Các biện pháp kiểm soát có thể nhanh chóng chấm dứt đợt bùng phát virus Marburg ở Guinea Xích đạo - đây là một tin tốt cho người dân nhưng không hẳn tốt cho các thử nghiệm lâm sàng.
Nhiều vaccine ứng viên bước vào cuộc chạy nước rút để thử nghiệm hiệu quả chống lại virus Marburg, sau khi Guinea Xích đạo xác nhận đợt bùng phát đầu tiên của năm nay vào ngày 13/2.
Ngay ngày hôm sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ, đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tính khả thi của việc thử nghiệm các vaccine Marburg đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau.
Virus Marburg gây ra các triệu chứng tương tự như sốt xuất huyết, nhưng tỷ lệ tử vong lên tới 88%.
Trong số 25 trường hợp nghi nhiễm vừa qua ở Guinea Xích đạo, có 9 trường hợp tử vong. Đợt bùng phát lần này lớn hơn nhiều đợt trong số 16 đợt bùng phát virus Marburg trước đó. Nhưng nhìn chung, các đợt bùng phát có xu hướng nhỏ và kết thúc tương đối nhanh sau khi các biện pháp can thiệp, bao gồm cách ly và kiểm dịch, được thực hiện.
Các hạt virus Marburg trong mô bị nhiễm bệnh, virus gây ra một căn bệnh chết người với triệu chứng đặc trưng là sốt xuất huyết.
Bởi vậy, ngay cả khi các cuộc thử nghiệm được tiến hành thì cũng không chắc sẽ có đủ số ca bệnh để xác định hiệu quả của vaccine. Nếu bệnh ít lây nhiễm trong cộng đồng và số ca nhiễm thấp thì nhóm đối chứng sẽ trở nên vô tác dụng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn nên thử nghiệm vaccine Marburg. Hiệu quả của vaccine có thể được theo dõi dần qua nhiều đợt bùng phát. Một thử nghiệm ở Guinea Xích đạo cũng có thể cung cấp dữ liệu có giá trị về độ an toàn của vaccine và phản ứng miễn dịch mà vaccine tạo ra trong quần thể có nguy cơ bùng phát virus trong tương lai.
Các ứng viên vaccine Marburg hàng đầu hiện nay đều sử dụng vector là virus, tương tự như vaccine COVID-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển.
Trong đó, vaccine của Viện vaccine Sabin ở Washington DC sử dụng adenovirus ở tinh tinh, đã được sửa đổi để hướng dẫn tế bào người tạo ra protein của virus Marburg.
Vaccine do công ty Janssen, Bỉ, sản xuất, sử dụng adenovirus ở người để làm nhiệm vụ tương tự. Công nghệ vaccine vector virus của Janssen đã tạo ra vaccine COVID-19 Johnson and Johnson.
3 vaccine khác - do Viện Vaccine y tế công cộng (PHV) ở Cambridge, Sáng kiến hỗ trợ vaccine quốc tế (IAVI) ở New York, và công ty vaccine Auro ở New York phát triển - thì dựa trên các virus viêm mụn nước đã được làm suy yếu. Đây cũng là vector virus được sử dụng trong vaccine Ebola đầu tiên. Virus Marburg và Ebola đều thuộc họ Filoviridae.
Trong số 5 vaccine kể trên, có vaccine của Janssen và Sabin từng được thử nghiệm trên người trong các thử nghiệm giai đoạn đầu ở Mỹ. Trong các thử nghiệm trên khỉ, cả 5 vaccine ứng viên đều cho thấy khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh do virus Marburg.
Tuy nhiên, không có vaccine nào có sẵn với số lượng lớn, mỗi loại chỉ có từ vài trăm đến vài nghìn liều.
Nguồn: