Những phát hiện thiên văn mang tính đột phá trong năm 2015 giúp các nhà khoa học có thêm động lực để chứng minh con người không đơn độc trong vũ trụ.
Đại dương trên sao hỏa. Đầu năm 2015, các nhà khoa học ước tính ít nhất 1/15 bề mặt sao Hỏa được bao phủ dưới lớp nước sâu 137m cách đây 4,5 tỷ năm. Vì vậy, dấu hiệu của sự sống có thể ẩn trong lòng đất sao Hỏa. Một phát hiện khác vào tháng 8/2015 chỉ ra nước đã tồn tại trên sao Hỏa sớm hơn 200 triệu năm so với công bố trước đây. Hơn nữa, sự sống trên Trái Đất xuất hiện cùng thời điểm với những hồ cuối cùng trên sao Hỏa, theo Business Insider. (Ảnh: ESO/M. Kornmesser).
Tiểu hành tinh và sao chổi gieo mầm sự sống. Theo một báo cáo khoa học vào tháng 8/2015, vụ va chạm của sao chổi với Trái Đất có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tổ hợp axit amin và tạo thành những dạng sống đầu tiên. Trong vũ trụ, sao chổi cũng có thể gieo mầm sự sống trên hành tinh khác ở ngoài hệ Mặt Trời. (Ảnh: ESA/Rosetta/NAVCAM).
Nước bên dưới lớp vỏ vệ tinh Europa của sao Mộc. Europa là vệ tinh thứ sáu, tính theo quỹ đạo từ trong ra ngoài của sao Mộc, đứng thứ 4 về kích thước và nhỏ hơn Mặt Trăng một chút. Những vân màu nâu trên bề mặt vệ tinh Europa được cho là nước lỏng ấm thấm ra từ bên trong lớp vỏ của nó. Theo các nhà khoa học, bên dưới vỏ ngoài của Europa là một lớp nước. Europa có thể chứa nhiều nước hơn Trái Đất, đây chính là lý do thôi thúc cả Mỹ và châu Âu đang đầu tư hàng trăm triệu USD để thực hiện các sự mệnh không gian nhằm tìm kiếm sự sống bên dưới bề mặt vệ tinh Europa. (Ảnh: NASA/JPL/Đại học Arizona).
Đại dương ngầm dưới lớp vỏ băng vệ tinh Enceladus của sao Thổ. Enceladus là mặt trăng lớn thứ 6 của sao Thổ. Các nhà khoa học kết luận có một đại dương ngầm nằm bên dưới lớp vỏ băng của nó. Cũng như Europa, đại dương ngầm của Enceladus là nơi lý tưởng để sự sống tồn tại. Các miệng phun thủy nhiệt nhiều khả năng tồn tại dưới đáy đại dương ngầm này. Miệng phun thủy nhiệt là một khe hở trên bề mặt hành tinh tạo ra vùng nước nóng ấm nhờ địa nhiệt. Những khu vực xung quanh miệng phun thủy nhiệt dưới đáy biển là nơi đa dạng về sinh học, có thể trở thành chỗ trú ngụ của nhiều tổ chức phức tạp sinh sống nhờ chất hóa học hòa tan trong nước. (Ảnh: NASA/JPL/CICLOPS).
Nước có thể tồn tại trên 12 thiên thể trong hệ Mặt Trời. Ngoài Europa và Enceladus, các nhà khoa học nhận định nước có thể tồn tại trên 10 thiên thể khác trong hệ Mặt Trời. Để phát hiện sự sống trên những thiên thể này, các nhà nghiên cứu phải tìm ra cách khoan tới lớp nước nằm sâu hàng trăm km dưới bề mặt thiên thể. (Ảnh: NASA).
Hồ trên vệ tinh Titan của sao Thổ. Bên cạnh Trái Đất, vệ tinh lớn nhất của sao Thổ, Titan, là vật thể duy nhất trong hệ Mặt Trời có hồ trên bề mặt. Những cái hồ này không giống hồ trên Trái Đất bởi nó chứa methane lỏng thay vì nước. Tuy nhiên, đầu năm 2015, một nhóm các nhà khoa học ở Đại học Cornell, Mỹ, chỉ ra rằng những tế bào sống dựa vào khí methane có thể tồn tại trên vệ tinh Titan. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Đại học Arizona/Đại học Idaho).
Phát hiện Trái Đất thứ hai. Có thể sự sống chỉ hình thành và phát triển trên những hành tinh giống Trái Đất. Cơ hội duy nhất để phát hiện người ngoài hành tinh là tìm kiếm trên những hành tinh nằm bên ngoài hệ Mặt Trời. Tháng 7/2015, các nhà khoa học phát hiện hành tinh giống Trái Đất mang tên Kepler-452b ở cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng. Kích thước, quỹ đạo, sao mẹ và tuổi thọ của nó đều phù hợp cho sự sống hình thành. (Ảnh: NASA Ames/JPL-Caltech/T. Pyle).
Phương trình Drake và tiên đoán về các nền văn minh trong vũ trụ. Phương trình Drake nổi tiếng cho phép các nhà khoa học tính toán có bao nhiêu nền văn minh ngoài Trái Đất trong dải Ngân Hà. Phương trình được tạo bởi nhà thiên văn học Frank Drake, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ hình thành sao, xác suất sao có hành tinh xung quanh, xác suất sự sống phát triển, khoảng thời gian trung bình một nền văn minh phát tín hiệu vào không gian. Một báo cáo khoa học vào tháng 8/2015 kết luận những thiên hà khác trong vũ trụ có thể chứa số hành tinh thuận lợi cho sự sống nhiều hơn 10.000 lần dải Ngân Hà. (Ảnh: NASA/Hubble Heritage Team).