Mặc dù cơ thể bé tẹo, nhưng loài chuồn chuồn Pantala chính là kỷ lục gia về bay đường dài trong thế giới động vật. Với quãng đường di chuyển lên tới 6.500km mỗi lần di cư tìm bạn tình, chúng đã “đánh bại” bướm vua và các loài biết bay khác.
Khi nói về nhà vô địch bay đường dài trong thế giới sinh vật, người ta thường nghĩ đến những loài chim có thân hình mạnh mẽ và khả năng chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết. Nhưng một nghiên cứu mới đây phát hiện, loài bay xa nhất thế giới lại là chuồn chuồn Pantala với chiều dài cơ thể chỉ 3,8cm. Chúng có thể bay khoảng 6.500km mỗi lần di cư, phá kỷ lục về khả năng bay dài nhất (4.000km) của bướm vua.
Thông qua việc nghiên cứu gene của chuồn chuồn Pantala, các nhà khoa học từ Đại học Rutgers - Newark (Mỹ) đã phát hiện khả năng bay bền bỉ tuyệt vời của loài này. Theo đó, những con chuồn chuồn Pantala cư trú ở Texas (Mỹ), Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Mỹ và phía đông của Canada đều có những đặc điểm về gene tương tự nhau, đến mức họ khẳng định các loài này có giao phối với nhau.
“Nếu chuồn chuồn ở Bắc Mỹ chỉ lai giống với nhau và chuồn chuồn tại Nhật Bản chỉ giao phối với đồng loại bản địa thì không thể có những đặc điểm về gene giống nhau đến như vậy. Điều đó cho thấy có sự pha trộn về gene ở các vùng địa lý rộng lớn. Đây là lần đầu tiên có nghiên cứu về gene để xem những côn trùng này bay được bao xa” - Giáo sư Jessica Ware - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Tình trạng lai giống giữa chuồn chuồn Pantala ở châu Mỹ và châu Á chứng tỏ loài này có thể bay 6.500km xuyên châu lục mỗi lần di cư tìm bạn tình để giao phối.
Giáo sư Ware cho rằng chuồn chuồn Pantala làm được điều kỳ diệu đó nhờ những cơ chế thích nghi đặc biệt, như khả năng tăng diện tích bề mặt cánh để việc bay trở nên nhẹ nhàng hơn, gần như là để gió mang chúng đi vậy.
Chuồn chuồn Pantala cứ đến mùa khô lại bay từ Ấn Độ sang châu Phi - nơi đang là mùa mưa. Chúng di cư như vậy ít nhất mỗi năm một lần, bởi môi trường ẩm ướt là điều kiện cần thiết cho sự sinh sản. Chuồn chuồn Pantala có thể bay không ngừng trong chuyến di cư. Nhiều con đã chết do không thể trụ nổi. Tuy nhiên, chừng nào có đủ số lượng để giao phối, chúng sẽ cho ra đời những thế hệ chuồn chuồn mới ở cuối cuộc hành trình
L.Mai (Theo Newsweek)