Một nghiên cứu gần đây thuộc dự án ORCHESTRA, kết nối các nước châu Âu để tăng cường phản ứng chung và hiệu quả đối với đại dịch SARS-CoV-2, đã làm sáng tỏ nhiều thông tin xung quanh việc điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng, hay mAb.

Được công bố trên Journal of Clinical Investigation, nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân được điều trị bằng các loại mAb khác nhau có thể phát triển SARS-CoV-2 đột biến trong một số trường hợp nhất định. Các nhà khoa học đã phát triển một thang điểm, để xác định những bệnh nhân nào có nguy cơ phát triển đột biến khi được điều trị bằng mAb.

mAb là các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm, được thiết kế để hoạt động giống như các kháng thể của con người trong hệ thống miễn dịch, tấn công các tế bào không mong muốn xâm nhập cơ thể. Đây là một lựa chọn điều trị cho những bệnh nhân đang điều trị ung thư và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng và không có miễn dịch mạnh như người bình thường.

Hình minh họa. Nguồn: Pixabay

Tuy nhiên, theo dự án ORCHESTRA, các nhà khoa học "đã phát hiện ra rằng việc điều trị bằng mAb đi kèm với sự đánh đổi nghiêm trọng; SARS-CoV-2 biến đổi để đáp ứng với áp lực miễn dịch được tạo ra khi bệnh nhân được điều trị bằng mAb. Điều này cũng có nghĩa là virus có thể phát triển khả năng kháng mAb, tương tự như sự xuất hiện kháng thuốc khi điều trị bằng kháng sinh trong các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn".

Trong một thử nghiệm, các nhóm nghiên cứu tại Đại học Verona, Ý, đã thu thập các mẫu sinh học từ những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ bệnh nặng cao và được điều trị bằng nhiều loại mAb khác nhau. Sau đó, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Antwerp, Bỉ, đã thực hiện phân tích biến thể virus, kết quả "cho thấy khoảng 8% bệnh nhân được điều trị bằng mAb, SARS-CoV-2 đột biến protein gai với tốc độ vượt trội và thường đột biến ở các vị trí mà mAb nhắm mục tiêu". Protein gai là protein mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào.

Hơn nữa, những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu có tải lượng virus cao hơn đáng kể trong thời gian dài so với bệnh nhân thông thường.

Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Samir Kumar-Singh của Đại học Antwerp, nhận xét: "Không chỉ mAb và khả năng miễn dịch của vật chủ, mà cả các phản ứng chữa bệnh của vật chủ cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các thể đột biến của SARS-CoV-2".

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển một thang điểm nhằm xác định những bệnh nhân nào có nguy cơ cao phát triển các đột biến khi điều trị mAb. Chỉ số này sử dụng kết hợp các dấu ấn sinh học liên quan đến yếu tố tăng trưởng và miễn dịch tuần hoàn (CIB) được đo trong máu, trước khi điều trị bằng mAb. Nếu phát hiện bệnh nhân có nguy cơ cao, các bác sĩ có thể sử dụng các lựa chọn điều trị khác như điều trị bằng thuốc kháng virus và huyết tương dưỡng bệnh.

Điều phối viên dự án ORCHESTRA, Giáo sư Evelina Tacconelli của Đại học Verona kết luận: "Nghiên cứu cung cấp dữ liệu để lựa chọn những bệnh nhân có nguy cơ cao, làm giảm không chỉ tỷ lệ tử vong do COVID-19 mà còn cả COVID kéo dài".

Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2023-02-dark-side-covid-monoclonal-antibodies.html