Hành động “selfie”, tức tự chụp ảnh mình, ngày càng trở nên phổ biến theo đà phát triển của các mạng xã hội và điện thoại thông minh. Một số nghiên cứu gần đây đã xác minh sự tồn tại của chứng “nghiện selfie”, đồng thời khám phá những nguyên nhân của nó.

Chết vì selfie

Ngày 28/8/2022, khi tham quan thác Ramdaha ở Chhattisgarh, Ấn Độ, sáu thành viên trong một gia đình đã chết đuối do lội nước để chụp một tấm ảnh selfie hoàn hảo, bất chấp biển báo cấm bơi1. Tai nạn thảm khốc này chỉ là ví dụ gần nhất trong một danh sách dài những thương vong khi mải chụp ảnh selfie bằng điện thoại di động.

Nghiên cứu cho thấy những người liên tục selfie đang hành xử theo một cấu trúc giống như người nghiện. Ảnh minh họa: toistudent.timesofindia.indiatimes.com

Không lâu sau khi Twitter tuyên bố “selfie” là từ khóa của năm 2014, một cuộc khảo sát vào năm 2015 của hãng bảo hiểm Erie, Mỹ, chỉ ra 4% số người tham gia giao thông được hỏi thừa nhận rằng mình gây nguy hiểm cho người khác vì selfie khi lái xe2, 3.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ cũng cho thấy từ năm 2011 đến năm 2017, cả thế giới có ít nhất 259 người thiệt mạng do tai nạn khi selfie, hầu hết dưới 30 tuổi 4. Trong những lý do thiệt mạng mà nghiên cứu này ghi nhận, phổ biến nhất là chết đuối do selfie ở sông hoặc biển, bị tai nạn do selfie trước mũi tàu hỏa, bị tấn công do selfie cạnh thú dữ, hoặc trượt chân ngã khi selfie trên các địa điểm cao… Vì những tình huống này thường liên quan đến nỗ lực tự xây dựng cái tôi bằng ảnh chụp (khi selfie bên các cảnh quan nguy hiểm, đẹp hoặc cao), dường như chúng cho thấy hành động selfie liên quan đến tính ái kỷ (narcissism), như một nghiên cứu năm 2008 đã kết luận5.

Các vụ tai nạn do selfie chịu nhiều tác động từ bối cảnh văn hóa. Trên phương diện giới, dù nghiên cứu tiết lộ phụ nữ chụp ảnh selfie nhiều hơn đàn ông, hơn 72% số người chết vì selfie là đàn ông – những người bị thúc ép phải thể hiện “nam tính” bằng cách chụp hình với vách núi cao hoặc động vật nguy hiểm. Trên phương diện vùng, Mỹ đứng đầu về số người chết do vô tình khai hỏa trong lúc làm dáng với súng ống để chụp ảnh selfie. Ấn Độ, quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới, cũng là nơi có nhiều cái chết do selfie nhất6.

Một số chuyên gia liên hệ số vụ thiệt mạng do selfie tại Ấn Độ với các đặc điểm văn hóa. Trả lời Nhật báo Hoa Nam hồi năm ngoái, giáo sư xã hội học Rita Joshi tại Đại học Delhi nhận xét rằng ở một quốc gia có sự phân chia giai cấp sâu sắc như Ấn Độ, ảnh selfie là một công cụ giúp tầng lớp trung lưu thể hiện sự độc đáo của bản thân. “Ảnh selfie giúp mọi người cảm thấy bắt kịp xu hướng khi đăng chúng lên mạng xã hội và nhận được nhiều lượt thích và lời khen. Đó là cách dễ dàng nhất để giới trẻ kết nối với toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, nơi có phong cách sống mà họ muốn hướng đến”, bà Joshi giải thích7.

Khám phá chứng nghiện selfie

Trong khi nhiều quốc gia gấp rút đặt biển cấm selfie tại các khu du lịch có địa hình nguy hiểm, các nhà khoa học ngày càng chú ý đến khía cạnh tâm lý và xã hội của hành vi selfie. Để xác minh một giả thuyết xuất hiện trên mạng xã hội từ năm 2014, rằng có thể đang tồn tại chứng “selfitis” (nghiện selfie), trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Quốc tế về Sức khỏe Tâm thần và Chứng nghiện vào năm 2018, TS Janarthanan Balakrishnan (Trường Quản lý Thiagarajar, Ấn Độ) và TS Mark D. Griffiths (Đại học Nottingham Trent) đã khảo sát thanh niên Ấn Độ – quốc gia có nhiều cái chết do selfie nhất [8][9]. Nhằm giải quyết hai câu hỏi – (i) đâu là những chiều kích thúc đẩy hành vi selfie liên tục, và (ii) liệu những chiều kích này có thay đổi theo lượng thời gian selfie hằng ngày (tương tự chuyện xảy ra với những chứng nghiện đã được công nhận) hay không – nhóm nghiên cứu đã tiến hành hai công đoạn.

Ở công đoạn thứ nhất, họ phỏng vấn 225 thanh niên có độ tuổi trung bình 21, nhằm thu thập một bản tự mô tả của những người nghĩ mình bị “nghiện selfie”. Bằng các phép thống kê nhằm khám phá cấu trúc tâm lý nền tảng ẩn sau các tính chất bề ngoài, họ rút gọn bản tự mô tả này thành sáu động lực cơ bản khiến người ta selfie liên tục:

(i) Để cải thiện môi trường: Chụp ảnh mình bên những người hoặc địa điểm đặc biệt, rồi giữ làm “chiến lợi phẩm” để trang hoàng cho ký ức hoặc trang cá nhân.

(ii) Để cạnh tranh xã hội: Chụp ảnh ở địa điểm nổi hơn người khác, sửa ảnh cho mình đẹp hơn người khác, để đạt được nhiều lượt thích và tương tác hơn, qua đó cải thiện vị thế của mình trong xã hội.

(iii) Để thu hút sự chú ý: Đăng ảnh để nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ bạn bè hoặc người lạ trên mạng xã hội.

(iv) Để cải thiện tâm trạng: Đăng ảnh để khiến mình vui hơn hoặc bớt căng thẳng.

(v) Để tăng sự tự tin: Cảm thấy tự tin hơn khi tự ngắm ảnh selfie của mình, nơi mình hiện diện đẹp hơn nhờ tạo dáng hoặc nhờ chỉnh sửa.

(vi) Để hòa nhập với môi trường: Đăng ảnh để tìm kiếm sự chấp nhận từ nhóm đồng nghiệp, từ nhóm người đồng đẳng với mình, hoặc để khỏi cảm thấy lạc lõng trong các tập thể đó.
Ở công đoạn thứ hai, nhóm nghiên cứu phỏng vấn 400 sinh viên thuộc ba cấp độ nghiện giả định – gồm chạm ngưỡng nghiện, nghiện cấp tính và nghiện mãn tính – để xác định mối tương quan giữa họ với sáu động lực selfie vừa nêu. Số liệu thu được cho thấy cả sáu động lực selfie đều có tầm quan trọng thay đổi theo thang cấp độ nghiện. Cụ thể, bằng phép thống kê nhằm xác định độ phổ biến tương đối của mỗi động lực trong từng mức độ nghiện, nhóm nghiên cứu nhận thấy động lực tăng tự tin và cải thiện tâm trạng sẽ phát huy mạnh nhất khi người selfie chạm ngưỡng nghiện (tức tự chụp ít nhất 3 ảnh mỗi ngày nhưng không đăng lên mạng xã hội). Mong muốn hòa nhập với môi trường phát huy mạnh nhất trong nhóm người nghiện cấp tính (đăng từ 3 đến 6 ảnh mỗi ngày lên mạng xã hội). Ba động lực còn lại – tức cải thiện môi trường, thu hút sự chú ý, và cạnh tranh trong xã hội – phát huy mạnh nhất trong nhóm người nghiện mãn tính (đăng lên mạng xã hội ít nhất 6 ảnh mỗi ngày, và liên tục bị thôi thúc chụp ảnh selfie). Như vậy, càng selfie nhiều, người ta càng kỳ vọng rằng cái tôi của mình sẽ được xã hội công nhận, và kỳ vọng đó lại thúc đẩy họ selfie nhiều hơn nữa, tạo thành một vòng lặp khó thoát ra.

Từ kết quả thống kê này, nhóm nghiên cứu nhận xét rằng những người liên tục selfie đang hành xử theo một cấu trúc giống như người nghiện. Như vậy, sự tồn tại của chứng nghiện selfie đã được xác minh.

Nghiên cứu cũng gợi ý cách thức xây dựng một thang đo mức nghiện selfie, cùng những hướng đi để phát hiện, phòng ngừa và xử lý chứng nghiện selfie sao cho phù hợp với cấp độ nghiện và hồ sơ tâm lý của riêng từng người. Chẳng hạn, khi đối phó với các ca mãn tính, cần chú ý nhiều hơn đến động lực cạnh tranh của người nghiện – phần vì cấu trúc đã nêu của chứng nghiện, phần vì một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng động lực cạnh tranh thay đổi tùy theo từng kiểu nhân cách.

Kết quả nghiên cứu cũng ngụ ý rằng chứng nghiện selfie nên được xem như một vấn đề chung của xã hội, thay vì một vấn đề cá nhân mà người nghiện phải tự chịu trách nhiệm. Thường thì chứng nghiện selfie chuyển sang cấp tính không phải vì những lý do thuần túy cá nhân, mà do áp lực từ việc hòa nhập vào các tập thể như công ty, dòng họ, tầng lớp… Trong khi đó, thuật toán của các mạng xã hội chi phối năng lực cạnh tranh và thu hút sự chú ý mà người nghiện mãn tính nhận được nhờ liên tục selfie. Để giải quyết chứng nghiện selfie, xã hội cần điều chỉnh cách thức sinh hoạt của các tập thể và lối vận hành của các mạng xã hội, thay vì trút hết trách nhiệm lên cá nhân những người nghiện.

Trái với hiểu lầm của nhiều người đọc và trích dẫn nghiên cứu, bản thân nhóm nghiên cứu chưa nhìn nhận chứng nghiện selfie như một chứng rối loạn tâm thần. Trong quá trình làm việc, họ chưa thu thập bất cứ dữ liệu nào để đánh giá các tác động tiêu cực của chứng nghiện selfie đến tâm lý xã hội. Khoảng trống này của nghiên cứu gợi cho người đọc một câu hỏi thú vị: khi người ta selfie liên tục để được xã hội công nhận, thì chứng nghiện selfie của họ có bao giờ bị xem là một chứng rối loạn tâm thần – tức một hiện tượng lệch chuẩn xã hội hay không? Dường như trong trường hợp này, chuẩn mực xã hội – một thứ thay đổi khá thường xuyên – đang vừa tạo áp lực khiến các triệu chứng xuất hiện, vừa quyết định triệu chứng có hay không thuộc về bệnh lý.


Nguồn tham khảo:
[1] https://www.mirror.co.uk/news/world-news/six-members-family-die-trying-27880427
[2] http://edition.cnn.com/2014/12/12/tech/twitter-selfie-trend/index.html
[3] https://www.washingtonpost.com/local/trafficandcommuting/romantic-encounters-behind-the-wheel-are-a-driving-distraction/2015/03/30/f76c8baa-d3f1-11e4-8fce-3941fc548f1c_story.html
[4] https://www.cnn.com/2018/10/03/health/selfie-deaths-trnd/index.html
[5] https://www.academia.edu/335108/Narcissism_and_Social_Networking_Web_Sites
[6] https://www.statista.com/statistics/268136/top-15-countries-based-on-number-of-facebook-users/
[7] https://www.scmp.com/week-asia/lifestyle-culture/article/3128262/india-begs-youths-selfie-responsibly-amid-efforts
[8] https://www.psychologytoday.com/us/blog/in-excess/201801/obsessive-selfie-taking
[9] https://link.springer.com/article/10.1007/s11469-017-9844-x