“Việc làm cho muỗi tuyệt chủng có thể gây ra những hậu quả thảm khốc mà chúng ta không thể dự đoán được” - chuyên gia động vật học Mỹ Ann Froschauer cho biết.

Con người chưa có khả năng tận diệt loài muỗi. Ảnh: Followtheoutbreak
Con người chưa có khả năng tận diệt loài muỗi. Ảnh: Followtheoutbreak

Muỗi là loài gây ra cái chết của nhiều người nhất. Theo Tổ chức Y tế thế giới, muỗi là thủ phạm chính của 438.000 ca tử vong vì sốt rét trong năm 2015. Chúng cũng lan truyền nhiều tác nhân gây dịch nguy hiểm khác như virus Zika, virus sốt xuất huyết (làm 22.000 người chết mỗi năm) và virus sốt vàng da (làm 30.000 người chết mỗi năm). “Tội lỗi” của loài muỗi lớn như vậy, tại sao chúng ta không tận diệt?

Câu trả lời là không thể. Lý do đầu tiên: Muỗi - với khoảng 3.500 loài - có vai trò vô cùng quan trọng trong tự nhiên. Muỗi đực thụ phấn cho nhiều loài thực vật. Muỗi cũng là thực phẩm cho rất nhiều loài động vật như cá, rùa, chuồn chuồn, chim, dơi… Ấu trùng muỗi là nguồn thức ăn khổng lồ cho các loài săn mồi dưới nước.

“Việc làm cho muỗi tuyệt chủng có thể gây ra những hậu quả thảm khốc mà chúng ta không thể dự đoán được” - chuyên gia động vật học Mỹ Ann Froschauer cho biết.

Ngay cả khi con người bất chấp hậu quả đối với hệ sinh thái, quyết xoá sổ loài muỗi thì đây cũng là điều không thể trong điều kiện khoa học kỹ thuật hiện tại. Mỹ và một số nước khu vực Mỹ Latinh cũng từng có nhiều chiến dịch, áp dụng mọi biện pháp - kể cả cực đoan nhất trên quy mô lớn - để diệt muỗi, nhưng vẫn còn một số quần thể muỗi sống sót và phục hồi.

“Làm tuyệt chủng loài muỗi là nhiệm vụ bất khả thi. Không nhà khoa học nào có thể ảo tưởng về chuyện đó” - ông Roger Nasci - Giám đốc Chương trình Kiểm soát muỗi tại Chicago (Mỹ) nói. Tuy nhiên trong tương lai, những công nghệ như CRISPR/Cas9 sẽ giúp con người giảm tối đa tác hại của muỗi mà không cần “đuổi tận giết tuyệt” loài sinh vật này.