Mexico, trời nóng đã khiến 112 người thiệt mạng kể từ tháng Ba. Ấn Độ và Trung Quốc cũng phải đối mặt với những đợt nóng nguy hiểm. Còn ở miền nam nước Mỹ, hiện tượng vòm nhiệt (hiện tượng thời tiết xảy ra khi một khối khí áp suất cao quanh quẩn ở một khu vực và không di chuyển đi nơi khác) đã làm nhiệt độ tăng lên khoảng 49°C vào cuối tháng 6. Trong ngày 4/7, có đến 57 triệu người Mỹ đã phải hứng chịu nhiệt độ nóng nguy hiểm.

Các nhà khoa học dự đoán nhiệt độ sẽ tiếp tục lên cao trong sáu tuần tới. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ tuyên bố vào ngày 8/6 là El Niño đã tới. Việc này ảnh hưởng sâu rộng đến khí hậu, bao gồm gây ra mưa lớn hoặc hạn hán và nhiệt độ cao bất thường.

El Niño diễn ra đồng nghĩa năm nay sẽ là một năm nóng, song các chuyên gia dự đoán năm 2024 có thể còn nóng hơn nữa, vì ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết này thường mất vài tháng mới rõ rệt.

Tổ chức Khí tượng Thế giới dự đoán có 98% khả năng 5 năm tới sẽ là giai đoạn nóng nhất về tổng thể và Trái đất có khả năng chạm ngưỡng tới hạn 1,5°C cao hơn mức trước thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo các nhà khoa học, trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự nóng lên toàn cầu. Vì thế, các kỷ lục nhiệt độ sẽ bị phá vỡ ngày càng thường xuyên hơn, trừ khi chúng ta nhanh chóng hành động để giảm phát thải khí nhà kính xuống bằng 0. Nhiệt độ cao không chỉ là con số - đối với nhiều người và hệ sinh thái, đây còn là vấn đề sinh tồn và sinh kế.

Nguồn: