Ấn Độ chuẩn bị phóng tàu vũ trụ mang theo tàu đổ bộ lên Mặt Trăng vào ngày 14/7. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư từng đổ bộ có kiểm soát lên Mặt trăng - sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc - và là quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống cực nam Mặt trăng.

Đây là lần thứ hai Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) tìm cách hạ cánh trên Mặt trăng.

Nhiệm vụ Chandrayaan-3 - trị giá 6 tỷ rupee, tương đương 73 triệu USD - sẽ đưa một tàu đổ bộ và xe tự hành từ sân bay vũ trụ Sriharikota, ngoài khơi bờ biển phía đông của Ấn Độ, đến một địa điểm gần cực nam của Mặt trăng.

Sau khi tàu đổ bộ hạ cánh, các nhà khoa học tại ISRO có kế hoạch triển khai xe tự hành đặt bên trong tàu để nghiên cứu các đặc tính của Mặt trăng.

Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên con người hạ cánh được xuống vùng cực nam Mặt trăng. Các nhiệm vụ Mặt trăng trước đây hạ cánh ở vĩ độ thấp hơn.

ISRO nói rằng cực nam của Mặt trăng là đối tượng đặc biệt đáng quan tâm. Phần lớn diện tích khu vực này luôn ở trong bóng tối, làm tăng khả năng thu được mẫu băng Mặt trăng đầu tiên. Hơn nữa, các miệng núi lửa lớn gần cực nam có thể chứa manh mối về thành phần của Hệ Mặt trời sơ khai.

Ấn Độ hy vọng tàu đổ bộ Mặt trăng Vikram sẽ hạ cánh thành công.

Ấn Độ từng có 2 nhiệm vụ Mặt trăng. Chandrayaan-1, năm 2008, phóng thành công tàu quỹ đạo. Chandrayaan-2, năm 2019, phóng thành công tàu quỹ đạo tiếp theo nhưng thất bại khi tàu đổ bộ đổ bộ của nó đâm vào bề mặt Mặt Trăng do lỗi phần mềm.

Nhiệm vụ lần này tập trung vào đổ bộ Mặt trăng. Ấn Độ sẽ dùng một tên lửa ba tầng để đưa tàu vũ trụ Chandrayaan-3 vào quỹ đạo hình elip quanh Mặt trăng. Sau đó, một mô-đun đẩy nặng 2 tấn sẽ đưa tàu đổ bộ, tên là Vikram, vào một quỹ đạo cách bề mặt Mặt trăng khoảng 100 km. Tàu đổ bộ nặng 1,75 tấn, chứa một robot tự hành 6 bánh, nặng 26 kg, tên là Pragyan. Robot sẽ di chuyển quanh Mặt trăng trong thời gian tương đương khoảng 14 ngày trên Trái đất.

ISRO cho biết đã thực hiện các thay đổi đối với phần mềm và phần cứng của nhiệm vụ Chandrayaan-3, đặc biệt là đối với các động cơ đẩy của tàu đổ bộ, sau sự cố với Chandrayaan-2. ISRO đã phát triển các trình tự hạ cánh mềm cải tiến và tàu đổ bộ có bốn động cơ đẩy thay vì năm, chân chắc chắn hơn và các tấm pin mặt trời lớn hơn, đồng thời sẽ mang nhiều nhiên liệu hơn.

Tàu đổ bộ được trang bị các thiết bị để đo mật độ ion và electron, đo nhiệt độ, quét động đất và phân tích động lực học của hệ thống Mặt trăng.

Các phép đo tương tự đã được thực hiện bởi các nhiệm vụ Apollo của Mỹ và Hằng Nga của Trung Quốc. Tuy nhiên các tàu đổ bộ này hạ cánh gần đường xích đạo, thay vì cực nam, do dó dữ liệu mới sẽ hữu ích cho các nhiệm vụ Mặt trăng trong tương lai.

Tomas Hrozensky, chuyên gia tại Viện Chính sách Vũ trụ châu Âu ở Vienna cho rằng Chandrayaan-3 sẽ góp phần vào mục tiêu thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng và các hành tinh khác.

Nguồn: