Đây cũng là nguyên nhân khiến những cam kết tài chính của chính phủ cho các viện nghiên cứu trong năm nay bị chậm trễ và dẫn đến việc rất nhiều phòng thí nghiệm tại Argentina thiếu quỹ chi trả cho các hoạt động thường nhật. Ông Alberto Kornblihtt, nhà sinh vật học phân tử và là Viện trưởng Viện Sinh lý học, sinh học phân tử và Khoa học thần kinh trực thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia (Conicet), đã lên tiếng cảnh bảo: “Toàn bộ nền KH&CN Argentina đang trong tình trạng suy sụp”.
Chính phủ Argentina cũng đã quyết định giải thể 8 Bộ, trong đó Bộ KHCN và Đổi mới sản xuất được thành lập vào năm 2007 được sáp nhập vào Bộ Giáo dục. Nhà hóa học Lino Barañao - cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học, trở thành một thư ký của chính phủ.
Lớp hóa học ngoài trời tổ chức vào 28/8 tại Buenos Aires là một phần cuộc biểu tình chống chính phủ “phá hủy nền khoa học Argentina”.
Cộng đồng các nhà khoa học và kỹ sư nhìn nhận việc cắt giảm và sáp nhập này như một bước lùi lớn của đất nước. Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên quốc gia trong một thông cáo đã bình luận sự việc này là “một khoảng lùi lớn không thể bỏ qua của khoa học” còn chín thành viên trong hội đồng Conicet đã viết thư gửi Tổng thống Mauricio Macri bày tỏ quan điểm: “việc giải thể Bộ Khoa học không có ý nghĩa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước”.
Ngày 19/9, Chính phủ của Tổng thống Macri đã trình bày bản dự toán ngân sách năm 2019 nhằm thỏa mãn các đòi hỏi của Quỹ Tiền tệ quốc tế để bảo đảm một khoản vay nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Là một phần trong các biện pháp cắt giảm, ngân sách dành cho khoa học bị cắt từ 3,7 tỷ peso (khoảng 96 triệu USD) trong năm 2018 xuống còn 3,4 tỷ peso (khoảng 88 triệu USD).
Bà Susana Hernández, Chủ tịch Hiệp hội Tiến bộ Khoa học Argentina và là điều phối liên minh 23 hiệp hội khoa học trong nước, cho biết việc cắt giảm ngân sách diễn ra đúng vào thời điểm cộng đồng khoa học đang tranh luận xây dựng Chiến lược Khoa học quốc gia năm 2030: “Chính sách thắt lưng buộc bụng này làm những người xây dựng chiến lược chán nản. Họ thấy chính phủ không coi khoa học là một ưu tiên cho tương lai”.
Bà Ana Franchi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dược và Thực vật học, cho biết năm nay Viện của bà chỉ nhận được 20% ngân sách hằng năm chi cho vật tư, dịch vụ, vệ sinh và an toàn. Nếu dự kiến ngân sách năm tới của chính phủ được thông qua, viện của bà sẽ phải đóng cửa. Bà Franchi cùng nhiều giám đốc viện nghiên cứu khác đã có cuộc gặp với cựu Bộ trưởng Barañao và hội đồng quản trị Conicet, nhưng họ chưa có giải pháp thích hợp nào.
Trong khi đó, đồng peso đã mất giá 50% và sự trượt giá trên có tác động đáng kể đến các nghiên cứu dựa vào vật tư thiết bị từ nước ngoài. Nhà nghiên cứu miễn dịch Gabriel Rabinovich, phó giám đốc Viện Sinh học và Thực nghiệm thuốc của Conicet, cho biết, thiết bị mà ông cần để dò nhanh các protein trong nghiên cứu ung thư và miễn dịch đã trở nên quá đắt đỏ đến mức họ không thể mua được. Với đà này, các nhà khoa học trong nước không thể cạnh tranh với các nghiên cứu từ những nước phát triển khác.