Việc nghiên cứu tạo bộ kháng thể đơn dòng tái tổ hợp đặc hiệu tế bào T (CD3, CD4, CD8) của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và giảm chi phí cho người bệnh.
Tế bào lympho T (hay tế bào T) là một loại bạch cầu thuộc dòng tế bào lympho, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch đáp ứng của cơ thể. Tế bào T chịu trách nhiệm về miễn dịch bằng cách tiêu diệt các tế bào được nhận diện là bị nhiễm bệnh. Khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể như vi khuẩn, virus, vi nấm, các tế bào lympho T sẽ nhân lên và kết hợp với các loại tế bào bạch cầu khác để tiêu diệt các tác nhân này.
Tế bào T phân thành hai nhóm chính là tế bào T hỗ trợ (biểu hiện CD3+CD4+) và tế bào T gây độc (CD3+CD8+). Trong đó, CD3 là kháng nguyên lympho T chung, có trên bề mặt của tất cả các tế bào T, kích hoạt cả tế bào độc và hỗ trợ. CD4 là một tế bào rất quan trọng với vai trò nhận biết kháng nguyên lạ và điều hòa hệ thống miễn dịch của cơ thể. CD8 là kháng nguyên có trên bề mặt các tế bào lympho T gây độc, có nhiệm vụ tiêu diệt các tế bào nhiễm virus và các tế bào ung thư.
Kháng thể đơn dòng là các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bắt chước khả năng của hệ thống miễn dịch để chống lại các mầm bệnh có hại, chẳng hạn như virus. Hiện nay, kháng thể đơn dòng được ứng dụng rất nhiều trong điều trị, chẩn đoán bệnh và trong nghiên cứu.
Kháng thể đơn dòng kháng CD3, CD4, CD8 không thể thiếu trong chẩn đoán nhiều dạng bệnh lý khác nhau, dựa trên định danh và định lượng quần thể tế bào T bằng kỹ thuật Flow Cytometry (phân tích tế bào theo dòng chảy).
Tại Việt Nam, kỹ thuật Flow Cytometry bắt đầu được ứng dụng trong cận lâm sàng, ở các cơ sở y tế lớn trên thế giới vào thập niên 1990. Tuy nhiên, tất cả kháng thể kháng CD3, CD4, CD8 sử dụng trong chẩn đoán và nghiên cứu ở trong nước đều là sinh phẩm nhập khẩu có giá thành cao. Đến nay, chưa có nghiên cứu nào ở trong nước được thực hiện để phát triển các kháng thể đơn dòng kháng CD3, CD4, CD8. Vì vậy, nhóm tác giả Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã thực hiện đề tài "Tạo bộ kháng thể đơn dòng đặc hiệu tế bào T (CD4, CD8, CD3) ứng dụng trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh".
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tạo plasmid (mẫu DAN nhỏ, ngắn, dạng vòng) tái tổ hợp mang gen mã hóa kháng thể đơn dòng CD3, CD4, CD8. Qua đó tạo được bộ kháng thể đơn dòng đặc hiệu các tế bào này. Kháng thể đơn dòng có cấu trúc dimer (tạo thành từ hai phân tử tương tự nhau), có khả năng tương tác chuyên biệt với kháng nguyên hiện diện trên bề mặt tế bào T nuôi cấy in vitro và tế bào T trong máu ngoại vi người.
Nhóm cũng đã xây dựng quy trình định tính và định lượng tế bào T (CD3, CD4, CD8) trên mẫu máu ngoại vi của người, bằng phương pháp Flow Cytometry, giúp chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tế bào T dễ dàng và chính xác hơn. Quy trình đạt độ ổn định khoảng 80%, khi thử nghiệm ở các môi trường nuôi cấy tế bào khác nhau, trên cả mẫu bình thường và mẫu người bệnh. Cụ thể, 80% mẫu thí nghiệm (24/30 mẫu) cho kết quả định lượng chênh lệch dưới 10% (trong giới hạn cho phép) so với sản phẩm thương mại.
Ngoài ra, kháng thể đơn dòng kháng CD3, CD4 và CD8 cũng được nhóm tinh sạch bằng phương pháp sắc ký ái lực, đạt độ tinh sạch trên 90%. Điều này giúp khả năng ứng dụng của các kháng thể đơn dòng trong chẩn đoán lâm sàng, trên cỡ mẫu lớn trong điều kiện thực tế.
Kháng thể đơn dòng do nhóm tạo ra có hiệu quả chẩn đoán chính xác tương đương hoặc cao hơn so với các sản phẩm thương mại hiện có, được kiểm chứng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ.
Theo nhóm nghiên cứu, kháng thể mới giúp cải thiện độ chính xác và hiệu quả trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tế bào T (suy giảm miễn dịch, ung thư, lao,...). Ngoài ra, sản phẩm được sản xuất trong nước, giúp giảm chi phí so với nhập khẩu từ nước ngoài. Quy trình và sản phẩm kháng thể có tiềm năng ứng dụng trong nhiều cơ sở y tế, từ các bệnh viện lớn đến các phòng khám nhỏ.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.