Các nhà khoa học lo ngại rằng các biện pháp giãn cách chống Covid-19 đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ do hạn chế tiếp xúc và do đó không phát triển miễn dịch chống lại các loại vi rút thông thường.

Vì thế, trẻ em sẽ dễ bị tổn thương khi việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội kết thúc.

Việc tiếp xúc với mầm bệnh do vi rút xảy ra khá thường xuyên và không phải lúc nào cũng dẫn đến bệnh tật, nhưng việc tiếp xúc giúp hệ thống miễn dịch chống lại mối đe dọa nếu cơ thể gặp lại vi rút trong tương lai.

Hình minh họa. Nguồn: Matt Cardy/Getty Images

Trong hơn 14 tháng qua, việc giãn cách xã hội cùng với việc đeo khẩu trang đã không chỉ làm giảm nguy cơ mắc Covid mà còn giảm nguy cơ tiếp xúc với các vi rút hô hấp khác như cúm (số ca nhiễm cúm giảm xuống mức rất thấp vào mùa đông năm ngoái, theo dữ liệu giám sát ở nước Anh do Đại học Hoàng gia GPs -RCGP biên soạn).

Tuy nhiên, các nhà vi rút học lo ngại về RSV, một loại vi rút có thể gây nhiễm trùng phổi nghiêm trọng cần nhập viện và đôi khi gây tử vong ở trẻ em dưới một tuổi - và cho đến nay chưa có vắc xin RSV nào được chấp thuận. Số lượng nhập viện nhiều nhất tại các bệnh viện nhi vào mỗi mùa đông là trẻ sơ sinh dưới một tuổi lần đầu tiên bị nhiễm RSV - vì phổi của chúng chưa phát triển tốt và khó chống lại RSV lây nhiễm, theo Tiến sĩ Catherine Moore, nhà khoa học lâm sàng tư vấn cho Public Health Wales.

Trước thời kỳ Covid, trẻ em sẽ gặp phải hầu hết các loại vi rút theo mùa trước khi chúng được 18 tháng tuổi, do đó trẻ em lớn hơn sẽ dần phát triển miễn dịch chống lại vi rút.

Các nhà khoa học lo lắng rằng sau giãn cách, cuộc sống bắt đầu quay trở lại bình thường, các vi rút đường hô hấp thường lưu hành vào mùa đông hàng năm sẽ quay trở lại, trong khi trẻ em chưa có cơ hội để tiếp xúc và phát triển miễn dịch.

Trước đại dịch, dữ liệu cho thấy hơn 30.000 trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện mỗi năm ở Anh vì RSV. Moore cho biết các bác sỹ nước này đang chuẩn bị cho một đợt nhập viện gia tăng đáng kể trong ngành nhi khoa vào cuối năm nay khi nước Anh dần nới lỏng giãn cách.

Theo RCGP, một vài trường hợp nhiễm RSV đã được phát hiện vào tháng trước, đây là tín hiệu bất thường do loại vi rút này thường lưu hành vào mùa đông ở Anh. Deenan Pillay, giáo sư vi rút học tại University College London và là thành viên của nhóm Independent Sage cho biết: “Xảy ra ca nhiễm RSV vào cuối tháng 5 là rất bất thường, điều này có thể phản ánh tính nhạy cảm về miễn dịch hơn, hoặc vi rút cũng đã thay đổi hành vi theo mùa để thích ứng với tình trạng giãn cách do Covid".

Nhưng còn rất nhiều điều chưa biết và khó có thể dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra vào mùa đông với RSV và các mầm bệnh khác, William Irving, giáo sư vi rút học từ Đại học Nottingham cho biết. Ở Anh không xuất hiện nhiều ca bệnh cúm vào mùa đông năm ngoái, vì vậy số ca nhiễm có thể đặc biệt cao khi mầm bệnh quay trở lại vào mùa đông tới, do nhiều trẻ em chưa tiếp xúc với mầm bệnh để phát triển miễn dịch.

Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2021/jun/09/covid-distancing-may-have-weakened-childrens-immune-system-experts-say