Các nhà thần kinh học người Mỹ đã có thể kết nối thành công 3 bộ não khác nhau vào chung một luồng suy nghĩ, cho phép cả ba có thể chia sẻ suy nghĩ với nhau để giải quyết cùng một vấn đề.

Theo báo khoa họcScienceAlert, một nhóm các nhà nghiên cứu thần kinh học thuộc Đại học Washington và Đại học Carnegie Mellon, Mỹ đã thành công trong việc kết nối suy nghĩ của 3 bộ não khác nhau khi chơi tựa game xếp hình.

Để có thể liên kết được suy nghĩ của các bộ não lại với nhau, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một hệ thống có tên BrainNet. Hệ thống này kết hợp hai phương pháp, đó là điện não đồ (EEG) để ghi lại các xung điện biểu thị hoạt động của não và kích thích từ xuyên sọ (TMS), kích thích các tế bào thần kinh bằng từ trường.

BrainNet cho phép truyền tín hiệu não bộ thụ động giữa nhiều người, giúp họ có thể kết nối tâm trí mà không cần phải nói một lời nào. Ngoài việc mở ra phương pháp giao tiếp mới lạ, BrainNet còn dạy chúng ta thêm về cách hoạt động của não bộ con người.

Trong thí nghiệm liên quan đến trò chơi xếp hình giống kiểu Tetris, hai người sẽ được nối các điện cực đo điện não đồ EEG có nhiệm vụ quyết định xem có cần quay các khối hình hay không. Để làm điều này, họ phải nhìn chằm chằm vào một trong hai đèn LED nhấp nháy ở hai bên màn hình. Một đèn nháy ở tần số 15hz và một đèn nháy ở tần số 17Hz, qua đó tạo ra các tín hiệu não khác nhau mà EEG có thể tiếp nhận được.

Mọi quyết định của hai người kia sau đó sẽ được truyền đến một bộ thu duy nhất có nhiệm vụ chuyển tiếp tín hiệu sóng não. Người thứ ba sẽ tiếp nhận toàn bộ tín hiệu sóng não của hai người kia thông qua một chiếc mũ đặc biệt. Người này sẽ không thể nhìn thấy màn hình game và phải tiếp nhận tín hiệu sóng não dưới dạng đèn nhấp nháy từ hai người còn lại, qua đó ra quyết định xoay khối gạch hoặc xếp ra sao để khớp nhất. Thử nghiệm trên 5 nhóm, mỗi nhóm chia thành 3 người cho thấy, độ chính xác đạt tới 81,25%.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Washington và Đại học Carnegie Mellon chia sẻ thêm, hiện tại hệ thống mới chỉ có thể truyền được một bit dữ liệu tại cùng một thời điểm. Tuy nhiên nhóm sẽ sớm nâng cấp lượng dữ liệu truyền qua não bộ nhiều hơn.

Trước đó cũng nhóm nghiên cứu này đã thử nghiệm liên kết thành công hai bộ não khác nhau. Người tham gia sẽ được chơi một trò chơi với 20 câu hỏi và các tín hiệu đèn nhấn nháy cũng được sử dụng để truyền tải thông tin.

Hiện tại công trình nghiên cứu của nhóm các nhà thần kinh học người Mỹ vẫn chưa được giới khoa học đánh giá tính thực tiễn. Do vậy sẽ cần thêm thời gian để con người có thể hiểu được cách não bộ giao tiếp với nhau, đồng thời phát triển các phương pháp truyền tin qua sóng não trong tương lai.