Là tiến sỹ lịch sử, GS-TS Lê Thị Quý đến với ngành khoa học nghiên cứu về giới như một định mệnh. Gần 30 năm nay, bà bền bỉ đấu tranh bằng học thuật và trở thành nơi gửi gắm lòng tin của những phụ nữ yếu thế.

Tiến sĩ lịch sử nghiên cứu về nữ quyền

Năm 2005, GS-TS Lê Thị Quý là một trong 1.000 phụ nữ trên thế giới được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những đấu tranh không mệt mỏi cho bình đẳng giới và nữ quyền. Giờ đây ở tuổi 66, bà vẫn miệt mài đi tới những vùng đất xa xôi để nói cho phụ nữ hiểu về quyền của mình và cách tự bảo vệ trước những “khoảng đen” của cuộc đời.

GS-TS Lê Thị Quý. Ảnh: Tuệ Minh
GS-TS Lê Thị Quý. Ảnh: Tuệ Minh

GS Quý khẳng định: “Tôi đến với lĩnh vực này là do sự phân công của lãnh đạo; nhưng cho tới giờ, tôi chưa bao giờ ân hận”.

Về nước sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ sử học tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), bà Quý làm việc ở Viện Nghiên cứu sử miền Nam, sau đó được phân công về Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ và gia đình (sau này là Viện Gia đình và Giới). Thời điểm ấy, trong khi các cán bộ trong cơ quan nghiên cứu về phụ nữ ở khía cạnh những đóng góp tích cực cho xã hội thì một mình bà đi theo một hướng hoàn toàn khác biệt - nghiên cứu những tiêu cực tác động lên cuộc đời người phụ nữ.

“Lúc này, bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, nạn mại dâm... là những vấn đề hết sức nhạy cảm. Không phải mọi người không đồng tình với hướng nghiên cứu của tôi, mà nó là vấn đề chưa ai nói tới” - GS Quý cho hay.

Vượt lên những định kiến của xã hội thời đó, GS-TS Lê Thị Quý đã trở thành nhà khoa học đầu tiên đi sâu vào lĩnh vực này. Bà thường xuyên đi tới các hộ gia đình có xảy ra bạo lực, người hành nghề mại dâm, nạn nhân bị buôn bán, trò chuyện với từng chị em để hiểu họ đang gặp vấn đề gì, đang khó khăn ở đâu rồi tìm cách tháo gỡ.

Bằng trái tim đồng cảm và thấu hiểu, GS Quý đã có được nhiều tư liệu quý giá cho các công trình nghiên cứu khoa học của mình như cuốn “Mại dâm - quan điểm và giải pháp” (chủ biên), “Nỗi đau thời đại”, “Vấn đề ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam”, “Bạo lực gia đình - một sự sai lệch giá trị”....

Cứu phụ nữ bằng khoa học

Tâm niệm rằng nhà khoa học phải “đi bằng hai chân” - nghĩa là phải đưa các nghiên cứu, lý thuyết vào ứng dụng trong thực tiễn, cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề của đời sống, GS-TS Lê Thị Quý từng phối hợp với Liên minh Chống buôn bán phụ nữ toàn cầu xây dựng mô hình chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tại ba tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương (1997 - 2000).

Mục đích của mô hình này là giúp những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc đã trốn về được hoặc bị trả về - vốn nghèo khó và bị kỳ thị - ổn định cuộc sống bằng cách cho họ vay vốn để buôn bán nhỏ hoặc làm nông nghiệp.

Dự án này cũng tập hợp các nhóm phụ nữ để tuyên truyền, chia sẻ về nạn buôn bán người và xoá đi những mặc cảm, kỳ thị của xã hội về họ. Sau 3 năm, người dân ở đây đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về những phụ nữ bất hạnh. Có chị đã tái hôn, kinh tế gia đình khá giả, có chị được bầu vào hội đồng nhân dân. Sau dự án này, GS Quý đưa ra một loạt khuyến nghị mà Bộ Công an đã sử dụng làm cơ sở cho chính sách 130 về phòng, chống nạn buôn bán người.

Năm 2003, Tổ chức Dân số thế giới lại mời GS Quý phác thảo mô hình về chống bạo lực gia đình. “Thời điểm ấy, chính sách nhà nước cũng có nhưng việc thực hiện chưa nhiều. Tôi biết rằng mình không thể nói suông. Để chống bạo lực gia đình, phải dùng sức mạnh cộng đồng giải quyết các vấn đề của cộng đồng” - bà nói.

Sau khi nghiên cứu thực tế, GS Quý đã cho lập một chuỗi hoạt động với ban quản lý dự án, đường dây nóng và đội can thiệp nhanh, nhà tạm lánh, câu lạc bộ và mở rộng tuyên truyền ở địa phương.

Nữ giáo sư chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu tôi đã luôn tự hỏi làm thế nào để cứu nạn nhân, bởi lẽ người phụ nữ không có chỗ nào để chạy trốn cả. Về nhà bố mẹ đẻ thì bị trả lại, sang nhà hàng xóm thì bị chồng tới lôi về. Họ có thể bị đánh cho tới chết”. Khi mô hình được áp dụng tại thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnhThái Bình, người dân ở đây đã có một sáng kiến mà theo bà là tuyệt vời: Mỗi gia đình tình nguyện dành ra một căn phòng cho nạn nhân trú tạm.

Khuôn mặt bà Quý sáng bừng lên khi nhớ lại: “Họ gọi đó là địa chỉ tin cậy. Ban đầu là cán bộ xã, cựu chiến binh cho mượn phòng. Rồi phong trào lên cao tới mức riêng tại 2 xã thực hiện dự án có tới 76 địa chỉ như thế. Có trường hợp người chồng vác rìu tới gây sự, nhưng ngay lập tức bị đồng chí cựu chiến binh đứng ra ngăn cản quyết liệt. Nếu bị trả về trong những tình huống như vậy, người vợ có thể bị đánh đến chết”.

Điều nữ giáo sư hài lòng nhất là bên cạnh việc bảo vệ phụ nữ, dự án còn giúp nhiều người chồng bạo lực thay đổi. Thậm chí, có người chồng trước đây đánh vợ dã man nay trở thành tuyên truyền viên tích cực của dự án. Mô hình của bà Quý sau đó đã lan sang cả Nam Định, Thừa Thiên - Huế.

Giảng viên truyền cảm hứng

Sau thời gian dài làm việc tại Viện Nghiên cứu về giới, từ năm 1992 bà Quý được mời giảng dạy về giới và gia đình tại khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số trường đại học khác. Đến năm 2001-2002, bà là giảng viên chính thức của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Bà cũng từng được mời dạy tại Đại học Clark (Mỹ) theo chương trình Fullbright Scholaship.

Hiện bà phụ trách bộ môn công tác xã hội ở Đại học Thăng Long. Bà trở thành nữ giáo sư đầu tiên của ngành xã hội học vào năm 2010.

Chia sẻ về nghề giáo, bà nói: “Đứng trên bục giảng mà ngày nào cũng nói đi nói lại một bài thì không được. Có lý thuyết phải có cả thực tiễn, bài giảng mới sinh động, sinh viên mới hứng thú. Giảng viên phải luôn cập nhật các vấn đề thực tế để làm mới các nghiên cứu của mình”.

Nhờ am hiểu sâu rộng cả thực tiễn và lý thuyết, bà là học giả uy tín và quen thuộc của Việt Nam tại nhiều diễn đàn, sự kiện khoa học quốc tế về các chủ đề giới, nữ quyền, công tác xã hội… “Tôi đang giảng dạy cho những cô dâu đi lấy chồng ở Hàn Quốc. Đổi đời là ước mơ của họ, nhưng họ không tính đến những điều bất trắc. Tôi chỉ mong mình có thể trang bị cho các cô dâu vốn văn hoá nhất định để bản thân họ tìm được hướng đi đúng đắn” - bà Quý rưng rưng tâm sự.

Nói về ước mơ, GS Quý cho biết bà có khát vọng xây dựng những ngôi làng bình yên cho phụ nữ. “Còn sức khoẻ là tôi còn đi. Tôi muốn đi nhiều hơn, xa hơn nữa để hướng dẫn và tuyên truyền cho phụ nữ hiểu về quyền của mình và biết tự bảo vệ trước những bất trắc của cuộc sống” - bà nói.