Có người đúc kết rằng, ý tưởng thường xuất phát từ một người nhưng để hoàn thiện ý tưởng và ứng dụng vào thực tế, luôn cần đến nhiều người. Nghiên cứu một vấn đề nào đó cũng khởi đầu từ những ý tưởng, và như vậy cũng cần đến nhiều người, một nhóm người.
Lại có người nhấn mạnh hơn, bạn đừng ngồi một mình trong bóng tối mà mơ một ngày nào đó làm thay đổi thế giới. Bạn luôn cần đến các cộng sự, đội ngũ đồng lòng, hợp sức, đưa những phác thảo, kế hoạch trở thành hiện thực.
Trong một hội nghị về khoa học công nghệ, một nhà khoa học tâm đắc về sự kết nối mật thiết giữa các nhóm nghiên cứu với thực tiễn, từ cách nhìn gần gũi, sát sao thực tiễn, các nghiên cứu sẽ đến nhanh hơn với đời sống xã hội. Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành “trụ đỡ” của đất nước với hàng loạt số liệu có tính kỳ tích; nhưng chúng ta không thể tự bằng lòng. Chúng ta đang cùng nhau đối mặt với những thách thức: biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dịch bệnh, suy giảm tài nguyên đất, nước. Để thích ứng linh hoạt với điều kiện, tình hình mới, ngành nông nghiệp cần có tư duy mới, với hàm lượng khoa học, công nghệ cao hơn. Ruộng đồng cần được phủ lên những hàm lượng tri thức. Nông dân cần được tri thức hóa và cùng nhà chuyên môn, nhà khoa học định hình phương thức sản xuất tiên tiến, phù hợp, thông minh.
Một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển cao, được mệnh danh “kỳ tích sa mạc”. Ở đó, sự phối hợp giữa nhà khoa học và nhà nông rất chặt chẽ và khăng khít. Nhà khoa học gần gũi, am tường cánh đồng, trang trại, nhiều người trong số họ cũng chính là nông dân hoặc giữ vai trò tư vấn trực tiếp cho nông dân. Các trung tâm nông nghiệp lớn, thậm chí cả các làng nông nghiệp, đều có các phòng nghiên cứu hoặc đại diện của các viện khoa học. Khoa học và công nghệ hiện diện chuyên sâu và rộng khắp các hoạt động nông nghiệp. Nói một cách dân dã, họ đưa khoa học về làng, nhà khoa học về làng, phòng nghiên cứu về làng. Khi ấy, nhà khoa học không chỉ tập trung vào chuyên môn, nghiên cứu khoa học, mà còn đóng vai trò là người tư vấn, hỗ trợ huấn luyện cho nông dân theo những kết quả nghiên cứu, dựa trên việc lắng nghe, ghi nhận và trao đổi đa dạng vấn đề từ ruộng đồng mà người nông dân đặt ra. Ở chiều ngược lại, người nông dân không chỉ là người thụ hưởng đơn thuần, mà còn đóng vai trò là người cộng tác với nhà khoa học, đặt ra câu hỏi và yêu cầu liên quan đến những vấn đề, chướng ngại phát sinh trong quá trình canh tác, sản xuất thực tế.
Thực tiễn đã có những nhà khoa học nông dân, nông dân làm khoa học đậm chất nông dân mà thường được gọi dung dị là những “nhà khoa học chân đất”. Một khi người nông dân được dịp gần gũi, tiếp cận với các nhà khoa học, mới đầu có thể chưa quen lắm với những thuật ngữ khoa học, với những biểu đồ, số liệu thống kê, nhưng bà con mình thông minh lắm, nhanh nhạy lắm. “Trước lạ, sau quen” thôi. Sự hợp tác giữa nhà khoa học và người nông dân cùng với doanh nghiệp nông nghiệp góp phần hình thành hệ sinh thái nông nghiệp. Trong hệ sinh thái đó, các thành phần hỗ trợ lẫn nhau, thành phần này không thể thiếu thành phần kia. Trong hệ sinh thái đó, những nghiên cứu tâm huyết, trí tuệ của nhà khoa học lan tỏa sâu rộng, phủ xanh lên đồng ruộng, làm tăng giá trị trên từng đơn vị diện tích. Trong hệ sinh thái đó, người nông dân tiếp cận, hấp thu và tự làm giàu tri thức, dần trở thành những “nhà khoa học chân đất”, rồi những nhà khoa học thực thụ, những người lại tiếp tục tư vấn, huấn luyện cho những người nông dân khác.
Thông qua sự hợp tác với nhà khoa học, được sống trong môi trường khoa học, giúp người nông dân mở rộng tầm nhìn, vượt bờ ruộng, qua lũy tre làng đế hướng đến chân trời tri thức. Từ đó người nông dân biết tối ưu hóa cuộc sống, biết tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận để sung túc hơn, giàu có hơn.
Ông bà mình thường nhắc nhở “cần cù bù thông minh”, nhưng điều đó không thể tồn tại trong nền kinh tế tri thức, trong nền nông nghiệp thông minh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đâu chỉ là hạ tầng khang trang, nhà cửa kiên cố, cổng làng uy nghiêm. Mục tiêu cuối cùng chính là chất lượng sống của người dân nông thôn, mà chất lượng sống đâu chỉ được đánh giá bằng một chỉ số duy nhất là thu nhập. Chất lượng sống còn đến từ sự hạnh phúc và sự hiểu biết. Vậy thông qua sự hợp tác với nhà khoa học, được sống trong môi trường khoa học, chính là giúp người nông dân mở rộng tầm nhìn, vượt bờ ruộng, qua lũy tre làng đế hướng đến chân trời tri thức. Từ tri thức đó, người nông dân biết tối ưu hóa cuộc sống, biết tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận để sung túc hơn, giàu có hơn.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có câu văn thật sâu lắng, chạm đến tâm hồn mỗi người chúng ta: “Tôi sinh ra ở nông thôn và bố mẹ tôi là nông dân”. Vậy nhà khoa học về làng, về lại với ruộng đồng, cũng là trở về với nguồn cội, về với nơi chôn nhau cắt rốn, về để giúp lan tỏa tri thức đến bà con nông dân bằng những kết quả nghiên cứu từ thực tiễn ruộng đồng. Phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển”, sẽ được các nhà khoa học tâm huyết hiện thực hóa bằng tài năng, trí tuệ của mình. Nhà khoa học về với ruộng đồng không chỉ mang theo những giá trị từ các kết quả nghiên cứu ứng dụng mà còn đem đến cho bà con nông dân những kiến thức để làm giàu cuộc sống hằng ngày, giúp bà con gỡ bỏ những gì cũ kỹ, không phù hợp còn đeo bám bên mình.
Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Ruộng đồng bớt dần những lam lũ. Ruộng đồng xanh ngát đón chào những nhà khoa học. Ruộng đồng rạng rỡ nụ cười của những người nông dân theo đuổi tư duy sản xuất, kinh doanh mới. Ruộng đồng vào Xuân.