Hai nhà khoa học nữ này được đề cử bởi hội đồng khoa học lĩnh vực khoa học đời sống và khoa học vật liệu. Lễ trao giải thưởng được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11.
Tạo giống lúa tốt từ vật liệu cũ
Trong vòng 25 năm, GS-TS Nguyễn Thị Lang - Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Đại học (ĐH) An Giang và ĐH Cửu Long - đã lai tạo hơn 73 giống lúa, trong đó 31 giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là chuẩn quốc gia. Ngoài ra, 106 giống lúa khác do bà lai tạo cũng đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia.
GS Lang cho biết, việc bà miệt mài lai tạo hàng trăm giống lúa xuất phát từ những trăn trở việc tình trạng mất an toàn lương thực tại các vùng sản xuất nông nghiệp khó khăn và về người thu nhập thấp.
GS Châu Văn Minh (ngoài cùng bên trái) và bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh (ngoài cùng bên phải) trao giải cho hai nhà khoa học nữ. Ảnh: Hà Phương
Bằng việc chọn chính những giống lúa tại các địa phương làm vật liệu khởi đầu cho công tác lai tạo, GS Lang đã xác định được một số giống lúa mang gene cho mùi thơm và năng suất cao để chọn tạo phục vụ sản xuất. Đây là các giống có năng suất trên 9 tấn/ha, chất lượng gạo ngon và có mùi thơm, nổi bật là giống lúa có bộ giống OM.
“Tôi đang tiếp tục hoàn chỉnh các đề tài có liên quan đến nghiên cứu chọn giống xuất khẩu cho Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện nghiên cứu ứng dụng marker phân tử chọn giống kháng khô hạn, chống chịu mặn kết hợp kháng khô hạn, chịu ngập kết hợp với chịu mặn, kháng rầy nâu, kháng bệnh. Tôi cũng đang hoàn chỉnh 5 bản đồ gene mới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” - GS Lang chia sẻ.
Vải đốt không cháy
Cùng được vinh danh trong dịp này là TS Nguyễn Thị Mùa - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - công nghệ và kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an - với công trình nghiên cứu chế tạo vải chịu nhiệt chứa Neoprence (Ne) dùng trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo TS Nguyễn Thị Mùa, chính thực tế công việc đã thôi thúc bà thực hiện nghiên cứu này. “Kết quả đo tính chất của mẫu vải và kết quả thử nghiệm đốt mẫu vải cho thấy có một số chỉ tiêu kỹ thuật vượt mức, như mẫu vải không cháy khi thử nghiệm theo tiêu chuẩn ASTM D 1230-94. Sản phẩm của đề tài sẽ được ứng dụng để sản xuất trang phục cho các chiến sỹ chữa cháy” - TS Mùa nói.
Nói về giải thưởng Khoa học quốc gia năm 2016 L’Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học, GS-TS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - nhấn mạnh: “Những nhà khoa học được vinh danh năm nay là người có niềm nghiên cứu đam mê cháy bỏng, đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách để đi đến thành công trong khoa học và ứng dụng được vào thực tiễn”.
GS Minh cũng cho biết, theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ nữ trong sinh viên các ngành khoa học là 30%, trong cộng đồng các nhà khoa học là 25%. Chỉ có 2,9% số chủ nhân giải thưởng Nobel là nữ. Còn tại Việt Nam, số nhà khoa học nữ chiếm tới 40%.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại L’Oreal - cho rằng: “Họ (các nhà khoa học đoạt giải - PV) đang từng ngày chứng minh rằng phụ nữ có thể đóng góp rất lớn cho sự tiến bộ khoa học trong một lĩnh vực mà đàn ông vẫn đang chiếm ưu thế”.
Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học dành cho các nhà khoa học nữ đang làm việc và nghiên cứu tại Việt Nam, có quá trình nghiên cứu đóng góp lâu dài vào sự phát triển của khoa học Việt Nam.
Ngoài GS-TS Nguyễn Thị Lang và TS Nguyễn Thị Mùa, giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học còn vinh danh 3 tiến sỹ trẻ có nhiều đóng góp trong việc tìm hướng đi mới để hỗ trợ điều trị ung thư từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước, chọn tạo giống cây chống chịu tốt và ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm lấn mặn cũng như các nghiên cứu cải thiện tính chất vật liệu trong nha khoa phục hồi.
Đó là: PGS-TS Đỗ Thị Hà - Phó Trưởng khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu; TS Đỗ Thị Phúc - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội; TS Nguyễn Thị Hiệp - ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM. |