Digman, công ty in 3D bản địa, đang giúp các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm mẫu phục vụ cho quá trình nghiên cứu phát triển hoặc thử nghiệm sản phẩm trong thời gian ngắn nhất - điều mà trước kia họ khó lòng làm được.

Cung cấp giải pháp in 3D công nghệ SLS (in bột) với vật liệu lynon trắng làm mô hình kiến trúc cho khách hàng. Ảnh: Digman
Cung cấp giải pháp in 3D công nghệ SLS (in bột) với vật liệu lynon trắng làm mô hình kiến trúc cho khách hàng. Ảnh: Digman

Một công nghệ đột phá

Giám đốc điều hành Nguyễn Văn Hùng cho biết công ty của anh đã xây dựng được một nhà máy rộng gần 400m2 ở Hà Đông (Hà Nội) với hơn 100 máy in 3D công nghiệp khổ lớn để sản xuất các sản phẩm nhựa cùng lúc. Áp dụng mô hình trang trại in 3D, Digman là một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam tập trung vào sản xuất bằng công nghệ in 3D trên quy mô lớn với các quy trình chuyên nghiệp.

Công nghệ in 3D hay còn gọi là sản xuất đắp dần (additive manufacturing) là quá trình tạo nên một vật thể bằng việc in từng lớp vật liệu xếp chồng lên nhau từ một bản thiết kế 3D. Máy tính sẽ đọc các lớp dữ liệu trên bản thiết kế và điều khiển đầu in 3D phun vật liệu đã nóng chảy thành các lớp theo cung đường xác định. Kết quả, máy in sẽ tạo ra sản phẩm giống y hệt như bản thiết kế 3D, kể cả những chi tiết phức tạp ở bên trong mà cách đúc khuôn truyền thống không thể nào tạo ra được.

Tuy đã khá phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam, việc tiếp cận với công nghệ in 3D còn khá mới mẻ. “Chúng đang ở giai đoạn thâm nhập thị trường”, chị Phan Thị Nhàn, giám đốc vận hành của Digman nhận xét, “Mới chỉ có một số ít doanh nghiệp tư nhân khai phá lĩnh vực này và số lượng khách hàng của họ vẫn còn hạn chế. Thêm nữa, việc ứng dụng chưa sâu khiến công nghệ in 3D chưa phát huy được tối đa lợi ích mà nó có thể đem lại”.

Lợi ích tối đa đó là gì? Chị Nhàn nói rằng thật khó để hình dung hết những gì sản xuất đắp dần có thể đem lại nhưng có thể mô tả bằng một từ ‘đột phá’. Công nghệ in 3D làm thay đổi tất cả. "Nó không bị giới hạn bởi bất kỳ cấu trúc khó nào và cứ cái gì người ta vẽ ra được thì gần như có thể sản xuất được", chị nói.

File in 3D mô hình hộp sọ phục vụ cho việc tạo miếng vá hộp sọ.
File in 3D mô hình hộp sọ phục vụ cho việc tạo miếng vá hộp sọ.

Là một người rất quan tâm đến y tế và từng có năm năm nghiên cứu trong lĩnh vực này, khi lần đầu tiên nhìn thấy công nghệ in 3D, chị Nhàn đã khao khát đem nó thành hiện thực. Giờ đây, in 3D cho y tế đã trở thành một trong ba mảng hoạt động trọng tâm của Digman. Công ty này đang in các mẫu hộp sọ, xương hông hoặc xương sườn từ bản chụp CT và MRI của bệnh nhân để giúp bác sĩ giải thích cho người bệnh hiểu về tình trạng họ gặp phải và phương án điều trị khả thi. Vì bản in 3D mô tả chính xác cấu trúc cơ thể của người bệnh nên các bác sĩ có thể dùng chúng trong quá trình hội chẩn hoặc phẫu thuật thử.

Chị Nhàn tiết lộ Digman đang phục vụ tầm 5-6 bệnh viện và nhiều chuyên gia đầu ngành trong đó đang có những thử nghiệm mới, một số vẫn đang trong dạng phải bảo mật thông tin nhưng hứa hẹn kết quả có tính ứng dụng cao.

Trong khi đó, anh Hùng nhận thấy họ có thể giúp đỡ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của công nghệ in 3D để nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm. Vì mọi doanh nghiệp - từ các startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đến các tập đoàn lớn và công ty đa quốc gia đều cần sản xuất thử một vài sản phẩm mẫu, nhưng đôi khi họ gặp phải rào cản về thời gian và ngân sách nên cần có những biện pháp tạo sản phẩm mẫu một cách nhanh chóng và tiết kiệm.

Anh Hùng chia sẻ, “Ở Digman, chúng tôi sẵn sàng phục vụ các công ty tạo ra các sản phẩm mockup/prototype chỉ bắt đầu từ 500.000 đồng, thậm chí là 100.000 đồng. Họ có thể đặt hàng với số lượng từ 1 – 1000 chiếc để kiểm nghiệm thiết kế, tính năng hoặc xem xét sự đón nhận của thị trường. Nhờ đó mọi người có thể thử nghiệm liên tục và dễ dàng tạo ra các sản phẩm mới”.

Tạo mẫu nhanh trong quá trình nghiên cứu và phát triển 1 chiếc loa thông minh.
Tạo mẫu nhanh trong quá trình nghiên cứu và phát triển 1 chiếc loa thông minh.

Digman cũng hướng tới một lĩnh vực khác là hỗ trợ tạo mẫu cho ngành đúc. Thoạt nghe, không mấy ai có thể tưởng tượng được mối liên hệ giữa một lĩnh vực công nghệ mới nổi đang tạo nên xu hướng trên thế giới với các làng nghề thủ công mỹ nghệ đã trải qua thăng trầm của lịch sử. Nhưng thực tế, có những thời điểm, khách hàng làng nghề (đặc biệt là nghề đúc) đã trở thành nhóm khách hàng chủ lực của Digman. Nhờ các mẫu hình tinh xảo về linh vật, lư hương hay tranh khắc nổi từ nhựa in 3D, các công ty đúc đồng đã tạo được sản phẩm hoàn thiện với thời gian chế tác chỉ còn vài ngày, so với vài chục ngày bằng khuôn đất như trước kia.

Đằng sau công việc in 3D của Digman là cả một hệ thống chuyên môn và nhân lực có kinh nghiệm. Đội ngũ sáng lập của startup này đã dành hơn hai năm để nghiên cứu vật liệu in, máy móc và kỹ thuật nhằm phát triển những dòng máy in 3D FDM (in sợi nhựa) nội địa thay vì nhập khẩu. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng nhân bản các máy in khi cần tăng năng xuất và chủ động khắc phục các lỗi trong quá trình in – như máy in bị đùn quá mức, tách lớp, hoặc chi tiết bị biến dạng. Công ty này cũng nhập một số dòng máy in từ nước ngoài để chủ động cho những công nghệ in bột (SLS) hoặc in chất lỏng (SLA) khi khách hàng cần sản phẩm có độ mịn bề mặt và độ chi tiết cao hơn.

Ngoài phần cứng, thiết kế phần mềm 3D cũng là một thách thức. Thiết kế dành riêng cho công nghệ in 3D (Design for Additive Manufacturing - DfAM) đòi hỏi phải đảo ngược hoàn toàn cách suy nghĩ thông thường về thiết kế: Thay vì “cắt gọt” một khối nguyên liệu có sẵn, người ta phải nghĩ đến việc “bồi đắp” các vật liệu thành một đối tượng tổng thể một cách tối ưu để tiết kiệm vật liệu và thời gian nhất mà vẫn đảm bảo độ bền.

Chị Nhàn bày tỏ: “Ngành thiết kế cho sản xuất đắp dần này chưa được đào tạo ở Việt Nam và trên thị trường cũng không có nhiều nhân sự có sẵn. Do vậy chúng tôi phải vừa tự tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu của nước ngoài vừa tự đào tạo nhân lực cho bên mình. Bản thân công nghệ in 3D cũng là công nghệ mới nên chúng tôi phải liên tục cập nhật, học hỏi và thử sai”.

Thành lập từ năm 2017, hiện Digman đã có hơn 20 nhân sự chuyên môn. Với việc tập trung vào ba lĩnh vực y tế, tạo sản phẩm mockup/prototype và tạo mẫu đúc, startup này đã phát triển được những know-how trong ngành để làm ra các sản phẩm có chất lượng tốt. Họ có thể in sản phẩm từ file dữ liệu 3D của khách hàng hoặc cung cấp các dịch vụ thiết kế file 3D, dựng mô hình 3D từ ảnh 2D theo yêu cầu. Thậm chí, có những khách hàng bày tỏ sự tin tưởng bằng cách ‘vote cho team thiết kế 3D năm sao vì sự tận tâm, bởi các bạn để ý đến từng chi tiết nhỏ và đã nhiều lần cảnh báo những lỗi sai về thiết kế mà chính team bên mình cũng chưa kịp phát hiện’.

Mở rộng thị trường

Tuy nhiên, với một công ty đã có nhiều kinh nghiệm, thách thức nhất hiện nay của Digman không phải là công nghệ mà là thị trường. Anh Hùng cho biết thời gian đầu, vì công nghệ khá mới mẻ nên Digman cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Nhiều người không quá hiểu về in 3D nên đội ngũ của công ty phải sử dụng chính sản phẩm của mình để nói chuyện và cho khách hàng thấy chúng hữu ích trong công việc của họ như thế nào. Việc có thể sờ nắm và tương tác với những “ý tưởng mẫu đã giúp nhiều khách hàng của Digman dễ dàng hình dung hơn về cơ hội mà họ đem đến cho người tiêu dùng.

Đội ngũ nhân viên của Digman
Đội ngũ nhân viên của Digman bên cạnh các sản phẩm in 3D và dàn máy in sợi nhựa FDM.

Thực tế, việc phát triển khách hàng của Digman chủ yếu theo hình thức “hữu xạ tự nhiên hương” – doanh nghiệp đi trước giới thiệu cho doanh nghiệp đi sau. Điều này đã giúp công ty hình thành được các nhóm khách hàng ổn định với tỷ lệ lặp lại tương đối cao. Tuy nhiên, cơ hội thị trường còn rất lớn và 3.000 doanh nghiệp khách hàng hiện nay chưa phải là con số cuối cùng.

Cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ đang ngày một phát triển, đội ngũ sáng lập của Digman nhận thấy rằng các tài năng trẻ ở Việt Nam đang ngày càng có bước tiến mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và từ đó nảy sinh ra một loạt nhu cầu dự án mới. Khi đó, in 3D có thể đem lại những ứng dụng mạnh mẽ. Để đáp ứng điều này, Digman sẽ cần phát triển thêm các vật liệu in mới nhằm giải quyết các bài toán chuyên sâu cho từng chuyên ngành, mở rộng nhà máy, tăng số lượng máy in và tăng tốc độ hiện diện trên thị trường.

Anh Hùng tin rằng Digman đã có một nền tảng tương đối vững chắc và giờ đây cần gọi vốn để đi nhanh hơn. Xuất hiện ở Vietnam Ventures Summit 2022, họ đã bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư. Điều thú vị là văn phòng của startup này đặt tại tòa nhà Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Hà Nội, nơi có rất nhiều đoàn khách và quỹ đến thăm quan mỗi ngày. Do vậy, Digman có cơ hội tiếp xúc với không ít đối tác tiềm năng.