Những năm gần đây sự bùng nổ thủy điện trong khu vực đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà môi trường.
Sông MeKong có vai trò to lớn đối với cuộc sống của cư dân khu vực này. Trước hết, nó cung cấp nguồn tài nguyên thủy sản quan trọng cho các quốc gia. Dữ liệu từ Ủy ban sông MeKong (MRC) cho thấy ngư nghiệp là nghề chính của cư dân ven sông, chiếm gần 12% tổng sản phẩm quốc nội của Campuchia - đóng góp cho nền kinh tế quốc gia nhiều hơn sản xuất lúa gạo. Còn ở Lào, nghề cá chiếm khoảng 7% GDP. Quy mô ngư nghiệp ở Thái Lan và Việt Nam không lớn như vậy, nhưng vẫn đóng góp hơn 750 triệu USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, sông MeKong là nguồn năng lượng quan trọng cho khu vực Đông Nam Á cũng như Trung Quốc. Theo tổ chức bảo vệ sông ngòi quốc tế International Rivers tiềm năng thủy điện của vùng hạ lưu sông Mekong đạt 30,000 MW; trong khi tiềm năng tại vùng thượng nguồn sông MeKong - chủ yếu ở Trung Quốc - là khoảng 28,930 MW.
Các đập thủy điện chính trên sông Mekong.Nguồn: International Rivers
Trong thập kỷ qua, các quốc gia dọc theo sông MeKong đang ra sức chạy đua phát triển thủy điện. Theo “Báo cáo năng lượng Đông Nam Á 2017” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, tới năm 2040, tổng nhu cầu năng lượng trong khu vực dự kiến sẽ tăng 60%, trong đó thủy điện là nguồn đóng góp lớn nhất từ nhóm năng lượng tái tạo, với công suất tăng gấp đôi lên đến ngưỡng 14% trong giai đoạn 2000 - 2016.
Trung Quốc là một trong những tác nhân lớn nhất cho sự bùng nổ thủy điện trên sông MeKong. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã xây dựng 6 đập thủy điện trên dòng chính tại thượng nguồn sông. Năm 2015, Cục quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết trong giai đoạn 2006 - 2011, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tài trợ 46% tổng đầu tư cho công suất thủy điện bổ sung ở Campuchia, Lào và Myanmar. Một báo cáo tại Campuchia hồi đầu tháng trước cho biết có 30 đập thủy điện hiện đang được xây dựng ở Lào và 7 đập ở Campuchia, chủ yếu được tài trợ bởi Trung Quốc. Một số chuyên gia thậm chí còn gọi động thái này của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á là hành động “Ngoại giao Nước”, ngụ ý quốc gia này sử dụng thuỷ điện như một công cụ nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình tại các quốc gia sông MeKong.
Hạn và xâm nhập mặn lấn sâu trong nội đồng tại ĐBSCL. (ảnh minh họa)
Việc xây dựng các nhà máy thủy điện cũng được dự báo sẽ gây khô hạn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam. Từ trước tới nay, khu vực ĐBSCL đều tiếp nhận lũ lụt hằng năm mang theo cát bồi, phù sa và cá. Dòng nước lũ cũng giúp giảm độ mặn của đất để có thể trồng lúa và luân canh cây trồng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo việc dự kiến xây dựng ba nhà máy thủy điện mới trong khu vực có nguy cơ làm giảm 6,2% thủy lưu hàng tháng.
Tham vọng của Lào trở thành “nguồn pin” cho khu vực Đông Nam Á cũng sẽ bị ảnh hưởng do động thái gia tăng xây dựng đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Me Kong.
Năm 2017, trang tin Mekong Eye cho biết Lào dự kiến vận hành 100 nhà máy thủy điện của mình vào năm 2020, với tổng công suất lắp đặt kết hợp là 28.000 MW và sản lượng điện hằng năm đạt khoảng 77.000 triệu kWh. Với năng lực sản xuất năng lượng ngày càng tăng, Lào kỳ vọng sẽ xuất khẩu điện sang Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Malaysia. Trong tháng 10/2017, Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào tuyên bố quốc gia này đã đồng ý bán 100 MW điện cho Malaysia thông qua lưới điện Thái Lan; đặt mục tiêu xuất khẩu 100 MW điện cho Singapore và 200 MW cho Myanmar vào năm 2020.
Tuy nhiên, điện giá rẻ do các đập Trung Quốc sản xuất có thể ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch trên của Lào. Cuối tháng trước, Trung Quốc cho biết điện của họ sẽ có giá chỉ từ $0,03/kWh, thấp hơn so với Lào (dự kiến bán ở mức $0,06 – $0.2/kWh).
Tiềm năng thủy điện lớn của sông MeKong cho phép các nước có thể giảm thiểu phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo ASEAN cần xem xét một các nghiêm cẩn các mối quan tâm chính đáng của các nhà khoa học và nhà môi trường trong vấn đề xây dựng thêm đập thủy điện.