Thành công của các dự án nghiên cứu, chế tạo và thương mại hóa sản phẩm bán dẫn đầu cuối (end - to - end) thường phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của hệ sinh thái (ecosystem) xung quanh chúng. Đó là điều hiển nhiên nếu nhìn từ kinh nghiệm của những khu vực mà nay đã trở thành các trụ cột không thể thiếu của ngành công nghiệp chip toàn cầu khi duy trì được đà tăng trưởng liên tục trong suốt một thời gian dài, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và công ăn việc làm mới. Tuy nhiên, việc phát triển một hệ sinh thái bán dẫn thực sự thành công chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng mà thường đòi hỏi rất nhiều công sức, tiền bạc, thời gian,... những nguồn lực rất khó có thể được huy động đầy đủ cùng lúc. Chẳng hạn, chi phí xây dựng các fab (nhà máy đúc chip) tiên tiến nhất hiện nay đã lên tới hàng chục tỷ USD, vượt quá khả năng của hầu hết mọi tay chơi. Thực tế cho thấy, mặc dù nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã rất nỗ lực với những kế hoạch phát triển các “thung lũng Silicon” của riêng mình song phần lớn đều chưa thể thành công.
Những khu vực đang mong muốn thúc đẩy hoạt động đầu tư và đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp chip nên nhìn vào các hệ sinh thái đã khẳng định được vị thế và lấy đó làm tiêu chuẩn. Cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xây dựng, bắt đầu từ nhiệm vụ thiết lập những nền tảng cốt lõi (core) để làm tiền đề cho sự phát triển về sau, tránh nóng vội, chủ quan và duy ý chí. Thay vì đầu tư quá dàn trải và ôm đồm, hãy tập trung vào một phân khúc với các giải pháp cụ thể. Ví dụ, lựa chọn tập trung vào chỉ một lĩnh vực thiết kế hoặc sản xuất bán dẫn có lẽ sẽ tốt hơn là theo đuổi cả hai cùng lúc. Đó là con đường mà những hệ sinh thái chip hàng đầu thế giới ở Đài Loan (sản xuất), Hàn Quốc (sản xuất), EU (cung cấp thiết bị), Nhật Bản (cung cấp vật liệu và thiết bị), Trung Quốc (lắp ráp), Mỹ (thiết kế và thương mại hóa sản phẩm),... đã trải qua.
Sau khi nền tảng cơ bản đã được đảm bảo, hệ sinh thái bán dẫn lại cần tới một môi trường văn hóa mang tính hỗ trợ (support) để tiếp tục duy trì sự phát triển. Đó phải là môi trường có khả năng khuyến khích hoạt động hợp tác giao thoa (cross collaboration) giữa các doanh nghiệp cho những mục tiêu và nỗ lực tập trung dài hạn (long-term focus). Cuối cùng là vai trò xúc tác và bảo trợ của nhà nước trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng (infrastructure), bao gồm cả hạ tầng giáo dục và nghiên cứu khoa học, cũng như ban hành các chính sách tốt nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh chip. Một ví dụ đơn giản là fab bán dẫn thường tiêu tốn rất nhiều điện năng và nước (sạch), cho nên tham vọng xây dựng một ngành công nghiệp chip hùng mạnh sẽ mãi xa vời nếu quốc gia không thể đảm bảo được nguồn cung cho những đầu vào thiết yếu này. Ngoài ra, việc khuyến khích các tài năng tự do di chuyển cũng có thể sẽ góp phần thai nghén nên những hệ sinh thái bán dẫn tiềm năng. Thế giới đã có nhiều ví dụ cho thấy sự phát triển của ngành công nghiệp chip thường có mối liên hệ mật thiết (không chỉ về mặt địa lý) đối với một hoặc một vài trường đại học nghiên cứu hàng đầu, tiêu biểu như Silicon Valley và Stanford; Công viên Khoa học Tân Trúc và hai Đại học Thanh Hoa, Giao Thông (Đài Loan), Thành phố Khoa học và Đại học Tsukuba (Nhật Bản),…
Có thể nói, cuộc đua bán dẫn toàn cầu đang diễn ra vô cùng khốc liệt, và sẽ chỉ rất ít tay chơi có khả năng chen chân được vào chuỗi giá trị quan trọng nhất thế giới này. Việt Nam sở hữu khá nhiều tiềm năng và không phải là không có tham vọng phát triển ngành công nghiệp chip. Tuy nhiên, thứ quan trọng nhất mà chúng ta còn thiếu là một hệ sinh thái bài bản được xây dựng bằng những nỗ lực bền bỉ và vững chắc.
Việt Nam đang rất kỳ vọng vào viễn cảnh đầu tư từ các nhà sản xuất và cung ứng bán dẫn hàng đầu thế giới, trong đó có Samsung, NXP, Amkor,... Tuy nhiên, để thực sự xây dựng được một hệ sinh thái chip nội địa, chúng ta cần phải làm nhiều hơn thế. Theo GS. Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật hồi hương, từng là chuyên gia bán dẫn tại Toshiba), sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam nhìn chung đã có kết quả tốt, hay chí ít cũng được một nửa – chúng ta đã có năng lực nghiên cứu, thiết kế chip, chỉ còn thiếu công nghệ chế tạo. Mặc dù Việt Nam là nước có dân số lớn với nhu cầu chip vi mạch không nhỏ, nhất là trên các sản phẩm dân dụng, nhưng nguồn cung hiện tại hầu như đã ổn định và rất khó chen chân vào, vì thế chúng ta cần thận trọng khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất đại trà (cực kỳ tốn kém), chỉ nên làm điều đó khi đã giải quyết được vấn đề thị trường cho sản phẩm đầu ra. Ngày nay, để nắm bắt công nghệ chế tạo chip, người ta không còn nhất thiết phải xây dựng nhà máy. Giáo sư gợi ý Việt Nam nên lưu ý về xu hướng công nghệ xưởng cực tiểu (minimal fab) – đang được một liên minh tại Nhật Bản theo đuổi, nếu thành công sẽ cho phép các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, công ty vừa và nhỏ, hay cả cá nhân cũng có thể tham gia cuộc chơi bán dẫn.
|