Sụp đổ sinh thái là một thuật ngữ được các nhà sinh thái học sử dụng, mô tả tình huống hệ sinh thái giảm sút nghiêm trọng sức tải với mọi sinh vật, có thể là vĩnh viễn, và nó thường dẫn tới sự tuyệt chủng hàng loạt. Thường thì, tình huống này là do một sự kiện thảm khốc xảy tới trong thời gian ngắn.
Từ nghiên cứu mô phỏng việc các điểm tới hạn có thể cộng hưởng với nhau như thế nào, các nhà nghiên cứu từ các trường đại học của Anh đi tới kết luận rằng, sự sụp đổ của các hệ sinh thái có thể xảy ra trên khắp Trái đất sớm hơn dự kiến.
Họ đã tìm hiểu hai hệ sinh thái hồ và hai khu rừng bằng các mô phỏng máy tính với 70.000 thay đổi về biến số. Họ nhận thấy có đến 15% các sự sụp đổ xảy ra là do những áp lực mới hoặc các sự kiện cực đoan, ngay cả khi áp lực chính được giữ ở mức không đổi. Bài học rút ra là ngay cả khi một phần của hệ sinh thái được quản lí một cách bền vững, các áp lực mới như sự nóng lên toàn cầu hay các diễn biến thời tiết cực đoan vẫn có thể đẩy cán cân nghiêng về phía sụp đổ.
Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu cảnh báo, hơn 1/5 các hệ sinh thái trên toàn cầu, gồm cả
rừng mưa nhiệt đới Amazon, có nguy cơ sụp đổ trong vòng một đời người. Như vậy, chúng ta có thể là thế hệ cuối cùng được nhìn thấy Amazon.
Tuy phạm vi của nghiên cứu còn hạn chế, song các tác giả cho rằng nó gợi ý các nhà hoạch định chính sách cần hành động khẩn cấp hơn.
Nghiên cứu này cũng có thể dẫn đến tranh luận gay gắt vì trong khi mối liên hệ giữa nguyên liệu hóa thạch và sự nóng lên toàn cầu đã được chỉ ra và chứng minh rõ ràng, ngành khoa học về các điểm tới hạn và quan hệ qua lại giữa chúng còn tương đối kém phát triển.
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu - cơ quan cố vấn khoa học hàng đầu của Liên hiệp quốc - tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng điểm tới hạn ở Amazon có khả năng xảy ra vào năm 2100.
Nghiên cứu mới cho thấy một viễn cảnh đáng lo ngại. Nó chỉ ra rằng hầu hết các nghiên cứu cho tới nay thường tập trung vào duy nhất một nguyên nhân gây sụp đổ, ví dụ như biến đổi khí hậu hay
chặt phá rừng. Nhưng khi kết hợp với các mối đe dọa khác, chẳng hạn như thiếu nước, suy thoái và ô nhiễm sông ngòi từ khai thác mỏ, thì sự sụp đổ xảy ra sớm hơn nhiều.
Ví dụ, hệ sinh thái hồ Nhĩ Hải ở Trung Quốc đã sụp đổ sớm hơn nhiều so với dự kiến của các nhà quan sát, vốn chỉ dựa trên một yếu tố là nước thải nông nghiệp dồn chất dinh dưỡng thừa vào hệ thống thủy văn này. Trong khi trên thực tế còn có sự cộng hưởng của biến đổi khí hậu, vấn đề quản lý nước và các dạng ô nhiễm khác, làm tăng tốc quá trình suy thoái, khiến hệ thống hồ nhanh chóng mất đi khả năng tự phục hồi.
Theo các nhà khoa học, mặc dù nghiên cứu tập trung vào mặt tiêu cực của giọt nước làm tràn ly, nhưng nó cũng có điểm tích cực khi chứng minh rằng các thay đổi nhỏ trong một hệ thống cũng có thể mang đến những tác động lớn. Một ví dụ minh họa là việc hồ Hải Nhĩ đã có các biểu hiện hồi phục. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn nhấn mạnh rằng thời gian không còn nhiều như nhiều người tưởng nữa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability.