Quyết định trở về Việt Nam làm việc sau 11 năm nghiên cứu ở nước ngoài của tiến sỹ Phong được thầy ông ví là “đang ngồi thảm bay lại nhảy vào lửa”; nhưng sự thực, ông đã dần nhóm được ngọn lửa đam mê cho sinh viên và từng bước xây dựng một phòng thí nghiệm hiện đại.
Dựng lab theo chuẩn tây
Từ Singapore, tiến sỹ (TS) Trần Đình Phong về làm việc tại phòng thí nghiệm của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) từ tháng 7/2015. Nói là về làm việc nhưng kỳ thực lúc đó ông mới bắt tay vào việc xây dựng phòng thí nghiệm.
TS Phong nói tới sự trở về của mình sau 11 năm làm việc tại Pháp và Singapore: “Khi tôi quyết định về, thầy của tôi là GS James Barber ở Đại học Nanyang, Singapore rất ngạc nhiên, bảo: “Tôi chưa thấy ai đang ngồi trên thảm bay mà lại nhảy vào lửa”. Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc phải đứng ra làm độc lập, phải có phòng thí nghiệm của riêng mình và làm những gì mình muốn”.
• CHÂN DUNG CÁC NHÀ KHOA HỌC VIỆT
“Những ngày tôi mới về nước, phòng thí nghiệm không có, làm thí nghiệm nay nhờ nhóm này, mai nhờ nhóm khác, như người vô gia cư vậy. Gần tết 2015, tôi nói vui với mọi người rằng năm hết tết đến mà điện thì có nhưng nước thì không, chỉ có mấy cái bàn để làm việc” - TS Phong bồi hồi nhớ lại mà rằng: “Có lẽ 10 năm nữa nó sẽ giống như một kỷ niệm đẹp”.
Đến giờ sau một năm nhìn lại, TS Phong vẫn nghĩ, việc có được phòng thí nghiệm tổng diện tích 120m2 với các trang thiết bị cơ bản đồng bộ và một số máy móc hiện đại như máy phân tích điện hóa, máy phân tích hình thể vật liệu... như bây giờ là nhanh so với dự kiến.
Ông cho biết: “Từ nay đến cuối năm, một số thiết bị nữa sẽ về. Tôi nghĩ chỉ tầm hè năm sau, chất lượng phòng thí nghiệm của tôi sẽ ngang phòng thí nghiệm của GS James Barber ở NTU Singapore - nơi tôi làm việc trước đây”. Hiện phòng thí nghiệm của ông bắt đầu triển khai các nghiên cứu hợp tác với TS Trương Quang Đức ở ĐH Tohoku, Nhật Bản, nhóm của TS Vincent Artero ở Trung tâm Năng lượng nguyên tử CEA Grenoble và nhóm của GS Pascal Lenormand ở ĐH Toulouse, CH Pháp.
TS Phong nhớ lại: “Khi bắt đầu về nước, tôi có nói với thầy của mình là sau 3 năm nếu ông ấy sang Việt Nam, tôi sẽ có phòng thí nghiệm tốt bằng phòng thí nghiệm của ông. Lúc đó thực sự tôi chỉ nói vui nhưng sau một năm, khi phòng thí nghiệm đã có hình hài, tôi tự tin nói thầy cứ sang đi, tôi sẽ cho ông xem điều ngạc nhiên. Tháng 4 vừa rồi, GS Barber lần đầu tiên đến Việt Nam có ghé phòng thí nghiệm của tôi, ông hài lòng với những gì tôi đã làm được”.
Được hỏi về ước muốn của mình, TS Phong cho biết ông muốn thiết lập và xây dựng được một phòng thí nghiệm ngang bằng với các bạn nước ngoài.
Truyền cảm hứng cho sinh viên
TS Phong nói mình rất may mắn vì có được những sinh viên, nghiên cứu sinh rất “máu mê” - những người mà ông luôn coi là bạn, là đồng nghiệp. Điều đó khiến giữa ông và sinh viên dường như không có khoảng cách. “Có lẽ vì tôi dễ tính nên các bạn sinh viên lẽ ra chỉ thực tập 3 tháng, nhưng khi đến phòng thí nghiệm của tôi lại thường thực tập đến cả năm trời” - ông nói vui.
Luôn coi trọng việc truyền cảm hứng và động lực làm việc cho sinh viên, TS Phong muốn họ xem phòng thí nghiệm như nhà mình. Đó là điều ông học được trong 2 năm làm postdoc tại phòng thí nghiệm của GS Marc Fontecave và TS Vincent Artero ở Trung tâm Năng lượng nguyên tử CEA Grenoble, Pháp. “Chỉ có 2 năm, nhưng đó là nơi gắn bó và để lại nhiều kỷ niệmnhất. Mỗi lần quay lại, tôi cứ ngỡ như mình trở về nhà và tôi muốn tạo cảm giác đó cho các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh làm việc tại lab của tôi ở Việt Nam”.
Chính vì đam mê khoa học và coi trọng sinh viên, nghiên cứu sinh nên ông cũng luôn đòi hỏi cao ở họ: “Tôi luôn yêu cầu sinh viên, cứ thứ sáu hoặc thứ bảy hằng tuần phải đọc lướt qua các tờ báo lớn xem trong tuần vừa rồi các nhóm nghiên cứu trên thế giới đã công bố được những kết quả gì liên quan đến hướng mình làm. Có như thế mình mới bắt kịp được với xu hướng phát triển khoa học thế giới”.
Chính vì thế cho đến nay - sau hơn một năm về nước, TS Phong không chỉ dần dần có được một phòng thí nghiệm hiện đại mà còn tạo được nhóm sinh viên đam mê nghiên cứu. “GS Barber có nói với tôi là sinh viên của tôi giỏi, khả năng học và cách tư duy rất khá. Nếu tôi không dạy được họ, đó là lỗi của tôi” - ông tự hào chia sẻ.
Hiện tại, sau khi công bố nghiên cứu về khoa học vật liệu trên tạp chí Nature Material - tạp chí số 1 thế giới về lĩnh vực này, TS Phong cùng các cộng sự tiếp tục nghiên cứu để làm ra lá nhân tạo (nghiên cứu các vật liệu, thiết bị tiên tiến trong việc chuyển hóa và sử dụng năng lượng mặt trời dựa trên các quá trình tổng hợp quang hóa tự nhiên của lá cây xanh).
Ông cho biết, một trong những mô hình lá nhân tạo đầu tiên trên thế giới được làm từ năm 2011 ở Mỹ, kích thước chỉ khoảng 1cmx1,5cm và đến nay vẫn chưa tiến triển nhiều. “Để làm được một cái lá bền 1.000 giờ, tất cả các bộ phận cấu thành đều phải bền ít nhất 1.000 và điều này rất khó. Ý tưởng của nhóm tôi là có thể làm từ các thành phần kém bền hơn, nhưng có khả năng tự sửa chữa - cơ chế đang được lá tự nhiên sử dụng. Đây có thể là một hướng đi thú vị và hứa hẹn.” - ông hào hứng chia sẻ.
TS Phong cũng đang bắt đầu các nghiên cứu về vật liệu để xử lý nước bởi trong nước có những chất thải hữu cơ rất nguy hiểm, cần vật liệu có thể phân hủy chúng. “Ở Việt Nam nhiều người làm cái này rồi với thành công ở mức độ khác nhau, nhưng tôi nghĩ nhóm tôi có thể thử một cách tiếp cận mới. Không có gì đảm bảo thành công, nhưng tôi và các đồng nghiệp của tôi rất muốn thử thách” - ông nói.
TS Trần Đình Phong 35 tuổi, hiện là đồng Trưởng khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) - một trường đại học công lập quốc tế còn được biết đến dưới cái tên Đại học Việt – Pháp, được thành lập năm 2009 trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ hai nước.
Nhóm nghiên cứu của TS Trần Đình Phong đang tiến hành nghiên cứu chế tạo các vật liệu nano, ứng dụng cho chuyển hóa năng lượng và xử lý môi trường.
TS Phong là đồng tác giả của 37 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó có các tạp chí hàng đầu như Nature Materials, Nature Chemistry, Science, Angewandte Chimie, Energy Environment Sciences, ACS Nano. Đến nay, chỉ số trích dẫn của TS Phong là hơn 1900 và chỉ số H là 18. |