Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia cho thấy thực vật không chỉ có khả năng hình thành ký ức mà còn có thể xóa đi những ký ức không mong muốn.

thuc-vat-co-the-hinh-thanh-va-xoa-ky-uc-nhu-con-nguoi

Thực vật cần lãng quên ký ức về hạn hán khi điều kiện sống trở nên thuận lợi hơn. Ảnh: Peter Crisp.

Theo Mother Nature Network, thực vật không có hệ thống thần kinh, nhưng chúng có khả năng lưu giữ ký ức trong ADN. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu quá trình này diễn ra cụ thể như thế nào, nhưng họ biết thực vật không chỉ hình thành ký ức mà còn truyền lại ký ức cho thế hệ sau.

Sự hình thành ký ức đặc biệt quan trọng ở thực vật, giúp chúng thích nghi với những biến đổi của môi trường sống. Ví dụ, khi một cây xanh trải qua tình trạng hạn hán, nó có thể hạn chế phát triển trong những năm tiếp theo.

Nếu ký ức được thiết lập mà không rơi vào quên lãng, cây sẽ gặp phải nhiều vấn đề khi điều kiện môi trường sống trở lại mức bình thường. Trong trường hợp trên, cây cần quên ký ức về đợt hạn hán, khi các điều kiện thời tiết thuận lợi hơn cho sự phát triển. Tương tự, một hạt giống cây trồng sinh ra với ký ức hạn hán bị gió thổi bay đến địa phương khác, nơi tình trạng hạn hán ít phổ biến hơn, cần quên đi ký ức di truyền này.

Trong công bố hôm 22/2 trên tạp chí Phys.org, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Australia phát hiện khi thực vật hình thành ký ức, chúng tạo ra một loại protein có thể tác động đến ADN. ADN được mã hóa thành ARN trước khi chuyển hóa thành protein. Bất kỳ sự gián đoạn nào tới quá trình này cũng có thể làm ngăn chặn hình thành ký ức. Cơ chế hoạt động nói trên gọi là sự phân rã ARN, một quá trình thoái hóa tự nhiên của các phân tử ARN, giúp kiểm soát mức độ ARN trong cơ thể.

Một số bằng chứng cho thấy thực vật có khả năng hình thành ký ức nằm ngoài quá trình di truyền. Ví dụ, thực vật có thể tạo ra ký ức ngắn hạn mà không cần thông qua sao chép ADN hay ARN. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ quá trình này hoạt động như thế nào. Đây sẽ là đề tài nghiên cứu của họ trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu khiến các nhà khoa học phải cân nhắc lại quan niệm cho rằng, trí nhớ là kết quả hoạt động của các tế bào nơron thần kinh. Trên thực tế, ký ức có thể hình thành bằng nhiều cách khác nhau, trên mọi cơ quan của cơ thể sinh vật.