Các nghiên cứu khoa học về các sản phẩm sử dụng trong kỳ kinh nguyệt còn chắp vá, và nhiều rủi ro tiềm ẩn với sức khỏe của phụ nữ vẫn chưa được hiểu rõ.

Những rủi ro sức khỏe

Đã có những sự cố sức khỏe trong quá khứ. Năm 1980, ở Mỹ, tampon siêu thấm, hay băng vệ sinh dạng ống, liên quan đến 55 trường hợp sốc nhiễm độc và một số họ tử vong. Đây là tình trạng do độc tố từ một lượng lớn vi khuẩn nhân lên trong cơ thể. Sự cố này dẫn đến việc thắt chặt các quy định ở Mỹ, coi tampon là thiết bị y tế (medical devices).

Mặc dù vậy, đến nay các công ty sản xuất tampon không bắt buộc phải sản xuất trong môi trường vô trùng và không phải lấy mẫu kiểm tra mẫu từ mỗi lô sản phẩm. Ở Nhật Bản, các sản phẩm dành cho kinh nguyệt được coi là quasi-drug, hay thuốc dạng nhẹ và không cần kê đơn. Tại Liên minh Châu Âu, tampon là sản phẩm chưa được phân loại.

Ảnh minh họa

Một nghiên cứu về 666 chất có trong các sản phẩm này, do Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thực hiện và công bố vào tháng 3/2017, phát hiện các hợp chất có khả năng gây hại, nhưng ở mức độ an toàn cho phép. Một báo cáo khác do cơ quan an toàn thực phẩm và sức khỏe của Pháp thực hiện năm 2018 đi đến kết luận tương tự. Và một nghiên cứu của Cơ quan Hóa chất Thụy Điển, xuất bản cùng năm, kết luận rằng “không có lý do gì phải lo ngại”. Các sản phẩm sử dụng cho kỳ kinh nguyệt về cơ bản được coi là an toàn.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của phụ nữ cho thấy tình hình không hoàn như vậy. Trong cùng tháng mà chính phủ Hàn Quốc công bố báo cáo, một nhóm vận động có tên Korean Women’s Environmental Network đã công bố câu trả lời từ hơn 3.000 phụ nữ nói rằng họ trải qua các kỳ kinh nguyệt ngắn hơn, chuột rút trầm trọng hơn và chảy máu ít hơn đáng kể khi sử dụng một số loại băng vệ sinh nhất định.

Nhóm này cũng công bố kết quả của một nghiên cứu khoa học tuyên bố rằng 10 loại băng vệ sinh phổ biến nhất của quốc gia này chứa tổng cộng 200 chất hóa học đáng lo ngại, trong đó có 22 chất gây ung thư đã biết.

Phụ nữ Pháp cũng tỏ ra lo ngại. Trong nghiên cứu năm 2018, 81% số người được hỏi cảm thấy ít nhất một loại sản phẩm vệ sinh phụ nữ, chủ yếu là băng vệ sinh, có nguy cơ về sức khỏe.

Trong khi đó, ở Kenya vào năm 2019, hashtag #MyAlwaysExperience lan truyền giữa hàng nghìn người. Họ nói rằng băng vệ sinh Always, một sản phẩm phổ biến ở Kenya đến mức “Always” đã trở thành danh từ chung cho băng vệ sinh, gây ngứa, rát và phát ban. Nhiều phụ nữ Kenya vốn cho rằng nguyên nhân gây ngứa rát là do khí hậu nóng bức, không nghi ngờ băng vệ sinh, nhưng sau đó cho biết tình trạng đã cải thiện đáng kể sau khi chuyển sang sản phẩm khác.

Còn ở Mỹ, theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, hàng trăm phụ nữ đã phàn nàn về các sản phẩm dành cho kỳ kinh nguyệt trong thập kỷ qua, bao gồm tình trạng phát ban, viêm mô tế bào và bỏng hóa chất.

Tại bất kỳ thời điểm nào, khoảng 300 triệu phụ nữ trên thế giới đang có kinh nguyệt. 3/4 trong số này sẽ sử dụng một số loại sản phẩm dành cho kinh nguyệt, chẳng hạn như băng vệ sinh hay tampon. Một phụ nữ sẽ dùng khoảng 15.000 sản phẩm thuộc các loại này trong suốt cuộc đời.

Nhiều bí ẩn hóa học chưa được nghiên cứu

Hai vấn đề đặc biệt gây lo ngại về các sản phẩm kinh nguyệt là kích ứng da và ảnh hưởng đến nội tiết tố. Đáng ngạc nhiên là cả nghiên cứu của Pháp và Thụy Điển đều bỏ qua những vấn đề này.

Kích ứng da có thể bị gây ra bởi nước hoa và chất kết dính. Và mdbgn, một chất bảo quản kháng khuẩn bị EU coi là chất gây dị ứng viêm da và cấm sử dụng trong nhiều loại mỹ phẩm, đã được phát hiện trên các mấu dính trên bề mặt băng vệ sinh trong một nghiên cứu được thực hiện ở Úc vào năm 2007.

Cấu trúc băng vệ sinh và tampon, chủ yếu làm từ nhựa, lớp thấm hút cotton, sợi nhân tạo và chất kết dính.

Tác dụng nội tiết tố thì có nguyên nhân từ chất gây rối loạn nội tiết. Những chất này bắt chước oestrogen, một loại hormone cần thiết cho nhiều chức năng cơ thể bao gồm điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Các doanh nghiệp sử dụng bisphenol để sản xuất một số loại nhựa và paraben, được sử dụng làm chất bảo quản kháng khuẩn; và thêm phthalates vào nhựa để làm mềm. Đây đều là các nhóm hóa chất gây rối loạn nội tiết đã biết. Năm 2020, Kurunthachalam Kannan, nhà hóa học môi trường tại Trường Y Đại học New York, xét nghiệm 43 miếng băng vệ sinh từ một cửa hàng địa phương và tìm thấy 3 chất thuộc nhóm bisphenol, 5 chất thuộc nhóm paraben và 5 chất thuộc nhóm phthalate.

Trong khi đó, đến nay hầu như không có bất kỳ nghiên cứu nào về rủi ro khi âm đạo tiếp xúc với các phân tử này. Tiến sĩ Kannan cho rằng nồng độ chất này trong các băng vệ sinh đã được xét nghiệm “rất cao đối với một sản phẩm tiêu dùng”, nhưng từ chối tiết lộ tên các nhãn hiệu.

Đến nay, vẫn rất khó thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm độc tính, chỉ có thể được thực hiện trên động vật, thường tìm kiếm các phản ứng cực đoan, chẳng hạn như ung thư hoặc tử vong.

Các nghiên cứu hiện có về an toàn hóa chất thường là về đường uống, do đó không thể dùng để ước tính tác động của việc tiếp xúc với âm đạo, vì các chất được tiêu thụ qua đường miệng trước tiên phải đi qua hệ thống tiêu hóa và bị chuyển hóa trước khi được hấp thụ vào cơ thể. Tương tự, rút ra kết luận từ việc tiếp xúc với da ở những vùng như cẳng tay có thể là một cách tiếp cận thiếu sót, bởi vì vùng da này ít thẩm thấu hơn nhiều so với vùng da âm hộ.

Chưa kể, các tiêu chuẩn chính thức về liều lượng an toàn của các hóa chất tiếp xúc thường xuyên với đường âm đạo cũng chưa được xây dựng và mỗi công ty đặt ra các ngưỡng riêng và có cách thử nghiệm sản phẩm riêng.

Viện Tiêu chuẩn Thụy Điển, một viện nghiên cứu chính sách, đã đề xuất tạo ra một tiêu chuẩn toàn cầu cho các sản phẩm sử dụng cho chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm hướng dẫn về ngưỡng giới hạn các hóa chất và cả các tiêu chuẩn thử nghiệm sản phẩm.

Ý tưởng này đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu ban đầu tại Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO). ISO hy vọng rằng, dựa trên nền tảng tiêu chuẩn hiện có đối với các sản phẩm như bao cao su và đồ chơi tình dục, họ có thể thiết lập các tiêu chuẩn nhất quán giữa các nhãn hiệu, sản phẩm và lô hàng sản phẩm cho kỳ kinh nguyệt.

Nguồn: