Nói về việc sản xuất nano curcumin có độ tinh khiết 95% bằng dây chuyền do chính mình thiết kế, ông Trịnh Đình Năng cho biết: “Hiện nay, chúng tôi thường xuyên thu mua nghệ tươi của người dân ở các huyện Pác Nặm, Ba Bể, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Mới, Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn. Sắp tới, chúng tôi sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu để tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân miền núi Đông Bắc và Tây Bắc”.
Mô hình dây chuyền sản xuất nano curcumin của ông Trịnh Đình Năng.
Hình ảnh do nhân vật cung cấp.
Ông Năng cho biết, đây là dây chuyền khép kín từ máy bóc vỏ củ nghệ, khoang tuyển, máy phay, máy tách dầu công nghiệp CO2, máy tách lipit, máy tách curcumin... Chu trình bóc vỏ được thực hiện theo phương pháp gọt đều trên bề mặt, mọi ngóc ngách của củ nghệ đều được bóc lớp vỏ ngoài với độ đều 0,5mm.
Công ty TNHH nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long do ông Trịnh Đình Năng làm giám đốc hiện đã vận hành dây chuyền sản xuất nano curcumin. Việc sản xuất nano curcumin đã tạo ra giá trị gia tăng lớn cho củ nghệ. Để dễ hình dung hơn về giá trị kinh tế của nano curcumin, ông Năng đưa ra vài con số: Từ một tấn nghệ tươi - được thu mua với giá 15-20 triệu đồng - có thể sản xuất được lượng nano curcumin với tổng trị giá 640 triệu đồng.
Ông Trịnh Đình Năng nhận định, triển vọng kinh tế của các sản phẩm từ nghệ là rất lớn. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, hoạt chất curcumin trong củ nghệ có tác dụng chữa viêm loét dạ dày, tá tràng, tăng cường khả năng miễn dịch. Nó cũng có khả năng vô hiệu hóa tế bào ung thư và ngăn chặn hình thành các tế bào ung thư mới, kháng viêm, sát khuẩn, chống ôxy hóa và các tình trạng viêm khớp, thoái hóa khớp, thiếu máu cục bộ. Chất này cũng được các nhà khoa học đánh giá là có triển vọng lớn trong việc hỗ trợ điều trị viêm gan B, C và nhiễm HIV.