Theo khám phá mới này chứng minh Leonardo da Vinci là người đầu tiên nghiên cứu có hệ thống về lực ma sát.

Các bản vẽ và ghi chép của Leonardo da Vinci là một kho tàng được các nhà nghiên cứu say mê tìm hiểu. Trong số đó, không ít bản thảo nháp bị bác bỏ và cho rằng chúng không liên quan gì đến khoa học. Nhưng một nghiên cứu mới của Ian Hutchings, giáo sư tại trường Đại học Cambridge, chứng minh điều ngược lại.

Theo đó, một trang vẽ nguệch ngoạc của Leonardo da Vinci từ năm 1493 thực sự chứa phát hiện đột phá, đó là bản viết đầu tiên chứng minh các định luật ma sát.

Mặc dù chuyện Leonardo da Vinci là người đầu tiên thực hiện nghiên cứu có hệ thống về ma sát (làm nền tảng cho khoa học hiện đại về Ma sát học, hoặc các nghiên cứu về ma sát, bôi trơn, lực cản), chúng ta vẫn chưa biết các ý tưởng này xuất hiện từ khi nào và như thế nào. May thay, qua nghiên cứu của mình, Ian Hutchings đã có thể định vị được khoảnh khắc Leonardo da Vinci phát hiện ra lý thuyết vật lý vĩ đại từ năm 1493.

Những phác thảo nguệch ngoạc này của Leonardo da Vinci là bản viết đầu tiên chứng minh các định luật ma sát - Ảnh: V&A Museum
Những phác thảo nguệch ngoạc này của Leonardo da Vinci là bản viết đầu tiên chứng minh các định luật ma sát - Ảnh: V&A Museum

Theo Gizmodo, trang vẽ từng được chú ý từ hồi thế kỷ 20 khi người ta thấy nét phác thảo mờ nhạt hình ảnh một người phụ nữ ở phía trên. Tiếp đó là dòng chữ "cosa bella mortal passa e non dura", nghĩa là "vẻ đẹp sẽ chết đi và không kéo dài mãi”. Nhưng năm 1920, một giám đốc bảo tàng đã gạt đi và cho rằng trang giấy “là những ghi chú và sơ đồ không liên quan bằng phấn đỏ”.

Gần một thế kỷ sau đó, Ian Hutchings nghĩ trang giấy đơn giản kia đáng được xem xét đánh giá một lần nữa. Ông phát hiện ra rằng các hình vẽ vuông tròn nằm ở bên dưới dòng chữ đỏ là để miêu tả khối nặng được kéo bằng một quả tạ treo trên một cái ròng rọc - chính xác là cùng một loại mà sinh viên ngày nay dùng làm thử nghiệm để chứng minh các định luật ma sát.

Chân dung Leonardo da Vinci, họa sĩ vĩ đại, nhà bác học, kỹ sư và nhà giải phẫu, một trong những đại diện xuất sắc nhất của nghệ thuật và khoa học thời Phục hưng - Ảnh: Getty
Chân dung Leonardo da Vinci, họa sĩ vĩ đại, nhà bác học, kỹ sư và nhà giải phẫu, một trong những đại diện xuất sắc nhất của nghệ thuật và khoa học thời Phục hưng - Ảnh: Getty

Hutchings tuyên bố trong một thông cáo báo chí của trường Đại học Cambridge: "Bản phác thảo và văn bản cho thấy Leonardo hiểu các nguyên tắc cơ bản của ma sát vào năm 1493. Ông ấy biết rằng lực ma sát xuất hiện giữa hai bề mặt trượt lên nhau tỉ lệ thuận với lực ép giữa hai bề mặt lại với nhau và lực ma sát đó là độc lập với khu vực tiếp xúc giữa hai bề mặt. Đây chính là định luật ma sát mà ngay nay chúng ta thường sử dụng và cho rằng nó được phát triển bởi nhà khoa học Pháp Guillaume Amontons, 200 năm sau đó”.

Hutchings cũng chỉ ra Leonardo da Vinci đã sử dụng sự hiểu biết của ông về ma sát để phác thảo thiết kế cho các máy móc phức tạp trong hai thập kỷ sau đó. Da Vinci đã nhận ra tính hữu ích và hiệu quả của ma sát, sau đó ứng dụng khái niệm vào chuyển động bánh xe, trục, và ròng rọc - thành phần không thể thiếu trong các máy móc phức tạp của ông.