Trước những mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long buộc phải đa dạng hóa sinh kế để đảm bảo thu nhập. Một nghiên cứu mới cho biết gia đình do nam giới làm chủ, gia đình có quy mô lớn, và đặc biệt là gia đình tham gia các hoạt động khuyến nông và hợp tác xã, có khả năng đa dạng hóa sinh kế cao hơn.

Các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Tiền Giang, Trường Đại học Trà Vinh và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng hai cộng sự nước ngoài đã khảo sát hơn 405 chủ hộ gia đình thuộc ba địa phương có sản lượng lúa lớn ở miền Tây là Tiền Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 1/2021.

Có bốn chiến lược sinh kế được khảo sát, gồm: chỉ trồng lúa; làm nông nghiệp (trồng lúa kết hợp trồng trọt, chăn nuôi); trồng lúa kết hợp các hoạt động phi nông nghiệp (bán thực phẩm, đồ thủ công, làm việc tại nhà máy, tổ chức địa phương), kết hợp các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp. Dữ liệu của 49 hộ nông dân đang áp dụng chiến lược sinh kế cuối cùng sau đó đã được loại bỏ mà không ảnh hưởng đến nghiên cứu.

Phân tích trên 356 mẫu còn lại, kết quả cho thấy có tới hơn một nửa số gia đình chỉ thâm canh trồng lúa, trong khi đó số hộ trồng lúa kết hợp trồng trọt, chăn nuôi hoặc trồng lúa kết hợp phi nông nghiệp chiếm khoảng 20%.

Quyết định đa dạng hóa sinh kế của các hộ nông dân này chịu sự chi phối chủ yếu bởi vốn con người (giới tính, quy mô gia đình, tỷ lệ người phụ thuộc); vốn xã hội (tham gia tập huấn khuyến nông, tham gia hợp tác xã); vốn tự nhiên (quy mô nông trại, tiền thuê đất, khả năng tiếp cận nguồn nước); vốn vật chất (khoảng cách đến chợ, khoảng cách đến trung tâm thị xã); vốn tài chính (tài sản cố định, khả năng tiếp cận tín dụng, hỗ trợ của chính phủ).

Một trong những phát hiện đáng chú ý mà nhóm tác giả chỉ ra là những gia đình do nam giới làm chủ có khả năng đa dạng hóa nguồn sống bằng các hoạt động nông nghiệp ngoài trồng lúa cao hơn so với các hộ được làm chủ bởi nữ. Điều này có thể do nam giới thích ứng và tiếp cận tốt hơn với các chiến lược sinh kế liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi.

Bên cạnh đó, quy mô gia đình lớn và tỷ lệ người phụ thuộc cao cũng thúc đẩy hộ nông dân đa dạng hóa sinh kế hơn nhằm đảm bảo cuộc sống.

Cán bộ khuyến nông Đồng Tháp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Cán bộ khuyến nông Đồng Tháp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Đặc biệt, việc tham gia vào các hoạt động khuyến nông ảnh hưởng tích cực đến đa dạng hóa sinh kế bằng các hoạt động nông nghiệp với xác suất tăng thêm 0,53 điểm phần trăm. Kiến thức được cung cấp trong các buổi tập huấn khuyến nông đã giúp người dân làm phong phú thêm các hình thức canh tác để giảm thiểu tác động của thiên tai. Trong hầu hết các trường hợp khảo sát, các hộ trồng lúa được tiếp cận với những hoạt động này có xu hướng áp dụng công nghệ mới để cải thiện sản lượng và thâm canh lúa cao hơn so với các hộ khác. Tương tự, tham gia vào hợp tác xã cũng làm tăng thêm gần 35 điểm phần trăm khả năng người dân đa dạng hóa sinh kế dựa trên trồng lúa kết hợp trồng trọt, chăn nuôi.

Trong khi đó, khoảng cách đến chợ lại có tác động tiêu cực đến lựa chọn kết hợp trồng lúa với các hoạt động phi nông nghiệp của nông dân. Nghiên cứu chỉ ra rằng quãng đường đến chợ tăng thêm 1 km thì khả năng kết hợp trồng lúa với các hoạt động phi nông nghiệp giảm thêm 5,3 điểm phần trăm. Những hộ gia đình sống xa chợ sẽ phải chi nhiều hơn cho phí vận chuyển, chưa kể khoảng cách còn làm giảm sản lượng và chất lượng nông sản. Hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế cũng ngăn cản họ tiếp cận các hoạt động phi nông nghiệp.

Từ những kết quả tích cực mà chương trình khuyến nông mang lại, nhóm tác giả khuyến nghị đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức cũng như kỹ thuật để người trồng lúa có thể cải thiện sản lượng và thu nhập của họ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên có chiến lược hỗ trợ, tăng cơ hội cho các gia đình kết hợp giữa các hoạt động nông nghiệp và hoạt động phi nông nghiệp. Những chính sách này cần đặc biệt hướng tới phụ nữ làm nông, gia đình đông người và có tỷ lệ phụ thuộc cao bởi nhu cầu sinh kế của họ cao hơn so với các đối tượng khác. Để thực hiện mục tiêu này, việc cải thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận vùng trung tâm, cập nhật thông tin, công nghệ, đóng vai trò quan trọng.

Nghiên cứuvừa được công bố trên tạp chí Taylor&Francis vào đầu tháng Chín.