Trái với những giả thuyết trước đây về một biến cố đột ngột khiến thành phố cổ nổi tiếng bị bỏ hoang, quá trình này diễn ra chậm rãi hơn nhiều và dường như là kết quả của một sự lựa chọn.

Angkor Wat là điểm đến hấp dẫn du khách nhất, biểu tượng của đất nước Cambodia. Ảnh: Manfred Werner
Angkor Wat là điểm đến hấp dẫn du khách nhất, biểu tượng của đất nước Cambodia. Ảnh: Manfred Werner

Hơn 1.000 năm trước, đế quốc Khmer (802 – 1431)1 nổi lên như là một thế lực quân sự, chính trị và văn hóa hùng mạnh ở Đông Nam Á. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến XV, đế chế này đã xây dựng được một số kiến trúc vô cùng nổi bật, bao gồm Angkor Wat – quần thể di tích tôn giáo lớn nhất thế giới (rộng gần 163 ha).

Bản thân chữ Angkor Wat trong tiếng Khmer mang nghĩa là “thành phố của những ngôi đền”. Công trình ban đầu được xây dựng để thờ thần Vishnu thay vì Shiva2 trong Ấn Độ giáo. Đến thế kỷ XII dưới thời vua Suryavarman II (trị vì từ năm 1113 đến 1150), Angkor Wat được mở rộng để trở thành kinh đô của đế chế; sang thời Jayavarman VII (trị vì trong giai đoạn 1181 -1215) thì du nhập và chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo3. Ngôi đền được đánh giá là đỉnh cao của phong cách kiến trúc Khmer. Giữa thế kỷ XIX, nhà tự nhiên học và thám hiểm Henri Mouhot (1826 – 1861) người Pháp đã viết như sau về Angkor Wat: “Ngôi đền xứng đáng là đối thủ của đền Solomon trong truyền thuyết, được dựng lên bởi những Michelangelo thời cổ đại và hoàn toàn có thể sở hữu một vị trí trang trọng bên cạnh các công trình đẹp nhất của nhân loại. Một di sản thậm chí còn vĩ đại hơn cả những gì mà người Hy Lạp và La Mã đã để lại. Nó cho thấy sự tương phản đáng buồn với các vấn nạn mà xứ sở này đang phải đối mặt.” Hiện tại, Angkor Wat chính là biểu tượng được in hình trên quốc kỳ Cambodia và là điểm đến hấp dẫn du khách (hơn 2,6 triệu lượt người tham quan mỗi năm),…

Angkor Wat năm 1870, do Émile Gsell chụp. Ảnh: Wikimedia
Angkor Wat năm 1870, do Émile Gsell chụp. Ảnh: Wikimedia

Nhưng đâu là nguyên nhân khiến Angkor Wat lụi tàn vào thế kỷ XV, cụ thể là sau năm 1431? – câu hỏi vẫn luôn ám ảnh tâm trí giới nghiên cứu lịch sử và khảo cổ. Trong nhiều thập kỷ, người ta đã tin vào giả thuyết về một biến cố đột ngột xảy ra như thiên tai hay do cuộc xâm lăng bởi người Ayutthaya4 buộc tàn dư quyền lực của đế chế Khmer phải dời về Phnom Penh (nay là thủ đô Campuchia, chính thức từ năm 1865). Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) thì quá trình suy tàn này đã diễn ra một cách từ từ, bắt đầu vào khoảng gần một thế kỷ trước đó do tầng lớp thượng lưu ở Angkor Wat cảm thấy chán với lối sống dựa vào canh tác nông nghiệp nên rời đi để tìm kiếm cơ hội thương mại mới.

“Chúng tôi phát hiện thấy tần suất sử dụng đất ở khu vực trung tâm Angkor đã suy giảm từ khoảng 100 năm trước khi thành phố chính thức bị bỏ hoang”, giáo sư Dan Penny từ Đại học Sydney (Úc), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. “Điều này thôi thúc chúng ta phải xem xét lại nguyên nhân nào đã khiến thành phố bị bỏ hoang”, ông nói. Lý do chính khiến sự suy tàn của Angkor Wat trở thành một câu hỏi hóc búa là vì người Khmer đã không để lại bất cứ tài liệu ghi chép nào sau nhiều thế kỷ. “Chúng ta buộc phải sử dụng những phương pháp khảo cứu khác để biết được chuyện gì đã xảy ra với thành phố và người dân của nó,” Penny nhận định. Nhóm của ông đã tiến hành thu thập và phân tích các mẫu đất lấy từ hào nước gần Angkor Thom – cổng thành Angkor Wat. Kết quả phân tích, bao gồm hàm lượng phấn hoa, than củi và nhiều vật liệu nông nghiệp khác trong đất có thể cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về hoạt động và tập quán nông nghiệp tại Angkor qua nhiều thế kỷ. Các mẫu đất có niên đại từ đầu thế kỷ XIV ghi nhận một sự sụt giảm mạnh đối với hàm lượng phấn hoa và than củi – tức ít được canh tác – thay vì dấu hiệu của hiện tượng xói mòn đất. Bên cạnh đó, khu vực hào nước trong giai đoạn này cũng không còn được coi sóc cẩn thận nữa nên mới bị bao phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc.

Một bưu thiếp in hình Angkor Wat lưu hành ở Liên bang Đông Dương năm 1911. Ảnh: Wikimedia
Một bưu thiếp in hình Angkor Wat lưu hành ở Liên bang Đông Dương năm 1911. Ảnh: Wikimedia

GS. Penny tin rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm các hoạt động nông nghiệp tại Angkor Wat là do triển vọng thương mại hấp dẫn ở nơi khác đã khiến nhiều cư dân rời đi. Các khu định cư gần sông Mekong và Biển hồ (Tonlé Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á) bắt đầu hình thành và mang đến cơ hội giao thương bằng đường thủy cho giới thượng lưu Khmer. Ngoài ra, những khu định cư mới này cũng nằm khá xa trung tâm của các cuộc tranh chấp lãnh thổ với những vương quốc láng giềng. Theo thời gian, Angkor Wat dần bị bỏ hoang và lụi tàn.
-----
Chú thích
1. Đế quốc Khmer hay Đế quốc Angkor đã từng kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn nhất tại Đông Nam Á, nay là các vùng đất thuộc Cambodia, miền Nam Việt Nam, Lào và Thái Lan.
2. Vishnu là vị thần bảo hộ trong Ấn Độ giáo và Bà-la-môn. Vishnu cùng với Brahma và Shiva hợp thành bộ tam thần trong văn hóa Ấn Độ. Phái Shaivism của Ấn Độ giáo xem Shiva là vị Thượng đế tối cao với quyền năng vô hạn, siêu việt, bất biến, vô tướng và vô hình.
3. Phật giáo du nhập vào Cambodia từ thế kỷ V ban đầu dưới một hình thức của Phật giáo Đại thừa, còn ngày nay là Phật giáo Thượng tọa bộ (hay Phật giáo Nguyên thủy; cách gọi Tiểu Thừa thường được tránh sử dụng do mang hàm ý chê bai, khinh miệt) và được ghi trong hiến pháp là tôn giáo chính thức của đất nước (chiếm 98% dân số).
4. Đế chế Ayutthaya là một vương quốc của người Thái tồn tại từ năm 1351 đến 1767. Vào thời điểm cực thịnh, Ayutthaya có biên giới gần như trùng với Thái Lan ngày nay.