Các nhà khoa học phát hiện khối lượng thức ăn, lượng muối và protein tiêu thụ là nguyên nhân gây ra hiện tượng buồn ngủ sau bữa ăn.

ly-giai-hien-tuong-cang-da-bung-chung-da-mat

Khối lượng thức ăn, lượng muối và protein là những nguyên nhân gây ra hiện tượng buồn ngủ sau bữa ăn. Ảnh: DNews/Youtube.

Các nhà khoa học kết luận lượng thức ăn tiêu thụ có ảnh hưởng tới cơn buồn ngủ sau bữa ăn trong nghiên cứu công bố trên tạp chí eLife hôm 22/11, theo International Business Times.

Nhóm nghiên cứu sử dụng ruồi giấm làm mẫu vật và thiết kế một buồng nhựa nhỏ mang tên Activity Recording Cafe (ARC) để theo dõi thời gian ăn, ngủ và loại thức ăn của chúng.

Loài ruồi thường có giấc ngủ ngắn khoảng 20-40 phút sau bữa ăn, những con ăn nhiều hơn có thời gian ngủ dài hơn. Nhóm nghiên cứu kết luận khối lượng thức ăn và lượng muối, protein mà loài ruồi tiêu thụ là nguyên nhân khiến chúng buồn ngủ.

"Mỗi loại thực phẩm đóng vai trò khác nhau đối với sinh lý học của động vật có vú. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về tác động tức thời của việc ăn uống đối với giấc ngủ", William Ja, tới từ Viện nghiên cứu Scripps, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Các nhà khoa học đã phân tích mạch thần kinh của ruồi để xác định tác động của chúng tới cơn buồn ngủ sau bữa ăn. Một số mạch cho thấy phản ứng đặc biệt đối với protein, trong khi số khác có liên quan tới đồng hồ sinh học trong cơ thể.

"Việc tìm ra mối liên hệ giữa protein và giấc ngủ là điều đáng chú ý", Ja nói.

ARC là điểm khởi đầu cho nhiều nghiên cứu trong tương lai nhằm xác định các gene và mạch chính xác liên quan tới việc gây buồn ngủ của muối và protein, từ đó lý giải vai trò của giấc ngủ sau bữa ăn đối với động vật tự nhiên.